Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương II. ĐỐI TƯỢNG CẢNH VỆ, BIỆN PHÁP VÀ CHẾ ĐỘ CẢNH VỆ【Luật Cảnh vệ năm 2017 và Sửa đổi năm 2024】

 Chương II

ĐỐI TƯỢNG CẢNH VỆ, BIỆN PHÁP VÀ CHẾ ĐỘ CẢNH VỆ

 

Điều 10. Đối tượng cảnh vệ

1. Người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:[8]

a) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

b) Chủ tịch nước;

c) Chủ tịch Quốc hội;

d) Thủ tướng Chính phủ;

đ) Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;

e)[9] Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị;

g)[10] Ủy viên Ban Bí thư;

h)[11] Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam bao gồm:

a) Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ;

b)[12] Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại;

c) Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;

d)[13] Khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.

3. Khu vực trọng yếu bao gồm:

a) Khu vực làm việc của Trung ương Đảng;

b) Khu vực làm việc của Chủ tịch nước;

c) Khu vực làm việc của Quốc hội;

d) Khu vực làm việc của Chính phủ;

đ) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;

e) Bộ trưởng Bộ Công an quy định phạm vi cảnh vệ khu vực trọng yếu tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này.

4. Sự kiện đặc biệt quan trọng bao gồm:

a) Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng;

b) Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

c) Kỳ họp của Quốc hội;

d) Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;

đ)[14] Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều này tham dự.

5.[15] Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các điều 11, 11a, 12, 12a, 13 và 14 của Luật này.

6.[16] Trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 11. Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[17]

1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ:

a) Được bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở;

c) Được bảo vệ nơi làm việc;

d) Được bảo vệ địa điểm hoạt động;

đ) Được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại;

e) Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô; được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa; được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay; được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ khi đi công tác bằng tàu thủy.

2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ:

a) Được bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở.

3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị:

a) Được bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở;

c) Được bảo vệ nơi làm việc;

d) Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.

4. Đối với Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ:

a) Được bảo vệ tiếp cận;

b) Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.

5. Trường hợp một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.

Điều 11a. Biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[18]

1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ:

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động;

c) Kiểm tra an ninh, an toàn nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại;

d) Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng;

đ) Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ;

e) Sử dụng thẻ, phù hiệu;

g) Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;

h) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ:

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở.

3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị:

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc;

c) Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết;

d) Sử dụng thẻ, phù hiệu;

đ) Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;

e) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

4. Đối với Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ:

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết;

c) Sử dụng thẻ, phù hiệu;

d) Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;

đ) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

5. Tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp.

6. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.

Điều 12. Chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam[19]

1. Đối với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.

Đối với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.

2. Đối với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật này.

Đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.

3. Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.

Điều 12a. Biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam[20]

1. Đối với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.

Đối với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.

2. Đối với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều 11a của Luật này.

Đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều 11a của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.

3. Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.

Điều 13. Biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu[21]

1. Vũ trang tuần tra, canh gác.

2. Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực.

3. Kiểm tra an ninh, an toàn.

4. Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.

Điều 14. Biện pháp cảnh vệ đối với sự kiện đặc biệt quan trọng

1. Căn cứ quy mô, tính chất, địa điểm và tình hình an ninh, trật tự tại thời điểm tổ chức sự kiện, đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 4 Điều 10 của Luật này được áp dụng một hoặc các biện pháp cảnh vệ sau đây:

a) Tuần tra, canh gác khu vực, địa điểm tổ chức;

b) Tạm đình chỉ các hoạt động giao thông trong khu vực, địa điểm tổ chức;

c) Kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức;

d) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

2. Đối với đại biểu khi tham dự sự kiện quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 4 Điều 10 của Luật này, được áp dụng biện pháp cảnh vệ sau đây:

a) Tuần tra, canh gác nơi ở tập trung của đại biểu;

b) Kiểm tra an ninh, an toàn phương tiện đưa và đón đại biểu;

c) Kiểm tra thức ăn, nước uống, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực nơi ở tập trung của đại biểu;

d) Tổ chức lực lượng và phương tiện nghiệp vụ chuyên dùng khi đại biểu hoạt động tập thể với số lượng đông, nhiều đoàn đi bằng ô tô, tàu hỏa hoặc tàu thuyền;

đ) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

3.[22] Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của người là đối tượng cảnh vệ

Người là đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 của Luật này có quyền và trách nhiệm sau đây:

1.[23] Có quyền yêu cầu lực lượng Cảnh vệ thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này;

2. Có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.

_Xem toàn bộ văn bản>>>>Luật Cảnh vệ năm 2017 và Sửa đổi năm 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét