Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương IV CUNG CẤP DỊCH VỤ NỘI DUNG THÔNG TIN TRÊN MẠNG VIỄN THÔNG DI ĐỘNG

Chương IV

CUNG CẤP DỊCH VỤ NỘI DUNG THÔNG TIN
TRÊN MẠNG VIỄN THÔNG DI ĐỘNG

 

Điều 70. Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là việc tổ chức, doanh nghiệp thiết lập hệ thống thiết bị tại Việt Nam để kết nối tới mạng viễn thông di động nhằm cung cấp nội dung thông tin tới người sử dụng dịch vụ viễn thông di động gắn liền với dịch vụ nhắn tin, dịch vụ thoại (dịch vụ gọi giá cao, dịch vụ gọi tự do, dịch vụ giải đáp thông tin) và dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động.

Đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là việc tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền các thông tin về tổ chức, doanh nghiệp, loại hình dịch vụ nội dung thông tin cung cấp, phương thức cung cấp dịch vụ và cam kết bảo đảm đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

2. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động thực hiện thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Viễn thông phải có Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật tại Nghị định này về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin chuyên ngành do mình cung cấp.

Đối với dịch vụ gọi tự do, dịch vụ gọi giá cao thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Đối với các dịch vụ nội dung thông tin cung cấp tới người sử dụng dịch vụ viễn thông di động gắn liền với dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động thì tổ chức, doanh nghiệp phải có Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận chuyên ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp.

3. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

b) Có nội dung thông tin bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 43 Điều 3 và khoản 2 Điều này; có phương án cung cấp dịch vụ và cam kết bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động quy định tại Điều 74 Nghị định này.

Điều 71. Quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 56 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ (bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc) một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập (hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14); hoặc Quyết định chức năng, nhiệm vụ hoặc Điều lệ hoạt động (đối với các tổ chức hội, đoàn thể) có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động;

c) Báo cáo hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 61 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trong trường hợp cấp mới do Giấy chứng nhận đăng ký kết nối hết thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc không còn hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Thời hạn và quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động:

a) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông và chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ. Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động cho tổ chức, doanh nghiệp theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời, nêu rõ lý do và quy định pháp luật có liên quan.

3. Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có thời hạn theo đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp nhưng không quá 05 (năm) năm.

4. Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động không còn hiệu lực trong các trường hợp như sau:

a) Tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản;

b) Tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận tại khoản 2 Điều 73 Nghị định này.

Điều 72. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận khi thay đổi một trong các nội dung sau đây:

a) Tên tổ chức, doanh nghiệp;

b) Địa chỉ trụ sở chính;

c) Người đại diện theo pháp luật;

d) Tên dịch vụ nội dung thông tin (bổ sung dịch vụ mới, ngừng cung cấp dịch vụ, thay đổi tên dịch vụ);

đ) Mã, số viễn thông sử dụng để cung cấp dịch vụ;

e) Phương thức đăng ký, cung cấp dịch vụ.

Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung có hiệu lực tới ngày hết hiệu lực của Giấy chứng nhận được cấp ban đầu.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận theo Mẫu số 58 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh có liên quan về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Thời hạn và quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận:

a) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thẩm định, cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này sau khi cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký kết nối:

a) Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký kết nối hết hạn, tổ chức, doanh nghiệp muốn gia hạn giấy chứng nhận phải gửi hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận theo Mẫu số 59 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thẩm định, cấp gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

c) Giấy chứng nhận được gia hạn 01 lần với thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày hết hạn của Giấy chứng nhận đề nghị gia hạn.

5. Cấp lại Giấy chứng nhận:

a) Tổ chức, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận bị mất, bị hư hại không còn sử dụng được thực hiện đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 60 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp theo Mẫu số 57 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

d) Giấy chứng nhận được cấp lại có nội dung chính tương tự Giấy chứng nhận được đề nghị cấp lại và bao gồm thông tin: Ngày cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cấp sửa đổi, bổ sung (nếu có), ngày được cấp lại, số lần cấp lại.

6. Việc xét cấp sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy chứng nhận phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 70 Nghị định này.

Điều 73. Trình tự thủ tục đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định này ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời hạn 03 tháng khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật An ninh mạng được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền;

b) Không tuân thủ quy định tại Điều 74 Nghị định này sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong các trường hợp sau:

a) Đến hết thời hạn bị đình chỉ, tổ chức, doanh nghiệp không báo cáo cơ quan quản lý và không có phương án khả thi để khắc phục vi phạm;

b) Có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động hoặc trả lại Giấy chứng nhận;

c) Tổ chức, doanh nghiệp không triển khai trên thực tế việc cung cấp dịch vụ sau 12 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận có hiệu lực.

3. Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động:

a) Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện và thông báo về việc tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời hạn 03 tháng;

b) Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện và thông báo về việc tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ra thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp khắc phục. Sau 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn yêu cầu trong văn bản thông báo mà tổ chức, doanh nghiệp không khắc phục thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận ban hành Quyết định đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong thời hạn 03 tháng;

c) Khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về việc tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) chuyển nội dung liên quan tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xác minh và có ý kiến để làm cơ sở cho việc thực hiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này;

d) Khi tổ chức, doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp quy định khoản 2 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động.

Điều 74. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định này có trách nhiệm sau đây:

1. Được thiết lập hệ thống thiết bị và thuê đường truyền dẫn viễn thông để kết nối tới các doanh nghiệp viễn thông di động. Được cung cấp dịch vụ theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm) hoặc không định kỳ.

2. Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để phục vụ thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, cơ quan có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của người sử dụng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định.

3. Thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng, khai thác kho số viễn thông, tài nguyên Internet theo quy hoạch và quy định quản lý tài nguyên viễn thông.

4. Bảo đảm cung cấp nội dung thông tin tới người sử dụng dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật, chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin cung cấp và đảm bảo đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định khi cung cấp dịch vụ.

5. Ban hành công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, hướng dẫn giải quyết khiếu nại cho người sử dụng biết trước khi cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

6. Cung cấp dịch vụ theo đúng chất lượng, giá cước dịch vụ đã công bố với người sử dụng dịch vụ.

7. Đối với các dịch vụ cung cấp theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm), chỉ được cung cấp dịch vụ sau khi có xác nhận đồng ý của người sử dụng dịch vụ và có thông báo đăng ký dịch vụ thành công đến người sử dụng dịch vụ.

Phương thức xác nhận và thông báo: Qua tin nhắn ngắn SMS hoặc qua phương thức khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định theo quy định pháp luật.

Thông báo đăng ký dịch vụ thành công đến người sử dụng dịch vụ bao gồm các thông tin sau: Thuê bao đã đăng ký thành công [tên dịch vụ vừa đăng ký]; mã, số viễn thông để cung cấp dịch vụ; chu kỳ cước, giá cước; cách hủy; tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ.

8. Bảo đảm cho người sử dụng khả năng từ chối dịch vụ; hủy dịch vụ; tra cứu lịch sử các giao dịch trừ cước trong vòng 180 ngày kể từ ngày đăng ký; truy vấn miễn phí các dịch vụ thông tin đã đăng ký bằng các hình thức phù hợp (nhắn tin tới số dịch vụ, gọi điện đến tổng đài hỗ trợ hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của doanh nghiệp và các hình thức khác). Trường hợp thuê bao đã yêu cầu hủy dịch vụ, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải gửi ngay tin nhắn thông báo về kết quả xử lý.

9. Bảo đảm cung cấp dịch vụ theo đúng các yêu cầu của người sử dụng đã đăng ký; không thực hiện việc thu tiền dịch vụ đối với các dịch vụ nội dung thông tin mà người sử dụng không nhận được hoặc nhận được nội dung thông tin không đầy đủ, hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu đã đăng ký.

10. Nội dung quảng cáo về dịch vụ phải bao gồm các thông tin sau: Tên dịch vụ, cách đăng ký, chu kỳ cước, giá cước, cách từ chối, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ. Việc quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

11. Lưu trữ tối thiểu 12 tháng đối với các nội dung thông tin đã cung cấp; lưu trữ tối thiểu 24 tháng dữ liệu xử lý các yêu cầu đăng ký, yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ, chi tiết cước, thông tin khiếu nại của người sử dụng và kết quả xử lý khiếu nại kể từ ngày tiếp nhận, xử lý để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.

12. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải có tổng đài hỗ trợ, tư vấn cho người sử dụng dịch vụ.

13. Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chịu sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

15. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định tại Điều 77 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 75. Trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông di động

Doanh nghiệp viễn thông di động khi hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định này có trách nhiệm sau đây:

1. Thực hiện hợp tác kinh doanh với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo nguyên tắc sau đây:

a) Thông qua thương lượng trên cơ sở bảo đảm công bằng, hợp lý, phù hợp với quyền, lợi ích của các bên tham gia;

b) Sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và cơ sở hạ tầng viễn thông;

c) Bảo đảm hoạt động an toàn, thống nhất của các mạng viễn thông;

d) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm bí mật thông tin của người sử dụng theo quy định của pháp luật;

đ) Cung cấp kết nối cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động về mặt kỹ thuật trên mạng viễn thông và thực hiện kết nối kịp thời, hợp lý, công khai, minh bạch;

e) Không phân biệt đối xử về kết nối, giá cước, thanh toán, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông.

2. Chịu trách nhiệm kiểm soát quy trình, hệ thống cung cấp dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, đảm bảo việc đăng ký, xác thực, từ chối, gia hạn, hủy dịch vụ, thu cước và thông báo tới người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.

3. Chịu trách nhiệm đảm bảo chỉ kết nối để cung cấp dịch vụ với các dịch vụ nội dung tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tạm ngừng, ngừng kết nối hoặc từ chối kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp viễn thông di động phát hiện hoặc đã xác thực các thông tin phản ánh về các nội dung, dịch vụ vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng;

b) Có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao). Thời gian thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu;

c) Có Quyết định đình chỉ hoạt động kết nối để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kết nối theo quy định tại Nghị định này hoặc có Quyết định thu hồi hoặc thông báo chấp nhận hoàn trả mã, số viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông;

d) Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động không có Giấy chứng nhận hoặc Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực.

5. Các doanh nghiệp viễn thông di động thống nhất sử dụng mã, số viễn thông phù hợp quy hoạch về kho số để người sử dụng dịch vụ truy vấn thông tin các dịch vụ nội dung thông tin đang sử dụng. Nội dung thông tin cung cấp cho người sử dụng bao gồm: Tên dịch vụ; mã, số viễn thông cung cấp dịch vụ; chu kỳ cước; giá cước; cách hủy dịch vụ.

6. Gửi thông báo tới thuê bao vào ngày 25 hàng tháng để thông tin tới người sử dụng về dịch vụ nội dung đang sử dụng (bao gồm các thông tin: Tên dịch vụ; gói dịch vụ đang đăng ký; giá cước dịch vụ) qua tin nhắn ngắn SMS hoặc các phương thức khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.

7. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động để giải quyết khiếu nại, tranh chấp về giá cước, chất lượng dịch vụ cho người sử dụng theo quy định tại Điều 76 Nghị định này.

8. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định tại Điều 77 Nghị định này và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan có thẩm quyền.

Điều 76. Giải quyết khiếu nại về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

1. Doanh nghiệp viễn thông di động và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có nghĩa vụ thực hiện trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý khiếu nại theo các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và quy định pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp phát hiện thu phí sử dụng dịch vụ nội dung sai quy định, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm hoàn trả lại phần phí dịch vụ đã thu sai cho người sử dụng dịch vụ trong vòng 30 ngày kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại.

Điều 77. Chế độ báo cáo

1. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm theo Mẫu số 61 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại, hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Báo cáo nộp trực tiếp, qua đường bưu chính, qua phương tiện điện tử hoặc dịch vụ công trực tuyến tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động.

2. Tổ chức, doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 01 năm một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Tổ chức, doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 25 tháng 11 hàng năm theo Mẫu số 62 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu bằng văn bản, điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Tổ chức, doanh nghiệp gửi báo cáo đến trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc nộp trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông địa phương.

Trường hợp nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Điều 78. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động

Người sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Được sử dụng các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.

2. Tuân thủ quy định sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và dịch vụ viễn thông theo quy định của pháp luật.

3. Tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc quyết định sử dụng dịch vụ của mình.

4. Có quyền khiếu nại, tố cáo khi chất lượng dịch vụ, nội dung dịch vụ không đúng với nội dung dịch vụ mà tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động đã công bố, thỏa thuận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét