CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ CÁC TỘI PHẠM ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
1. Tội phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 144).
- Chủ thể của tội phạm này là “người đang có vợ, có chồng” tức là người đang có một quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc hôn nhân thực tế (hôn nhân đủ điều kiện như luật hôn nhân và gia đình quy định, nhưng còn thiếu điều kiện đăng ký kết hôn).
Người chưa có chồng hoặc chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ, có chồng, là đồng phạm với vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Người có ác ý “tranh chồng, cướp vợ”, phá hoại han5h phúc gia đình của người khác cần bị xử lý nghiêm khắc.
- Về mặt khách quan của tội phạm, kết hôn nói ở điều luật là lấy vợ, lấy chồng bằng giấy tờ gian dối, do đó, được Ủy ban nhân dân công nhận; “chung sống như vợ chồng” là ăn, ở với nhau công khai hoặc lén lút và coi nhau là vợ chồng một cách trái pháp luật.
- Đối với các trường hợp lấy vợ lẽ hoặc chung sống tay ba trở lên, về nguyên tắc, nếu diễn ra ở các tỉnh phía Bắc từ sau ngày ban hành Luật hôn nhân và gia đình (13-1-1960), và ở các tỉnh phía Nam từ sau ngày 25-3-1977 (thi hành pháp luật thống nhất trong cả nước theo Quyết định 76/CP của Hội đồng Chính phủ), thì đó là trái pháp luật. Tuy nhiên, khi vận dụng, cần chú ý là tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có quan hệ đến tình cảm gia đình, giữa vợ và chông giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, cần xem xét thận trọng và toàn diện, có chiếu cố đến tình hình khi sự việc xảy ra, tình trạng đất nước đang có chiến tranh hoặc còn bị chia cắt; chú ý đến phong tục, tập quán, trình độ của quần chúng ở từng miền, từng khu vực; tinh thần đấu tranh của quần chúng đối với hành vi vi phạm; hậu quả đối với hạnh phúc gia đình, đối với xã hội v.v… để quyết định biện pháp xử lý về dân sự (tiêu hôn), hình sự hoặc biện pháp phối hợp với đoàn thể đấu tranh, giáo dục.
Cần xử lý thích đáng trường hợp vi phạm chế độ một vợ một chồng đã được giáo dục, giải thích mà vẫn cố ý vi phạm, đang bị dư luận xã hội phê phán hoặc đã bị buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng, mà vẫn duy trì quan hệ đó.
2. Tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái (Điều 147).
Ngược đãi nghiêm trọng thường biểu hiện bằng việc đối xử tồi tệ, như: thường xuyên mắng chửi, xỉ vả, để đói rách, để ở nơi khổ cực, mặc dù có điều kiện khá hơn, gây đau khổ về tinh thần.
Hành hạ thường được biểu hiện bằng việc đối xử tàn ác như: đánh đập, bắt làm việc nặng nhọc quá sức, gây đau khổ về thể chất, nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe.
Sự phân biệt giữa “ngược đãi nghiêm trọng” với “hành hạ” chỉ là tương đối, vì trong thực tế có trường hợp hai mặt đó khó phân biệt rõ ràng hoặc quyện vào nhau. Do đó, tùy trường hợp cụ thể của hành vi phạm tội và mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân mà định tội là “tội ngược đãi nghiêm trọng…” hay “tội hành hạ…” hoặc định một tội chung là hành hạ và ngược đãi…
3. Tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em (Điều 149)(1)
Tội phạm này xâm phạm quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái và sự phát triển lành mạnh của trẻ em về các mặt tư tưởng tình cảm thể chất.
Tội phạm thể hiện như:
- Bắt trộm trẻ em là hành vi vì tư lợi mà lén lút chiếm đoạt hoặc lừa gạt, dụ dỗ đứa trẻ trong lúc vắng mặt người nuôi dưỡng, chăm sóc để chiếm đoạt, đem bán hoặc nuôi làm con nuôi, hoặc vì tư thù mà bắt trộm nhằm phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.
- Mua bán trẻ em là mua hoặc bán trẻ em vì tư lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hoặc mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm để về làm con nuôi, cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em. Tuy nhiên cần phân biệt với trường hợp bố mẹ vì đông con hoặc vì khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận một số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm con mà mua của chính người có con đem bán để về nuôi thì không coi là phạm tội.
- Đánh tráo trẻ em là hành vi lén lút đổi trẻ em này lấy trẻ em khác, thường xảy ra đối với trẻ sơ sinh (như: đánh tráo em gái lấy em trai, em dị dạng lấy em lành lặn…) thường xảy ra ở nhiều nơi có nhiều sản phụ (nhà hộ sinh, bệnh viện). Người thực hành tội phạm thông thường là người có trách nhiệm (nhân viên y tế), có đủ điều kiện thực việc đánh tráo. Người có hành vi mua chộc người đó (thường là sản phụ) là đồng phạm. Họ còn có thể bị xử lý thêm về tội đưa hối lộ, hoặc tội nhận hối lộ (nếu có).
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét