Chương II
ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, MỨC HỖ TRỢ ĐÓNG
VÀ TRÁCH NHIỆM ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ
Điều 5. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Ngoài các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế còn bao gồm các đối tượng sau đây:
1. Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
2. Người dân các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
3. Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
4. Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
5. Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật về cơ yếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
6. Người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và các đối tượng khác đã được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
7. Học viên đào tạo quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở hệ tập trung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
8. Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau theo các nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế.
9. Người thuộc đối tượng được quy định tại khoản 4 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Điều 6. Mức đóng, mức hỗ trợ đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba;
b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b và đ khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do đối tượng đóng;
c) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba;
d) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba;
đ) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và do người sử dụng lao động của công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, người sử dụng lao động của công nhân công an đang công tác trong công an nhân dân đóng;
e) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 của Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở và do người sử dụng lao động của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật về cơ yếu đóng;
g) Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động của tháng liền kề trước khi bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người sử dụng lao động và người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
2. Mức đóng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động;
b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 1 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở;
c) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.
3. Mức đóng của nhóm do ngân sách nhà nước đóng được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm e, g, h, i, k, l, m, o, p, q, r, s, t và u khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và các khoản 2, 3, 6 và 7 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở;
b) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở và đóng thông qua cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng.
4. Mức đóng của nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được quy định như sau:
Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 4 Điều 5 Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định tại khoản 6 Điều này.
5. Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc tự đóng theo cá nhân tham gia;
b) Thành viên hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế cùng tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ mức đóng như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
6. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được quy định như sau:
a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
b) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;
c) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm g khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Thời gian hỗ trợ là 36 (ba mươi sáu) tháng kể từ thời điểm xã nơi đối tượng đang sinh sống không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
d) Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm i khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế. Thời gian hỗ trợ là 01 năm kể từ khi đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
đ) Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c, đ, e và h khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;
e) Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
Điều 7. Phương thức, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng
1. Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do ngân sách nhà nước bảo đảm quy định tại khoản 2, điểm q khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 1 Điều 5 Nghị định này, hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng này từ nguồn kinh phí chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Đối với đối tượng quy định tại các điểm e, i và k khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 6 Điều 5 Nghị định này, hằng quý, Sở Nội vụ chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế từ nguồn thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng vào quỹ bảo hiểm y tế. Chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hằng năm, cơ quan nội vụ phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế của năm đó.
3. Đối với các đối tượng quy định tại điểm r khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 2 Điều 5 Nghị định này, hằng quý, Sở Y tế chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế từ nguồn thực hiện chính sách bảo trợ xã hội vào quỹ bảo hiểm y tế. Chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hằng năm, Sở Y tế phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế của năm đó.
4. Đối với các đối tượng quy định tại các điểm c, đ, e, h và i khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 4 Điều 5 Nghị định này, hằng quý, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành và số tiền đóng, hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi Sở Tài chính chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 10 Điều này.
5. Đối với đối tượng quy định tại các điểm g, h, l (trừ thân nhân của đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý), m, o, p, s, t và u khoản 3, các điểm a và g khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 3 Điều 5 Nghị định này:
a) Hằng quý, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành và số tiền đóng, hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Sở Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 10 Điều này;
b) Thời điểm để tính số tiền phải đóng đối với các đối tượng được lập danh sách hằng năm, tính tiền đóng từ ngày 01 tháng 01; đối với các đối tượng được bổ sung trong năm, tính tiền đóng theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Nghị định này, quyền lợi hưởng từ ngày được xác định tại quyết định phê duyệt.
6. Đối với đối tượng học sinh, sinh viên quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế:
a) Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh, sinh viên có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
b) Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan trung ương thì do ngân sách trung ương hỗ trợ. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của học sinh, sinh viên và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế;
c) Học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thì ngân sách địa phương, bao gồm cả phần ngân sách trung ương hỗ trợ (nếu có) nơi cơ sở giáo dục đó đặt trụ sở hỗ trợ, không phân biệt nơi thường trú của học sinh, sinh viên. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của học sinh, sinh viên và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Sở Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 10 Điều này.
7. Đối với các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế:
a) Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện của hộ gia đình trực tiếp nộp tiền đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
b) Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành, số tiền thu của người tham gia và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng theo Mẫu số 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Sở Tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 10 Điều này.
8. Đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế: định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện hộ gia đình hoặc thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nộp tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
9. Đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm h và i khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 5 Điều 5 Nghị định này, hằng tháng người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng này cùng với việc đóng bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định từ nguồn như sau:
a) Đối với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;
b) Đối với đơn vị sự nghiệp thì sử dụng kinh phí của đơn vị theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Đối với doanh nghiệp thì sử dụng kinh phí của doanh nghiệp.
10. Sở Tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của cấp có thẩm quyền và bảng tổng hợp đối tượng, kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế mỗi quý một lần. Chậm nhất đến ngày 15 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm y tế của năm đó.
11. Đối với đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, hằng quý cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp học bổng đóng bảo hiểm y tế theo quy định vào quỹ bảo hiểm y tế.
12. Đối với đối tượng quy định tại điểm l khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế là thân nhân của đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý và đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định này, hằng quý cơ quan tài chính của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện đóng bảo hiểm y tế về Bảo hiểm xã hội quân đội.
13. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế tử vong, mất tích hoặc không còn cư trú tại Việt Nam, số tiền đóng bảo hiểm y tế tính từ thời điểm đóng đến thời điểm ngừng đóng theo danh sách báo giảm đóng của cơ quan có thẩm quyền lập.
Điều 8. Xác định số tiền đóng, hỗ trợ đóng đối với một số đối tượng khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở
1. Đối với nhóm đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và đối tượng được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế quy định tại điểm a khoản 6 Điều 6 Nghị định này mà được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế:
a) Số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hằng tháng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức lương cơ sở. Khi nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, số tiền ngân sách nhà nước đóng được điều chỉnh kể từ ngày áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế mới, mức lương cơ sở mới;
b) Số tiền đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm h khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế được tính từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ em là người Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, số tiền đóng bảo hiểm y tế được tính từ ngày trẻ về cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế quy định tại các điểm b và d khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế:
a) Số tiền đóng của người tham gia và hỗ trợ của ngân sách nhà nước hằng tháng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm người tham gia đóng bảo hiểm y tế;
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.
3. Đối với nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế:
a) Số tiền đóng của người tham gia hằng tháng được xác định theo mức đóng bảo hiểm y tế nhân (x) với mức lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm y tế;
b) Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.
4. Đối tượng tham gia vào các ngày trong tháng thì số tiền đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tháng kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét