Chương II
PHỐI HỢP TRONG VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT
NGUỒN TIN VỀ TỘI PHẠM, KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA,
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 4. Tổ chức Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân
Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân gồm:
1. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
2. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
Điều 5. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân
1. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh như sau:
a) Tiến hành tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân;
b) Tiến hành tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài;
c) Tiến hành tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
3. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, Đồn Công an.
Điều 6. Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự
1. Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thực hiện như sau:
a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh khi thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án mà phát hiện vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện báo cáo để chuyển vụ việc, vụ án lên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hành quyền công tố, kiểm sát theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, người phạm tội ra tự thú, đầu thú của Công an cấp xã, Đồn Công an và hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh bố trí ở Công an cấp xã, Đồn Công an.
Viện kiểm sát cấp huyện có thẩm quyền là Viện kiểm sát nơi tội phạm xảy ra, trường hợp tội phạm xảy ra ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì Viện kiểm sát cấp huyện có thẩm quyền là Viện kiểm sát nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt;
b) Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh khi thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch này.
Trường hợp xét thấy cần thiết, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút vụ việc, vụ án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch này để trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết;
c) Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra đối với vụ việc, vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch này thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Tòa án cùng cấp có thẩm quyền xét xử để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định phân công cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy định;
d) Viện kiểm sát nhân dân đang thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm thì có thẩm quyền giải quyết nguồn tin trong trường hợp phát hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục;
đ) Viện kiểm sát nhân dân đang thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra đối với vụ án thì có thẩm quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh hoặc khi quyết định việc truy tố hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục;
e) Viện kiểm sát nhân dân đang thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với vụ việc, vụ án thì có thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh trong hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự.
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Thông tư liên tịch 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét