QUỐC HỘI ______________ Luật số:
62/2025/QH15 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc __________________ |
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được
sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14.
Điều 1.
Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Làm luật và sửa đổi luật
1.
Quốc hội ban hành luật để quy định về các nội dung sau đây:
a)
Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân,
Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính
quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc
hội thành lập;
b)
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn
chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; tố tụng tư pháp;
c)
Chính sách cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,
khoa học, công nghệ, môi trường, tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà
nước; quy định các thứ thuế, về huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự
nhà nước;
d)
Chính sách cơ bản về quốc phòng, an ninh quốc gia; hàm, cấp trong lực
lượng vũ trang nhân dân; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc
biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
đ)
Chính sách cơ bản về đối ngoại; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác;
e)
Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
g)
Trưng cầu ý dân;
h)
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp;
i)
Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và luật.
2.
Luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ
thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, tố
tụng tư pháp, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, mối quan hệ giữa
Nhà nước với công dân và xã hội. Đối với các nội dung quản lý nhà nước theo
từng lĩnh vực, các vấn đề mới, có tính kiến tạo phát triển, các vấn đề chưa có
thực tiễn kiểm nghiệm, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên
tắc, định hướng thuộc thẩm quyền của Quốc hội để thể chế hóa chủ trương, chính
sách của Đảng; phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước
trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và thực hiện phân cấp bảo
đảm phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính
quyền địa phương các cấp và kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội trong từng giai đoạn; cơ bản không quy định các nội dung về thủ tục hành
chính, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính
biến động cao.
3.
Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định về các nội dung sau đây:
a)
Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc
hội khác với quy định của luật hiện hành;
b)
Tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một
phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh
tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;
c)
Vấn đề khác do Quốc hội quyết định.
4.
Việc xây dựng pháp luật theo từng nhiệm kỳ được xác định và thực hiện theo Định
hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và Chương trình lập pháp
hằng năm của Quốc hội.
5.
Trình tự, thủ tục xây dựng, xem xét, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội
thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 8 như
sau:
“6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu
cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.”.
3.
Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Quốc
hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do
Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Việc
lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo quy định của Quốc hội.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30 như sau:
“1.
Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy
ban của Quốc hội.
Căn
cứ vào năng lực chuyên môn, yêu cầu công tác và khả năng bố trí thời gian tham
gia đầy đủ hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể đăng
ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Ủy
ban thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng dân
tộc, Ủy ban của Quốc hội phù hợp với cơ cấu số lượng thành viên của từng cơ
quan đã được quyết định.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 39 như sau:
“Điều 39. Việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền
đại biểu Quốc hội
1.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp sau đây:
a)
Đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can;
b)
Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở
xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là
cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh
tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản
đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội
đối với đại biểu Quốc hội đó.
2.
Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi
phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định,
kết luận về việc không có vi phạm, không xử lý kỷ luật, quyết định đình chỉ
điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định
của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn
trách nhiệm hình sự. Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật thì tùy theo
tính chất, mức độ mà có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc Ủy ban thường
vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
3.
Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên
mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu
lực pháp luật.”.
6.
Sửa đổi, bổ sung Điều 48 như sau:
“Điều 48. Xây dựng luật, pháp lệnh, nghị
quyết
1.
Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của
Quốc hội và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ
của Quốc hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định và điều chỉnh
Chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội; cho ý kiến về dự án luật, dự thảo nghị
quyết, về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết
của Quốc hội trước khi trình Quốc hội và chủ trì tổ chức việc trình Quốc hội
xem xét, thông qua luật, nghị quyết.
2.
Ủy ban thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; ban
hành nghị quyết để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến
pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trình
tự, thủ tục xây dựng, xem xét, ban hành pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường
vụ Quốc hội thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật.”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản
1 và khoản
2 Điều 53 như sau:
“1. Đề nghị Quốc
hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch
Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ
nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán
nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội -
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
2. Quyết định số lượng, phê chuẩn danh
sách và việc cho thôi đối với Phó Chủ tịch, Ủy viên là
đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và Ủy viên là
đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc.
Quyết định số lượng, phê chuẩn danh
sách và việc cho thôi đối với Phó Chủ nhiệm, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt
động chuyên trách tại Ủy ban và Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm
nhiệm của Ủy ban của Quốc hội.”.
8.
Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 54 như sau:
“4. Xem xét đề nghị của Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc
hội, người trúng cử đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại
biểu Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp; quyết định tạm đình chỉ việc
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp quy
định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này; báo cáo với Quốc hội về việc đại biểu
Quốc hội mất quyền đại biểu.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 60 như sau:
“4.
Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng
Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ
nhiệm Ủy ban của Quốc hội được mời tham dự các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc
hội.
Ủy
viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban
của Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về những
nội dung thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.”.
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 66 như sau:
“Điều 66. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của
Quốc hội
1.
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội, do Quốc
hội quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội để
thực hiện chức năng hoạt động thường xuyên quy định tại Điều 68a của Luật này,
chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội
không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Quốc hội thành lập Ủy
ban lâm thời của Quốc hội trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Điều 88
và Điều 89 của Luật này.”.
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 67 như sau:
“Điều
67. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
1.
Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy
viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và Ủy
viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc. Ủy ban của Quốc hội gồm
có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban và
Ủy viên là
đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Ủy ban.
2.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các
Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Hội đồng dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy
viên của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
3. Thường trực Hội đồng dân tộc,
Thường trực Ủy ban của Quốc hội là bộ phận thường trực, làm việc thường xuyên giúp
Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc của Hội đồng, Ủy
ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn khác theo quy định và phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo
Quốc hội.
4. Hội đồng dân tộc, Ủy ban
của Quốc hội có đơn vị chuyên môn, trực tiếp tham mưu, giúp việc Hội đồng, Ủy
ban.
5.
Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động, quy chế làm
việc mẫu của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; quy định về tổ chức,
nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị chuyên môn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban
của Quốc hội; quyết định biên chế và quy định chế độ, chính sách áp dụng đối
với đội ngũ công chức giúp việc cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phù
hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 68
như sau:
“1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc
hội làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số kết hợp với đề cao
trách nhiệm của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban và vai trò điều hành
của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban.”.
13. Bổ sung Điều 68a vào sau Điều 68
như sau:
“Điều 68a. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
1. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc
hội thực hiện các chức năng sau đây:
a) Thẩm tra dự án luật, pháp lệnh,
nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; thẩm tra các báo cáo, dự
án, đề án khác thuộc lĩnh vực được giao phụ trách;
b) Giám sát việc thi hành Hiến pháp,
luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc
hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan
nhà nước khác ở trung ương; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác
có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương thuộc lĩnh vực
được giao phụ trách;
c) Kiến nghị các vấn đề thuộc phạm vi
hoạt động của cơ quan mình;
d) Trình dự án luật, nghị quyết trước
Quốc hội, dự án pháp lệnh, nghị quyết trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh
vực được giao phụ trách;
đ) Thực hiện một số chức năng khác
theo quy định của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội
đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.”.
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 84
như sau:
“2.
Việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của
Quốc hội được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và cấp có
thẩm quyền.”.
15.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 90 như sau:
“2.
Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.
Kỳ
họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước,
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số
đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc
thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh, đối ngoại.”.
16. Sửa đổi, bổ sung tên gọi của
Chương VI như sau: “Bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động của Quốc hội”.
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 99 như sau:
“Điều 99. Văn phòng Quốc hội
1. Văn
phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của
Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
và đại biểu Quốc hội.
2.
Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng
Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt
động của Văn phòng Quốc hội.
Tổng
thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người phát ngôn của Quốc hội,
Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn,
cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; quyết định biên chế, quy định chế độ,
chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
khác thuộc Văn phòng Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của
Quốc hội.”.
18.
Sửa đổi, bổ sung Điều 101 như sau:
“Điều 101. Kinh phí hoạt động của Quốc hội
1.
Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc
hội quyết định, bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt
động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,
Văn phòng Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của
đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia
hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội
gắn với hoạt động của Quốc hội và do Văn phòng Quốc hội quản lý.
2.
Việc dự toán, quản lý, cấp và sử dụng kinh phí hoạt động của Quốc hội được thực
hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của Ủy ban thường vụ Quốc
hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.”.
19.
Thay cụm từ “phiên họp bất thường” tại khoản 1 Điều 33, cụm từ “kỳ họp bất
thường” tại khoản 2 Điều 91, khoản 1 Điều 92 bằng cụm từ “kỳ họp không thường
lệ”; thay cụm từ “họp bất thường” tại khoản 3 Điều 33 bằng cụm từ “tổ chức kỳ
họp không thường lệ”.
20.
Bỏ cụm từ “các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội,” tại khoản 4 Điều 58.
21.
Bãi bỏ các điều 13, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, khoản 2 Điều
80, khoản 3 Điều 84, các điều 85, 86, 87, 98 và 100.
1.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.
2.
Các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội được tổ chức
theo Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Luật số 65/2020/QH14 tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội, Ủy ban
thường vụ Quốc hội có quyết định về việc kết thúc hoạt động.
___________________________________________
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ
9 thông qua ngày 17 tháng 02 năm 2025.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI (Đã ký) Trần Thanh Mẫn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét