Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương 5: CÁC TỘI PHẠM VỀ KINH TẾ【Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986】

 Chương 5:

CÁC TỘI PHẠM VỀ KINH TẾ

 

1) Tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 174)(1) có các dấu hiệu đặc trưng như:

- Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn; người không có chức vụ, quyền hạn có thể là đồng phạm.

- Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế do Nhà nước quy định: chủ thể biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật mà vẫn dùng chức vụ, quyền hạn để thực hiện.

Những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế phải do Hội đồng trưởng quy định. Nếu là quy định của các Bộ, các ngành hoặc của chính quyền địa phương thì phải đúng thẩm quyền, không được trái với quy định hiện hành của Hội đồng Bộ trưởng hoặc phải được Hội đồng Bộ trưởng ủy quyền.

Những quy định có tính chất chủ động, sáng tạo của địa phương và cơ sở phải phù hợp với pháp luật chung của Nhà nước và với những quy định về quản lý kinh tế của Hội đồng Bộ trưởng.

- Đã gây hậu quả nghiêm trọng, thể hiện bằng thiệt hại vật chất có thể tính toán được hậu quả về chính trị, làm hư hỏng cán bộ, lũng đoạn tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, đến việc đảm bảo đời sống của nhân dân (hậu quả này khó có thể tính toán cụ thể một cách chính xác). Nếu chưa có hậu quả nghiêm trọng thì dấu hiệu “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm” là bắt buộc. Đối với tội phạm này, xử lý hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền xử lý người cố ý làm trái như: phê bình, khiển trách, hạ tầng công tác…, hoặc kết luận bằng văn bản về hành vi cố ý làm trái, yêu cầu đình chỉ, khắc phục hậu quả…

- Có mục đích vụ lợi tức là thu vén cho lợi ích có tính chất cục bộ, địa phương chủ nghĩa, hoặc lợi ích cá nhân trái phép, gây hại cho lợi ích chung, rộng lớn theo quy định của Nhà nước. Vụ lợi khác với tư lợi ở chỗ tư lợi thường chỉ thu hẹp trong phạm vi lợi ích cá nhân.

2. Tội lưu hành sản phẩm kém phẩm chất (Điều 177) là cho lưu hành nhiều lần hoặc với số lượng lớn những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đã định do đó gây hậu quả nghiêm trọng.

- Cho lưu hành nhiều lần là quyết định đem bán từ hai, ba lần trở lên. Nếu chỉ lưu hành một lần thì phải có số lượng lớn mới coi là phạm tội. Số lượng lớn sản phẩm được xác định tùy theo giá trị của từng đơn vị sản phẩm tạo nên hậu quả nghiêm trọng, như: vài chục xe đạp có khung hở mối hàn hoặc có nhiều bộ phận không thể lắp ráp chắc chắn được; vài trăm ruột phích chỉ giữ được nhiệt độ trong một vài giờ; vài nghìn chiếc khóa chờn chốt, khóa xong vẫn kéo ra được v.v…

Ngoài những thí dụ trên đây, khi gặp những trường hợp khó khăn, cần tham khảo ý kiến của ngành quản lý mặt hàng cụ thể.

Sản phẩm kém phẩm chất là sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đã định mà người có trách nhiệm sản xuất hoặc phân phối, lưu thông đã biết rõ.

Nếu lưu hành sản phẩm kém phẩm chất nhưng đã ghi rõ chất lượng và định giá thấp hơn giá chính phẩm và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì không cấu thành tội phạm.

Có trường hợp hành vi lưu hành sản phẩm kém phẩm chất, gây hậu quả nghiêm trọng lại cấu thành tội phạm khác như: lưu hành thuốc tân dược quá thời hạn sử dụng, đã biến chất, gây hậu quả nghiêm trọng, cấu thành tội phạm quy định ở Điều 196 (tội vi phạm các quy định về chữa bệnh, chế thuốc, bán thuốc gây hậu quả nghiêm trọng); lưu hành thực phẩm mất phẩm chất gây hậu quả nghiêm trọng, cấu thành tội phạm quy định ở Điều 197 (tội vi phạm các quy định về vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng).

- Hậu quả nghiêm trọng của tội phạm này thường là thiệt hại vật chất; trước hết, là đối với người tiêu dùng (dùng sản phẩm chóng hỏng, không dùng được nữa hoặc phải tốn phí vào việc sửa chữa mới dùng được…); mặt khác, là thiệt hại đối với người sản xuất (sản phẩm kém phẩm chất đem lưu hành được hoàn lại để sửa chữa hoặc phải hủy bỏ không đủ tiêu chuẩn đem lưu hành…) và đối với người phân phối lưu thông (nhận lại sản phẩm kém phẩm chất đã lưu hành để hủy bỏ hoặc phải hạ giá…). Cá biệt có trường hợp người tiêu dùng cho sản phẩm kém phẩm chất mà bị tai nạn, thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (như: thiết vị, máy móc xe cơ giới không đảm bảo chất lượng, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên khi sử dụng gây ra tai nạn). Ngoài ra còn có hậu quả là người tiêu dùng giảm hoặc không còn tín nhiệm đối với nhãn hiệu sản phẩm.

- Chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ trong các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã, các tổ hợp hoặc các cơ sở sản xuất tư nhân được phép sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là người có trách nhiệm trong chỉ đạo sản xuất (thường là giám đốc, chủ nhiệm…), kiểm tra chất lượng sản phẩm (gọi tắt là cán bộ K.C.S), phân phối lưu thông (thường là phó giám đốc, phó chủ nhiệm phụ trách kinh doanh, cửa hàng trưởng, quầy trưởng…).

3. Tội sử dụng hoặc phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 182).

Điều luật quy định hai tội phạm: tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng và tội phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng có các dấu hiệu:

- Chủ thể là người có hợp đồng sử dụng với cơ quan thẩm quyền hoặc bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Có hành vi sử dụng điện trái với quy định về việc sử dụng điện của cơ quan có thẩm quyền, trái với quy định của hợp đồng như: sử dụng điện phục vụ sinh hoạt vào sản xuất, kinh doanh trái phép, lấy điện không qua đồng hồ đo đếm điện, dùng các thủ đoạn làm cho đồng hồ đo đếm điện không quay, quay chậm quay ngược lại.

- Gây hậu quả nghiêm trọng như: gây thất thu về điện phí từ 3.000Kw/h trở lên, gây sự cố làm hư hỏng máy móc, thiết vị thiệt hại tương đương với điện phí từ 3.000Kw/h trở lên (tính theo truy nộp tiền điện cộng với tiền nộp phạt hoặc tính theo chế độ phạt lũy tiến); làm mật điện gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt bình thường của nhiều gia đình trong khu vực.

Hành vi sử dụng điện trái phép chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hành chính (như truy nộp tiền điện lấy trộm cộng với tiền nộp phạt hoặc tính theo chế độ phạt lũy tiến; ngừng cung cấp điện có thời hạn, hủy bỏ hợp đồng cung cấp điện, tịch thu những tang vật đã sử dụng vào việc trộm cắp điện…); nếu đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị xử lý về hình sự.

+ Tội phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng có các dấu hiệu:

- Chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn có quyền quyết định việc phân phối và cũng có thể là cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp xử lý đường dây trên mạng điện.

- Có hành vi phân phối điện trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng như: đối với người tiêu dùng bình thường, thì phân phối ưu tiên; đối với đối tượng đáng được ưu tiên (cơ sở sản xuất…) thì gây khó khăn, phân phối điện thất thường, không đúng như hợp đồng đã thỏa thuận, mà không có lý do chính đáng.

- Gây hậu quả nghiêm trọng như: gây sự cố làm hư hỏng máy móc, thiết bị điện gây hậu thiệt hại tương đương với mức xử lý hành chính nói trên đối với trường hợp lấy trộm từ 3.000Kw/h điện trở lên; kế hoạch sản xuất của càc cơ sở bị đảo lộn, sút kém, sản phẩm bị hư hỏng, kém phẩm chất, kế hoạch phân phối điện thêm khó khăn, căng thẳng; ảnh hưởng xấu đến kế hoạch sản xuất, đến việc đảm bảo sinh hoạt của nhân dân.

Hành vi phân phối điện trái phép chưa gây hậu quả nghiêm trọng như trên thì bị xử lý hành chính; nếu đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị xử lý về hình sự.

Hành vi nhận hối lộ để phân phối điện trái pháp gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý thêm về tội nhận hối lộ (Điều 226 khoản 1 đoạn 2).

+ Theo quy định của điều luật, khoản 2 có thể bao gồm các trường hợp: sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép gây hậu quả nghiêm trọng; sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm; sử dụng hoặc phân phối điện trái phép trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.

Sử dụng điện vào việc kinh doanh trái phép thể hiện như: lén lút chạy máy sản xuất nước đá, làm dép nhựa hoặc đắp lốp xe…, nhằm thu lợi bất chính. “Sử dụng điện hoặc phân phối điện trái phép trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” thể hiện như: gây thiệt hại về máy móc, thiết bị điện, về điện phí gấp 3 lần hậu quả nghiêm trọng nói trên; gây cháy nhà, làm người khác bị thương, gây chết người… trường hợp phạm tội làm chết người thì xử lý thêm về tội vô ý làm chết người (Điều 104 khoản 2 đoạn 2).

Sử dụng hoặc phân phối điện trái phép vào việc sản xuất thuốc nổ để làm pháo hoặc chế tạo chất nổ khác thì xử lý thêm về tội chế tạo chất nổ (Điều 96).

_Xem toàn bộ văn bản>>>>Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét