QUỐC HỘI ________ Luật số: 85/2025/QH15 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ |
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT
TỐ TỤNG
DÂN SỰ, LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH,
LUẬT
TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, LUẬT PHÁ SẢN
VÀ LUẬT
HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
Căn cứ
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một
số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;
Quốc
hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số
92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Bộ luật số 45/2019/QH14,
Luật số 59/2020/QH14, Luật số 13/2022/QH15, Luật số 19/2023/QH15, Luật số
34/2024/QH15 và Luật số 46/2024/QH15; Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 55/2019/QH14 và Luật số
34/2024/QH15; Luật Tư pháp người chưa thành niên số 59/2024/QH15; Luật Phá sản
số 51/2014/QH13 và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14.
Điều
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều
18. Giám đốc việc xét xử
Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử
của các Tòa án; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Tòa án
nhân dân cấp tỉnh) giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm
vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và
thống nhất.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 như sau:
“Điều
35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực
Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải
quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp quy định tại các điều 26, 28, 30 và
32 của Bộ luật này; giải quyết những yêu cầu quy định tại các điều 27, 29, 31
và 33 của Bộ luật này, trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết
trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh
theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật này.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:
“Điều
36. Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực
1. Tòa Dân sự Tòa án nhân dân khu vực có thẩm
quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, lao động, trừ những
vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực quy định
tại khoản 3 Điều này.
2. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân khu vực có
thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về kinh doanh, thương
mại, trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân
khu vực quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực
có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự, kinh doanh,
thương mại về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
4. Tòa Gia đình và người chưa thành niên
Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ
việc về hôn nhân và gia đình.
5. Đối với Tòa án nhân dân khu vực chưa có
Tòa chuyên trách thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và
phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu
vực.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 37 như sau:
“Điều
37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền
giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định chưa có
hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc
thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân
khu vực nhưng bị kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền
giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc
theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:
“Điều
38. Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa Dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có
thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định
dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo,
kháng nghị theo quy định của Bộ luật này, trừ những vụ việc dân sự về quyền sở
hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Tòa Gia đình và người chưa thành niên
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những
vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của
Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
3. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có
thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định
kinh doanh, thương mại; bản án, quyết định dân sự về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển
giao công nghệ chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng
cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Tòa Kinh tế thuộc một số Tòa án nhân dân cấp
tỉnh có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán
quyết trọng tài vụ việc.
4. Tòa Lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có
thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định
lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo,
kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:
“Điều
41. Chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền
1. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không
thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định
chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong
sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương
sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị quyết định này trong
thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 03
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra
quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định
của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng.
2. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án
nhân dân khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố do Chánh án Tòa án nhân dân cấp
tỉnh giải quyết.
3. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án
nhân dân khu vực thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau do Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao giải quyết.
4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án
nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều
53 như sau:
“3. Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục
sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản
án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm,
quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết
định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp
tỉnh thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm,
tái thẩm;
4. Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ
việc đó với tư cách là Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm
tra viên.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 56 như sau:
“Điều
56. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa
án, Thư ký Tòa án
1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi Thẩm
phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Chánh án Tòa án
quyết định. Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền
quyết định việc thay đổi như sau:
a) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân
khu vực thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân cấp
tỉnh thì do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
2. Tại phiên tòa, việc thay đổi Thẩm phán,
Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Hội đồng xét xử quyết
định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận
tại phòng nghị án và quyết định theo đa số. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán,
Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án thì Hội đồng xét xử ra
quyết định hoãn phiên tòa. Chánh án Tòa án quyết định cử Thẩm phán, Hội thẩm
nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án thay thế người bị thay đổi. Nếu
người bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì thẩm quyền quyết định được thực hiện
theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký Tòa án
khi giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều 368 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ
ngày hoãn phiên tòa, phiên họp, Chánh án Tòa án phải cử người khác thay thế.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 như
sau:
“1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh
xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm toàn thể ủy ban Thẩm
phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”.
10. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số khoản của
Điều 194 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận
được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một
cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;
b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn
khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị
của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi
ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và
Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện. Quyết định giải quyết khiếu nại,
kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng.”;
b) Bãi bỏ khoản 7.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 315 như
sau:
“1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản
án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc
thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án
dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến
việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 327 như
sau:
“3. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến
nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã
có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 của
Bộ luật này.”.
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 331 như sau:
“Điều
331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp
tỉnh; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần
thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc
thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực
trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 336 như sau:
“Điều
336. Gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm
1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải
được gửi ngay cho Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị
kháng nghị, các đương sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người khác
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.
2. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị
cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát
nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết
thời hạn này, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền
giám đốc thẩm.
3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kháng nghị
thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm
quyền giám đốc thẩm.”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 337 như sau:
“Điều
337. Thẩm quyền giám đốc thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh
giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân
khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân
dân cấp tỉnh bị kháng nghị như sau:
a) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án,
quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
b) Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật quy định tại điểm a khoản này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết
định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng
Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu
quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
3. Những vụ án có tính chất phức tạp quy định
tại điểm b khoản 2 Điều này là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau
đây:
a) Quy định của pháp luật về những vấn đề cần
giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
b) Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật
có nhiều ý kiến khác nhau;
c) Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi
ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được
dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
4. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem
xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 Điều
này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử
giám đốc thẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Trường hợp những bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền giám đốc
thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân
dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.”.
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều
341 như sau:
“5. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh
xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 337 của Bộ luật này thì phiên tòa xét xử
phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của ủy ban
Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên ủy ban Thẩm phán biểu quyết tán
thành.
6. Trường hợp Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 337 của Bộ luật
này thì quyết định của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội
đồng biểu quyết tán thành.
Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b
khoản 2 Điều 337 của Bộ luật này thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên
tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành
viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.”.
17. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều
348 như sau:
“b) Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử
giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm là ủy ban Thẩm phán Tòa
án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ,
tên, chức vụ của chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều
354 như sau:
“1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái
thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết,
trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục
tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực
trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 405 như sau:
“Điều
405. Thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Tòa án nhân dân khu vực nơi xảy ra đình
công có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền
giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân khu vực
về tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”.
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 406 như sau:
“Điều
406. Thành phần Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Tòa án nhân dân khu vực xét tính hợp
pháp của cuộc đình công bằng Hội đồng gồm ba Thẩm phán.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết
kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công bằng
Hội đồng gồm ba Thẩm phán.”.
21. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 410 như
sau:
“1. Ngay sau khi nhận đơn yêu cầu, Chánh án
Tòa án nhân dân khu vực quyết định thành lập Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc
đình công và phân công một Thẩm phán chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu.”.
22. Sửa đổi, bổ sung Điều 413 như sau:
“Điều
413. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng cáo, kháng nghị quyết định về tính hợp
pháp của cuộc đình công
1. Ngay sau khi nhận đơn kháng cáo, quyết định
kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, Tòa án nhân
dân cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình
công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét, giải quyết.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định về tính hợp pháp của cuộc
đình công phải chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh để xem xét, giải
quyết.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định
thành lập Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công và phân công
một Thẩm phán chủ trì việc nghiên cứu hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày
Tòa án nhân dân cấp tỉnh nhận được hồ sơ vụ việc, Hội đồng phúc thẩm phải tiến
hành xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc
đình công.
Quyết định của Hội đồng phúc thẩm xét tính
hợp pháp của cuộc đình công của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối
cùng.”.
23. Sửa đổi, bổ sung Điều 421 như sau:
“Điều
421. Thẩm quyền của Tòa án bắt giữ tàu bay, tàu biển
1. Tòa án nhân dân khu vực nơi có cảng hàng
không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh có thẩm quyền quyết định bắt
giữ tàu bay.
2. Tòa án nhân dân khu vực nơi có cảng biển,
cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm
quyền quyết định bắt giữ tàu biển. Trường hợp cảng có nhiều bến cảng tại địa phận
các xã, phường, đặc khu thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa án
nhân dân khu vực khác nhau thì Tòa án nhân dân khu vực nơi có bến cảng mà tàu
biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ
tàu biển đó.”.
24. Sửa đổi, bổ sung Điều 426 như sau:
“Điều
426. Bảo đảm quyền kháng cáo, kháng nghị
Đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát
nhân dân khu vực, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị quyết định
của Tòa án công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định
dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của
Trọng tài nước ngoài để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét lại theo quy định
của Bộ luật này.”.
25. Sửa đổi, bổ sung Điều 435 như sau:
“Điều
435. Chuyển hồ sơ cho Tòa án
Trường hợp Bộ Tư pháp nhận được đơn yêu cầu
và giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 434 của Bộ luật này thì trong thời
hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp phải chuyển cho
Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật này.”.
26. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 442 như
sau:
“2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu
vực hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị quyết
định của Tòa án quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 437 và khoản 5 Điều 438 của
Bộ luật này.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân
dân khu vực là 07 ngày, của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 10 ngày, kể từ
ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định.”.
27. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều
443 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như
sau:
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét quyết định
của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng
cáo, kháng nghị trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp
cần phải yêu cầu giải thích theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 437 của Bộ
luật này thì thời hạn này được kéo dài, nhưng không quá 02 tháng.
2. Thành phần Hội đồng xét quyết định bị
kháng cáo, kháng nghị gồm ba Thẩm phán, trong đó một Thẩm phán làm chủ tọa theo
sự phân công của Chánh Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo,
kháng nghị được tiến hành như phiên họp xét đơn yêu cầu quy định tại Điều 438 của
Bộ luật này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng nghị theo thủ
tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.”.
28. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 461 như
sau:
“2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu
vực hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị quyết
định của Tòa án quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 457 và khoản 5 Điều 458 của
Bộ luật này.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân
dân khu vực là 07 ngày, của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 10 ngày, kể từ
ngày Viện kiểm sát nhận được quyết định.”.
29. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều
462 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như
sau:
“1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét lại quyết
định của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 01
tháng, kể từ ngày nhận được hồ sơ; trường hợp cần phải yêu cầu giải thích theo
quy định tại khoản 1 Điều 457 của Bộ luật này thì thời hạn này được kéo dài,
nhưng không quá 02 tháng.
2. Thành phần Hội đồng xét quyết định bị
kháng cáo, kháng nghị gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa
theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Phiên họp xét lại quyết
định bị kháng cáo, kháng nghị được tiến hành như phiên họp xét đơn yêu cầu quy
định tại Điều 458 của Bộ luật này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng nghị theo thủ
tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.”.
30. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 488 như
sau:
“1. Thẩm quyền xét miễn, giảm nghĩa vụ thi
hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án được xác định như
sau:
a) Tòa án nhân dân khu vực nơi cơ quan thi
hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở, có thẩm quyền xét đề
nghị việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà
nước;
b) Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền
xem xét theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành
án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án bị Viện kiểm sát kháng
nghị;
c) Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền
xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành
án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm quyền
theo lãnh thổ bị kháng nghị;
d) Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền
xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành
án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.”.
31. Thay thế cụm từ “ủy ban tư pháp của Quốc
hội” bằng cụm từ “Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội” tại khoản 1 và khoản
3 Điều 358, các khoản 1, 2, 3 và 7 Điều 359.
32. Thay thế cụm từ “Thẩm tra viên” bằng cụm
từ “Thẩm tra viên Tòa án” tại khoản 1 Điều 16, điểm a khoản 2 Điều 46, điểm b
và điểm c khoản 1 Điều 47, khoản 11 Điều 48, Điều 50, Điều 54, Điều 55, khoản 2
Điều 60, điểm c khoản 2 Điều 80, điểm c khoản 2 Điều 82, khoản 4 Điều 97, khoản
3 Điều 208, khoản 1 Điều 504.
33. Thay thế cụm từ “Công an xã, phường, thị
trấn” bằng cụm từ “Công an xã, phường, đặc khu” tại khoản 2 Điều 98, các khoản
1, 2 và 4 Điều 101, khoản 4 và khoản 5 Điều 177.
34. Bãi bỏ khoản 4 Điều 34.
Điều
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều
24. Giám đốc việc xét xử
Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử
của các Tòa án; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Tòa án cấp
tỉnh) giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi thẩm quyền
theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 30 như
sau:
“2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi
việc công chức giữ chức vụ dưới Thứ trưởng và dưới tương đương Thứ trưởng.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:
“Điều
31. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực
Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải
quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành
vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp xã, người có thẩm quyền trong cơ quan
nhà nước cấp xã đó thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân
khu vực.
2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành
vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở xuống, người có thẩm quyền
trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở xuống, trừ trường hợp quy định tại khoản 1
Điều này, được xác định như sau:
a) Trường hợp người khởi kiện có nơi cư
trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh với
người bị kiện thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi người khởi kiện có nơi
cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở;
b) Trường hợp người khởi kiện không có nơi
cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh
với người bị kiện thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi quyết định hành
chính, hành vi hành chính bị khởi kiện làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt
quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành
vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ
tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước này và
của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi
làm việc hoặc trụ sở thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân
khu vực; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ
sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan,
người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành
vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở
nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có
nơi cư trú thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực;
trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm
quyền là một trong các Tòa án nhân dân khu vực thuộc thành phố Hà Nội hoặc
Thành phố Hồ Chí Minh theo lựa chọn của người khởi kiện.
5. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi
việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trở xuống, bộ, ngành trung
ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật thuộc phạm vi thẩm quyền
theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.
6. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan
lập danh sách cử tri thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân
khu vực.
7. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại
về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong
hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc
trụ sở thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực.
8. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành
vi hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ mà người khởi kiện có
nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của
Tòa án nhân dân khu vực.
9. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi
hành Điều này.”.
4. Bổ sung Điều 31a vào
sau Điều 31 như sau:
“Điều
31a. Thẩm quyền của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân khu vực
1. Tòa Hành chính Tòa án nhân dân khu vực
có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quy định tại các
khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 31 của Luật này.
2. Tòa Sở hữu trí tuệ Tòa án nhân dân khu vực
có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ quy định tại
khoản 8 Điều 31 của Luật này.
3. Đối với Tòa án nhân dân khu vực chưa có
Tòa Hành chính thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử và
phân công Thẩm phán giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:
“Điều
32. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh
Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết
theo thủ tục phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp
luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái
thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực
nhưng bị kháng nghị theo quy định của Luật này.”.
6. Bổ sung Điều 32a vào sau Điều 32 như
sau:
“Điều
32a. Thẩm quyền của Tòa chuyên trách Tòa án cấp tỉnh
Tòa Hành chính Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền
giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu
lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định
của Luật này.”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 34 như
sau:
“7. Chánh án Tòa án cấp tỉnh giải quyết
tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Tòa án nhân dân
khu vực trong cùng một tỉnh, thành phố.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết
tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân khu vực thuộc các tỉnh, thành
phố khác nhau.”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều
46 như sau:
“3. Họ đã tham gia giải quyết vụ án hành
chính đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và đã ra
bản án sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái
thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận kết quả đối
thoại thành, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh được tham gia xét xử vụ
án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
4. Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ
án đó với tư cách là Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm
tra viên.”.
9. Sửa đổi, bổ sung tên Điều và khoản 1 Điều
49 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều như sau:
“Điều
49. Quyết định việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa
án, Thư ký Tòa án”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 như
sau:
“1. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án do Chánh án
Tòa án quyết định.
Trường hợp Thẩm phán bị thay đổi là Chánh
án Tòa án thì giải quyết như sau:
a) Thẩm phán là Chánh án Tòa án nhân dân
khu vực do Chánh án Tòa án cấp tỉnh quyết định;
b) Thẩm phán là Chánh án Tòa án cấp tỉnh do
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều
112 như sau:
“1. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực có quyền
kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan
nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; báo cáo Chánh án Tòa án cấp tỉnh đề nghị Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy
phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.
2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh có quyền kiến
nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước
từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi,
bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung
ương.”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 256 như
sau:
“3. Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến
nghị với Chánh án Tòa án cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh
án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng
nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật nếu phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 của
Luật này.”.
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 260 như sau:
“Điều
260. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh;
những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy
cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Viện trưởng Viện
kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực thuộc phạm vi
thẩm quyền theo lãnh thổ.”.
13. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3 và 4 Điều
264 như sau:
“2. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao hoặc Chánh án Tòa án cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định kháng nghị cùng hồ
sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày
kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nghiên cứu và chuyển hồ sơ vụ
án cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh kháng nghị thì quyết định
kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc
thẩm.
4. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác theo
quy định tại khoản 1 Điều 260 của Luật này thì có quyền giao cho Tòa án cấp tỉnh
xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 266 như sau:
“Điều
266. Thẩm quyền giám đốc thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh
giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân
khu vực trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh
bị kháng nghị như sau:
a) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán đối với bản án,
quyết định của Tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
b) Toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp
luật quy định tại điểm a khoản này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết
định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng
Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu
quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
3. Những vụ án phức tạp quy định tại điểm b
khoản 2 Điều này là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Quy định của pháp luật về vấn đề cần giải
quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
b) Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật
có nhiều ý kiến khác nhau;
c) Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi
ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được
dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
4. Chánh án Tòa án cấp tỉnh xem xét, quyết
định việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc tổ chức xét xử giám đốc
thẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Trường hợp những bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án hành chính cùng thuộc thẩm quyền giám đốc
thẩm của Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao
có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.”.
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều
270 như sau:
“5. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh
xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 266 của Luật này thì phiên tòa xét xử phải
có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của ủy ban Thẩm
phán phải được quá nửa tổng số thành viên ủy ban Thẩm phán biểu quyết tán
thành.
6. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao xét xử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 266 của Luật này thì quyết định
của Hội đồng xét xử phải được tất cả thành viên tham gia Hội đồng biểu quyết
tán thành.
Trường hợp xét xử theo quy định tại điểm b
khoản 2 Điều 266 của Luật này thì phiên tòa xét xử của toàn thể Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên
tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành
viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.”.
16. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều
277 như sau:
“b) Họ, tên các thành viên Hội đồng xét xử
giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng xét xử giám đốc thẩm là ủy ban Thẩm phán Tòa
án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì ghi họ,
tên, chức vụ của Chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử;”.
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 282 như
sau:
“3. Trường hợp phát hiện tình tiết mới của
vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến nghị với Chánh án Tòa án cấp tỉnh
hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều
283 như sau:
“1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái
thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh; bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ
quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án cấp tỉnh, Viện trưởng Viện
kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết
định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi thẩm
quyền theo lãnh thổ.”.
19. Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án
dân sự cùng cấp” bằng cụm từ “cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền” tại khoản
2 Điều 75, khoản 2 Điều 77, khoản 3 Điều 196, khoản 1 Điều 197.
20. Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án
dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó” bằng cụm từ “cơ quan thi
hành án dân sự có thẩm quyền” tại điểm b khoản 2 Điều 311.
21. Thay thế cụm từ “ủy ban Tư pháp của Quốc
hội” bằng cụm từ “ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội” tại điểm b khoản 1
và khoản 3 Điều 287, Điều 288, khoản 1 Điều 289, Điều 290, các khoản 2, 3 và 5
Điều 291, Điều 292, Điều 297.
22. Thay thế cụm từ “Thẩm tra viên” bằng cụm
từ “Thẩm tra viên Tòa án” tại khoản 1 Điều 14, điểm a khoản 2 Điều 36, điểm b
khoản 1 Điều 37, Điều 40, Điều 47, Điều 48, khoản 2 Điều 50, điểm d khoản 3 Điều
63, điểm c khoản 3 Điều 64, khoản 4 Điều 84, khoản 1 Điều 332.
23. Thay thế cụm từ “Công an xã, phường, thị
trấn” bằng cụm từ “Công an xã, phường, đặc khu” tại khoản 2 Điều 85, các khoản
1, 2 và 4 Điều 88, khoản 3 và khoản 4 Điều 106.
Điều
3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tư pháp người chưa thành niên
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 và điểm
b khoản 5 Điều 56 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:
“a) Giao quyết định cho người chưa thành
niên là bị can, người đại diện của họ; gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền, bị
hại; gửi cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong trường hợp Viện kiểm sát ra
quyết định;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 như sau:
“b) Gửi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục
tại trường giáo dưỡng và bản sao báo cáo điều tra xã hội cho cơ quan thi hành
án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người chưa thành niên cư trú;”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm d khoản
6 Điều 62 như sau:
“c) Gửi quyết định cho cơ quan thi hành án
dân sự có thẩm quyền;
d) Gửi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục
tại trường giáo dưỡng và bản sao báo cáo điều tra xã hội cho cơ quan thi hành
án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người chưa thành niên cư trú;”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 72 như
sau:
“2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra
quyết định, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị phải gửi quyết
định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cho người đã khiếu nại, kiến nghị, Viện kiểm
sát có thẩm quyền, cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng;
người chưa thành niên và người đại diện của họ, cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp tỉnh nơi người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
cư trú trong trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.”.
4. Sửa đổi, bổ sung, thay thế cụm từ tại một
số khoản của Điều 73 như sau:
a) Thay thế cụm từ “Công an xã, phường, thị
trấn” bằng cụm từ “Công an xã, phường, đặc khu” tại khoản 2;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Việc thi hành quyết định áp dụng biện
pháp xử lý chuyển hướng bồi thường thiệt hại của Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát được quy định như sau:
a) Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền
thi hành quyết định của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân;
b) Cơ quan thi hành án cấp quân khu thi
hành quyết định của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát
quân sự;
c) Thủ tục thi hành quyết định quy định tại
khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”.
5. Sửa đổi, bổ sung, thay thế cụm từ tại một
số điểm, khoản của Điều 113 như sau:
a) Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án
hình sự Công an cấp huyện” bằng cụm từ “cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
tỉnh” tại các điểm a, b, c và đ khoản 1, khoản 3;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự,
cơ quan thi hành án hình sự.
Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo trong thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Viện kiểm sát có
quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án
hình sự có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ sau đây: ra văn bản giải quyết khiếu nại,
tố cáo; kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và của cấp
dưới; thông báo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu
liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát.”.
6. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều
142 như sau:
a) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 như
sau:
“4a. Trường hợp Điều tra viên trung cấp, Điều
tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ
trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều
tra vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã
theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì có thẩm quyền
của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra để áp dụng biện pháp xử lý chuyển
hướng và thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên theo quy định của
Luật này và Bộ luật Tố tụng hình sự.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao chủ trì, phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công
an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 4 và khoản 4a Điều này.”.
7. Thay thế cụm từ “xã, phường, thị trấn” bằng
cụm từ “xã, phường, đặc khu” tại khoản 4 Điều 36 và Điều 43.
8. Thay thế cụm từ “đơn vị hành chính cấp
huyện” bằng cụm từ “đơn vị hành chính cấp tỉnh” tại điểm b khoản 2 Điều 53.
9. Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án
hình sự Công an cấp huyện” bằng cụm từ “cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
tỉnh” tại khoản 6 Điều 66, khoản 12 Điều 87, khoản 4 Điều 88, các khoản 1, 2 và
3 Điều 94, điểm b khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 5, các khoản 6, 7, 8 và khoản
9 Điều 95, khoản 3 và khoản 5 Điều 96, điểm a khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều
97, khoản 3 Điều 112, khoản 1 Điều 171, điểm c khoản 5 và khoản 6 Điều 179.
Thay thế cụm từ “của Công an cấp huyện” bằng
cụm từ “của cơ quan Công an có thẩm quyền” tại điểm a khoản 3 Điều 97.
10. Thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp
huyện” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại khoản 1 Điều 87, khoản 3 Điều
95, khoản 2 Điều 110, khoản 6 Điều 179.
11. Thay thế cụm từ “Viện kiểm sát nhân dân
cấp huyện” bằng cụm từ “Viện kiểm sát nhân dân khu vực” tại khoản 1 Điều 106.
12. Thay thế cụm từ “Viện kiểm sát cùng cấp”
bằng cụm từ “Viện kiểm sát có thẩm quyền” tại khoản 3, khoản 6 Điều 55, khoản 4
Điều 59, khoản 5 Điều 60, khoản 1 Điều 71, khoản 3 Điều 139.
13. Bỏ cụm từ “, Phòng Giáo dục và Đào tạo”
tại khoản 3 Điều 102.
14. Bỏ cụm từ “Viện kiểm sát cùng cấp hoặc”
tại khoản 3 Điều 137.
Điều
4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phá sản
Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều
8. Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân
1. Tòa Phá sản Tòa án nhân dân khu vực có
thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính
trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa Phá sản Tòa án nhân dân khu vực
đó.
2. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi
hành Điều này.”.
Điều
5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8
như sau:
“c) Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách
Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện
hành chính hoặc Tòa án nhân dân khu vực khác trên cùng phạm vi địa giới hành
chính cấp tỉnh;”.
2. Thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp huyện”
bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại khoản 3 Điều 7, khoản 7 Điều 16, khoản
3 Điều 17 và khoản 3 Điều 18.
3. Bãi bỏ các điểm a, d và đ khoản 2 Điều
7.
Điều
6. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp Luật Tư pháp người chưa thành niên có quy định
khác.
_______________
Luật
này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9
thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2025.
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI
Trần
Thanh Mẫn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét