Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC HOÃN,
MIỄN CHẤP HÀNH, GIẢM THỜI HẠN, TẠM ĐÌNH CHỈ
HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH PHẦN THỜI GIAN ÁP DỤNG
BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH CÒN LẠI
Điều 26. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính
1. Việc gửi đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ kèm theo đơn đề nghị, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho cơ quan đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.
4. Sau khi xem xét hồ sơ kèm theo đơn đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Chấp nhận đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
b) Không chấp nhận đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
5. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có các nội dung chính sau đây:
a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ và tên Thẩm phán;
d) Họ và tên người có đơn đề nghị;
đ) Tên cơ quan đề nghị;
e) Căn cứ, lý do ra quyết định;
g) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
h) Nội dung việc cho hoãn hoặc cho miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
i) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức thi hành quyết định;
k) Hiệu lực của quyết định;
l) Nơi nhận quyết định.
6. Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 31 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Điều 27. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại
1. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính được Tòa án giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Đối với trường hợp giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính thì đối tượng được xét giảm đã chấp hành được một nửa thời hạn mà Tòa án quyết định và mỗi năm chỉ được xét giảm một lần với thời hạn xét giảm không quá một phần tư thời hạn mà Tòa án quyết định.
3. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải gửi văn bản đề nghị cho Tòa án nơi có trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc kèm theo tài liệu chứng minh người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính, các tài liệu gồm:
a) Bản sao quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
b) Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công;
c) Chứng nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;
d) Chứng nhận của bệnh viện đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính mang thai;
đ) Văn bản đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.
4. Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;
b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.
5. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có các nội dung chính sau đây:
a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính;
đ) Tên cơ quan đề nghị;
e) Nội dung của việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;
g) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;
h) Quyền khiếu nại đối với quyết định;
i) Hiệu lực của quyết định;
k) Nơi nhận quyết định.
6. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
Điều 28. Hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
1. Khi điều kiện hoãn chấp hành biện pháp xử lý hành chính không còn hoặc người đang được hoãn, tạm đình chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 113 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính cư trú phải gửi văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án xem xét hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và buộc người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
3. Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi cho những người có liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 113 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
4. Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có các nội dung chính sau đây:
a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
đ) Nội dung việc hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và buộc người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
e) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức thi hành quyết định;
g) Quyền khiếu nại đối với quyết định;
h) Hiệu lực của quyết định;
i) Nơi nhận quyết định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét