Chương XII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 69. Điều khoản chuyển tiếp
1. Trường hợp người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước ngày Nghị định này có hiệu lực và kết thúc lượt khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Nghị định này hoặc các quy định trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực theo hướng có lợi cho người bệnh về thủ tục và quyền lợi bảo hiểm y tế.
2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế được cấp có thẩm quyền xác định thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà thay đổi đối tượng do việc sáp nhập đơn vị hành chính khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, người tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và được hưởng quyền lợi theo đối tượng đã được xác định tại văn bản của cấp có thẩm quyền cho đến khi hết thời hạn hiệu lực của văn bản hoặc khi được xác định lại đối tượng theo văn bản mới.
3. Trường hợp hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được ký trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 mà còn hiệu lực sau ngày 01 tháng 7 năm 2025 thì được thực hiện hết thời hạn hợp đồng đã ký, trừ trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều này.
4. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đã ký hợp đồng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế trước ngày 01 tháng 07 năm 2025 theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì được sử dụng và thanh toán hết số lượng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo hợp đồng đã ký kết.
5. Các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế quy định tại các điểm e, h, i, k, o, r, s và t khoản 3, các điểm a, b, d và g khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và hồ sơ liên quan đến việc lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đang được các cơ quan cấp huyện giải quyết được chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp xã để tiếp tục thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực cho đến khi có văn bản mới được ban hành.
6. Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi được sắp xếp lại theo tên gọi mới tiếp tục được áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
7. Thay cụm từ “huyện đảo” tại điểm b khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế thành cụm từ “đặc khu”.
8. Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi khi triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục sử dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được cấp có thẩm quyền quy định, phê duyệt, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trước ngày các cơ sở được sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến khi được cấp có thẩm quyền quy định, phê duyệt giá cho các cơ sở mới;
b) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cấp mới hoặc cấp lại hoặc cấp điều chỉnh giấy phép hoạt động, trong thời gian thực hiện thủ tục cấp mới hoặc cấp lại hoặc cấp điều chỉnh giấy phép hoạt động theo quy định, các giấy phép hoạt động đã được cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước ngày được sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi tiếp tục được sử dụng cho các cơ sở cũ và mới để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và duy trì hiệu lực của hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được ký cho đến khi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở mới theo giấy phép hoạt động mới. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
c) Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu của người tham gia bảo hiểm y tế và số lượng thẻ bảo hiểm y tế đã phân bổ cho các cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu trước ngày được sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi được tiếp tục sử dụng cho cơ sở mới đến khi có hướng dẫn của Sở Y tế;
d) Mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, con dấu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, con dấu của cơ sở đứng tên ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trước ngày được sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi được tiếp tục sử dụng đến khi cơ sở mới được cấp mã mới, con dấu mới; Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi con dấu cũ mà chưa được cấp con dấu mới thì được phép hoàn thiện thủ tục sau khi có con dấu mới;
đ) Thẻ bảo hiểm y tế và các thông tin thẻ bảo hiểm y tế có nội dung thay đổi do sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi được tiếp tục sử dụng đến khi được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh;
e) Căn cứ yêu cầu thực tiễn tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giải pháp xử lý các tình huống phát sinh để bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn chuyển tiếp khi sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, thay đổi tên gọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phân công đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm đại diện xử lý các vấn đề phát sinh đến việc thực hiện hợp đồng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, mua sắm, bảo đảm cung ứng thuốc, thiết bị y tế và giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan trong quá trình chuyển giao cho đến khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động mới và ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới.
9. Việc triển khai xác thực dữ liệu điện tử chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Điều 70. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2025, trừ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Các điều từ Điều 1 đến Điều 11, các điều 14, 15, 17, 18, 19, từ Điều 22 đến Điều 36, từ Điều 39 đến Điều 44, các điều 49 và 50, từ Điều 54 đến Điều 61, các điều 69, 70, 71 và 72 của Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
3. Khoản 8 Điều 69 của Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 đến hết 31 tháng 12 năm 2025.
4. Bãi bỏ các điều, khoản của các văn bản sau đây từ ngày 01 tháng 7 năm 2025:
a) Các điều từ Điều 1 đến Điều 12, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 14, từ Điều 16 đến Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 11 của Điều 27, từ Điều 28 đến Điều 36 và toàn bộ các mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ;
b) Các khoản 3 và 4 Điều 95 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
c) Khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 74/2025/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.
5. Bãi bỏ các văn bản sau đây từ ngày 15 tháng 8 năm 2025:
a) Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
b) Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
c) Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều Luật Bảo hiểm y tế đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ.
6. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Nghị định này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.
Điều 71. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Y tế có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế;
b) Hướng dẫn việc lập danh sách đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý; việc xác định, lập danh sách đối tượng quy định tại các điểm h, r, s và t khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;
c) Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; ký số, xác thực và chuyển dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế về hệ thống tiếp nhận dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bộ Y tế và hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ quản lý bảo hiểm y tế và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
d) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các đơn vị mua sắm tập trung thực hiện nghiêm các quy định có liên quan đến mua sắm, đấu thầu để bảo đảm cung ứng kịp thời thuốc, hóa chất, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
đ) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; các quy định của pháp luật liên quan đến việc cung ứng dịch vụ kỹ thuật y tế bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm;
e) Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, trong đó có tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đột xuất, định kỳ hoặc hằng năm;
g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế;
h) Ban hành tài liệu hướng dẫn lập dự kiến chi, điều chỉnh dự kiến chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và việc xác định số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt dự kiến chi được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Cân đối, bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để bảo đảm nguồn thực hiện chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Quy định thẩm quyền ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
d) Ban hành các biểu mẫu tổng hợp thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
đ) Báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hằng năm và gửi Bộ Y tế để tổng hợp theo quy định.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định này; hướng dẫn xác định đối tượng thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định này.
4. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn việc xác định, lập danh sách đối tượng do Bộ Nội vụ quản lý quy định tại các điểm e, i, k, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu tại điểm o khoản 3 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;
b) Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và các đối tượng quy định tại điểm a khoản này, trừ đối tượng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn việc xác định và lập danh sách đối tượng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xác định và hướng dẫn lập danh sách đối tượng quy định tại điểm h khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế và khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
7. Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm:
a) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định hộ gia đình nghèo; hộ gia đình cận nghèo; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành;
b) Hướng dẫn việc xác định, lập danh sách đối tượng do Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý đối với người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại điểm o khoản 3 và các điểm a và d khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
8. Bộ Dân tộc và Tôn giáo có trách nhiệm hướng dẫn việc xác định, lập danh sách đối tượng người dân tộc thiểu số đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại điểm o khoản 3 và điểm g khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế.
9. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp ký hợp đồng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này; cung cấp biểu mẫu, hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc lập danh sách, quản lý danh sách tham gia bảo hiểm y tế đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn;
b) Chỉ đạo bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn, địa bàn giáp ranh và các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế;
c) Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc tiếp nhận, giám định và phản hồi kịp thời, thông suốt, đầy đủ cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bảo đảm chính xác, an toàn, bảo mật thông tin và quyền lợi của các bên liên quan;
d) Bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám định, năng lực của đội ngũ làm công tác giám định bảo hiểm y tế; Chủ động rà soát, phát hiện và gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế về các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật, cùng loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kiểm tra, rà soát theo các quy định của pháp luật nhằm sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả;
đ) Tổng hợp kịp thời thông tin về số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính của người bệnh, thời điểm người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đủ 05 năm liên tục trở lên và thông báo trên Cổng tiếp nhận dữ liệu để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tra cứu, xác định thời điểm người bệnh đủ điều kiện để được hưởng miễn cùng chi trả trong lần khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh; bảo đảm không ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh;
e) Tổng hợp, báo cáo định kỳ, hằng năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; tình hình thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để tổng hợp theo quy định;
g) Chia sẻ, chuyển giao dữ liệu chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bộ Y tế đầy đủ, kịp thời để xây dựng, triển khai phương thức thanh toán và xây dựng chính sách theo quy định của pháp luật;
h) Cung cấp cho Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương số lượng, cơ cấu đối tượng theo nhóm người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thông tin thay đổi vào 15 ngày đầu mỗi quý (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
i) Công khai và cập nhật kịp thời các yêu cầu, hướng dẫn về việc tiếp nhận, thông báo sự cố, vướng mắc liên quan đến việc tiếp nhận dữ liệu, từ chối tiếp nhận dữ liệu chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên Cổng tiếp nhận dữ liệu trước khi áp dụng trong giám định bảo hiểm y tế.
10. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế tại địa phương;
b) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành;
c) Chỉ đạo, đôn đốc và bảo đảm các điều kiện triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, liên thông dữ liệu trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý theo đúng quy định;
d) Chỉ đạo, chủ trì giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn quản lý;
đ) Tổ chức thực hiện đúng quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo kiểm tra việc tuân thủ điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đánh giá nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân và khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và thực hiện các giải pháp để bảo đảm cân đối, phù hợp giữa số lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân trên địa bàn;
e) Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 6 Điều 6 Nghị định này; mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 6 Điều 6 Nghị định này; đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 72. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét