Chương II
QUY ĐỊNH THỐNG NHẤT QUẢN LÝ
CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI CỬA KHẨU
Điều 4. Các hoạt động tại cửa khẩu
1. Hoạt động quản lý chuyên ngành của các lực lượng chức năng, bao gồm Bộ đội biên phòng, Hải quan và các lực lượng chức năng khác tại cửa khẩu.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu, bao gồm các dịch vụ kho, bãi, giao nhận, vận chuyển, gia công, đóng gói, bốc dỡ hàng hóa; dịch vụ thanh toán, thu đổi ngoại tệ; dịch vụ hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và các dịch vụ hỗ trợ khác theo quy định.
4. Hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cửa khẩu của nước có chung biên giới.
Điều 5. Phối hợp các hoạt động chuyên ngành của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu
1. Bộ đội biên phòng, Hải quan và các lực lượng chức năng khác tại cửa khẩu thực hiện hoạt động quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của mình về hoạt động quản lý chuyên ngành.
2. Ban Quản lý cửa khẩu điều hành việc phối hợp thống nhất các hoạt động chuyên ngành của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đảm bảo sự đồng bộ, có trật tự, có nề nếp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Điều 6. Quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động tại cửa khẩu liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải và các hoạt động khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Khi tham gia các hoạt động tại cửa khẩu liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người, phương tiện giao thông vận tải và các hoạt động khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chấp hành Nội quy cửa khẩu và các quy định khác của Ban Quản lý cửa khẩu.
Điều 7. Quản lý hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu
1. Ban Quản lý cửa khẩu quản lý công tác xây dựng, sửa chữa nhà cửa, vật kiến trúc, các công trình công cộng phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc của quốc gia theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, đi lại, làm việc của tổ chức, cá nhân và sự phát triển thương mại biên giới trong phạm vi cửa khẩu.
2. Ban Quản lý cửa khẩu tổ chức cung cấp và khai thác thu phí các dịch vụ tại khu vực cửa khẩu phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
3. Ban Quản lý cửa khẩu tạo điều kiện việc thực hiện dự án sau cấp chứng nhận đầu tư vào các dịch vụ bãi kiểm hóa, bến bãi giao nhận vận tải, kho tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu và các dịch vụ logistics khác tại cửa khẩu.
Điều 8. Phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cửa khẩu của nước có chung biên giới
1. Ban Quản lý cửa khẩu phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi có cửa khẩu và Đồn Biên phòng cửa khẩu để giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động của cửa khẩu như đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh, đảm bảo mỹ quan, môi trường sinh thái khu vực cửa khẩu và các vấn đề phát sinh khác.
2. Ban Quản lý cửa khẩu phối hợp với cơ quan quản lý cửa khẩu và các lực lượng chức năng có liên quan của cửa khẩu nước có chung biên giới:
a) Tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất giữa Ban Quản lý cửa khẩu của Việt Nam và cơ quan quản lý cửa khẩu của nước có chung biên giới;
b) Trao đổi để thống nhất công tác quản lý cửa khẩu và quản lý các thủ tục của hai bên;
c) Kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện giao thông vận tải qua biên giới hoặc khi xảy ra ách tắc tại cửa khẩu;
d) Đảm bảo cơ quan quản lý cửa khẩu và các lực lượng chức năng của cửa khẩu nước có chung biên giới tuân thủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam và nước có chung biên giới tham gia ký kết hoặc gia nhập.
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Quy chế đính kèm Quyết định 45/2013/QĐ-TTg】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét