Phần thứ nhất
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn
mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân
thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình
thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách
nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
Điều 2. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm
quyền dân sự
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân
sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật
trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an
toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân
sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân
đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được
pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp
nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết,
thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật,
không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ
thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp
nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm
dứt quyền, nghĩa vụ dân sự
không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và
lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp
nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực
hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Điều 4. Áp dụng Bộ luật dân sự
1. Bộ luật này là luật
chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.
2. Luật khác có liên quan
điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không
được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại
Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có
liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản
2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
4. Trường hợp có sự khác
nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của
điều ước quốc tế.
Điều 5. Áp dụng tập quán
1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung
rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự
cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài,
được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân
cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
2. Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật
không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được
trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ
luật này
Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật
1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của
pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy
định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định
của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo
quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật
dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.
Điều 7. Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ
dân sự
1. Việc
xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản
sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp,
tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi
người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống
trên đất nước Việt Nam.
2. Trong
quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật
được khuyến khích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét