Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương VI TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT KHÁC【Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025- Số 72/2025】

 Chương VI

TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG
TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT KHÁC

 

Điều 44. Tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp

1. Trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành 01 đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp xã mới quy định tại khoản 1 Điều này do 01 triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp xã mới, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thì triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.

3. Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới quy định tại khoản 1 Điều này bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 36 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.

Điều 45. Tổ chức chính quyền địa phương khi chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp

1. Trường hợp 01 đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì các đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu hoặc công tác ở phần địa giới hành chính thuộc đơn vị hành chính mới nào thì hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính đó và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Trường hợp Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới có số đại biểu lớn hơn hoặc bằng hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này thì Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 36 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.

3. Trường hợp Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới có số đại biểu không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này.

4. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp xã mới quy định tại Điều này do 01 triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp xã mới, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh mới thì triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.

Điều 46. Tổ chức chính quyền địa phương khi thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở nguyên trạng một đơn vị hành chính

Trường hợp thành lập mới 01 đơn vị hành chính trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 01 đơn vị hành chính đã có thì đại biểu của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính cũ chuyển thành đại biểu của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính mới.

Điều 47. Tổ chức chính quyền địa phương khi thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân cư của các đơn vị hành chính

1. Trường hợp thành lập mới 01 đơn vị hành chính trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân cư của các đơn vị hành chính cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân cấp đó đã được bầu hoặc công tác ở phần địa giới hành chính đó được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động ở đơn vị mới cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính mới được thành lập thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật này.

3. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính được điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên để thành lập đơn vị hành chính mới tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ; việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Điều 48. Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân khi điều chỉnh địa giới hành chính, di chuyển tập thể dân cư

1. Trường hợp một phần diện tích tự nhiên và dân cư của đơn vị hành chính này được điều chỉnh về 01 đơn vị hành chính khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân đang cư trú hoặc công tác ở phần địa giới hành chính đó sẽ là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tương đương của đơn vị hành chính tiếp nhận phần diện tích tự nhiên, dân cư và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Trường hợp một tập thể dân cư được di chuyển đến đơn vị hành chính khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân nào chuyển theo tập thể đó sẽ là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tương đương của đơn vị hành chính tiếp nhận tập thể dân cư và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

3. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính tiếp nhận một phần diện tích tự nhiên và dân cư hoặc tiếp nhận tập thể dân cư tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Điều 49. Khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và hoạt động của chính quyền địa phương khi không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được xác định như sau:

a) Trường hợp đơn vị hành chính mới sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữ nguyên tên gọi của một trong các đơn vị hành chính trước đây thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới tiếp tục tính theo khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính được giữ nguyên tên gọi;

b) Trường hợp đơn vị hành chính mới sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thay đổi tên gọi hoặc thay đổi loại đơn vị hành chính thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập.

2. Hoạt động của chính quyền địa phương khi không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:

a) Trường hợp thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng mà số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này thì thực hiện bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật về bầu cử;

b) Trường hợp thời gian còn lại của nhiệm kỳ ít hơn hoặc bằng 18 tháng thì không thực hiện bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính có số đại biểu lớn hơn hoặc bằng một phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 36 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra. Việc quyết định các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phải được trên hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hiện có biểu quyết tán thành.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính có số đại biểu Hội đồng nhân dân không đủ một phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 50. Giải tán Hội đồng nhân dân

1. Hội đồng nhân dân làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân thì bị giải tán.

2. Thẩm quyền giải tán Hội đồng nhân dân được quy định như sau:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã.

3. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

4. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bị giải tán chấm dứt hoạt động kể từ ngày nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.

Hội đồng nhân dân cấp xã bị giải tán chấm dứt hoạt động kể từ ngày nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Khi Hội đồng nhân dân bị giải tán chấm dứt hoạt động thì Ủy ban nhân dân cùng cấp cũng chấm dứt hoạt động.

5. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp xã bị giải tán thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã lâm thời; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bị giải tán thì Thủ tướng Chính phủ chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lâm thời để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật này cho đến khi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mới được bầu ra.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã. Việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử. Hội đồng nhân dân mới được bầu ra làm nhiệm vụ cho đến khi hết nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bị giải tán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét