Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính【Luật số 85/2025/QH15】

 Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:

“Điều 24. Giám đốc việc xét xử

Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Tòa án cấp tỉnh) giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 30 như sau:

“2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ dưới Thứ trưởng và dưới tương đương Thứ trưởng.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:

“Điều 31. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực

Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp xã, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cấp xã đó thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.

2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở xuống, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở xuống, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, được xác định như sau:

a) Trường hợp người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh với người bị kiện thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở;

b) Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh với người bị kiện thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước này và của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.

4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là một trong các Tòa án nhân dân khu vực thuộc thành phố Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh theo lựa chọn của người khởi kiện.

5. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trở xuống, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.

6. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.

7. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.

8. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.

9. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.”.

4. Bổ sung Điều 31a vào sau Điều 31 như sau:

“Điều 31a. Thẩm quyền của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực

1. Tòa Hành chính Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 31 của Luật này.

2. Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 8 Điều 31 của Luật này.

3. Đối với Tòa án nhân dân khu vực chưa có Tòa Hành chính thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và phân công Thẩm phán giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:

“Điều 32. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh

Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của Luật này.”.

6. Bổ sung Điều 32a vào sau Điều 32 như sau:

“Điều 32a. Thẩm quyền của Tòa chuyên trách Tòa án cấp tỉnh

Tòa Hành chính Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Luật này.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 34 như sau:

“7. Chánh án Tòa án cấp tỉnh giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Tòa án nhân dân khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 46 như sau:

“3. Họ đã tham gia giải quyết vụ án hành chính đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và đã ra bản án sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh được tham gia xét xử vụ án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

4. Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.”.

9. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và khoản 1 Điều 49 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều như sau:

“Điều 49. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 như sau:

“1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án quyết định.

Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì giải quyết như sau:

a) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân khu vực do Chánh án Tòa án cấp tỉnh quyết định;

b) Thẩm phán là Chánh án Tòa án cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.”.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 112 như sau:

“1. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; báo cáo Chánh án Tòa án cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.”.

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 256 như sau:

“3. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của Luật này.”.

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 260 như sau:

“Điều 260. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.

13. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3 và 4 Điều 264 như sau:

“2. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nghiên cứu và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

4. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 260 của Luật này thì có quyền giao cho Tòa án cấp tỉnh xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.”.

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 266 như sau:

“Điều 266. Thẩm quyền giám đốc thẩm

1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị như sau:

a) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

b) Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định tại điểm a khoản này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

3. Những vụ án phức tạp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Quy định của pháp luật về vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;

b) Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;

c) Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

4. Chánh án Tòa án cấp tỉnh xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án hành chính cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.”.

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 270 như sau:

“5. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 266 của Luật này thì phiên tòa xét xử phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên ủy ban Thẩm phán biểu quyết tán thành.

6. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 266 của Luật này thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết tán thành.

Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 266 của Luật này thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.”.

16. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 277 như sau:

“b) Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm là ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ, tên, chức vụ của Chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;”.

17. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 282 như sau:

“3. Trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.”.

18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 283 như sau:

“1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.

19. Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” bằng cụm từ “cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền” tại khoản 2 Điều 75, khoản 2 Điều 77, khoản 3 Điều 196, khoản 1 Điều 197.

20. Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó” bằng cụm từ “cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền” tại điểm b khoản 2 Điều 311.

21. Thay thế cụm từ “ủy ban Tư pháp của Quốc hội” bằng cụm từ “ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội” tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 287, Điều 288, khoản 1 Điều 289, Điều 290, các khoản 2, 3 và 5 Điều 291, Điều 292, Điều 297.

22. Thay thế cụm từ “Thẩm tra viên” bằng cụm từ “Thẩm tra viên Tòa án” tại khoản 1 Điều 14, điểm a khoản 2 Điều 36, điểm b khoản 1 Điều 37, Điều 40, Điều 47, Điều 48, khoản 2 Điều 50, điểm d khoản 3 Điều 63, điểm c khoản 3 Điều 64, khoản 4 Điều 84, khoản 1 Điều 332.

23. Thay thế cụm từ “Công an xã, phường, thị trấn” bằng cụm từ “Công an xã, phường, đặc khu” tại khoản 2 Điều 85, các khoản 1, 2 và 4 Điều 88, khoản 3 và khoản 4 Điều 106.

_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Luật số 85/2025/QH15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét