Chương IV
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở TỈNH
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh
1. Trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật:
a) Quyết định biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương;
b) Quyết định chiến lược, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế tư nhân; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của địa phương;
c) Căn cứ vào chủ trương của Đảng, quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép; quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
d) Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật;
đ) Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp xã;
e) Giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
2. Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền:
a) Quyết định biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp mình và tổng biên chế cán bộ, công chức của chính quyền địa phương cấp xã, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định nguồn kinh phí để thực hiện hợp đồng một số nhiệm vụ của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; quyết định mức phụ cấp và tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước của địa phương; quyết định chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng và nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động công vụ tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương theo quy định của pháp luật;
c) Quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật;
d) Xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp mình và cấp xã ở địa phương;
e) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình;
g) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật;
h) Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp thuận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật.
3. Trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư và thực hiện liên kết vùng:
a) Thông qua quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh 05 năm và hằng năm, các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của địa phương, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp liên quan đến tài chính, ngân sách, đầu tư của địa phương; về phí, lệ phí; quyết định chủ trương, biện pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; quyết định việc vay các nguồn vốn theo quy định của pháp luật;
c) Quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp xã; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
d) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của địa phương theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật;
đ) Quyết định chủ trương, biện pháp thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền.
4. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số:
b) Quyết định chính sách, biện pháp khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
5. Trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường và nông, lâm, ngư nghiệp:
a) Quyết định các chính sách, biện pháp về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; phát triển nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp, ngư nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật;
b) Thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, rừng thuộc thẩm quyền; quyết định bảng giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
6. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng, giao thông, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị, nông thôn:
b) Quyết định chính sách, biện pháp nhằm phát triển công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, đô thị, hạ tầng đô thị và nông thôn của địa phương theo quy định của pháp luật.
7. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao:
b) Quyết định chính sách, biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương; phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao tại địa phương theo quy định của pháp luật;
c) Quyết định chính sách, biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và các đối tượng chính sách khác tại địa phương;
d) Quyết định chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; biện pháp thực hiện chính sách dân số của địa phương theo quy định của pháp luật;
đ) Quyết định chính sách, biện pháp quản lý, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.
8. Quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác; biện pháp thực hiện nhiệm vụ đối ngoại; biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương theo quy định của pháp luật.
9. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác ở địa phương.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tính
1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c khoản 1, các điểm a, b, c, d, đ khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 15 của Luật này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các nguồn lực cần thiết khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.
3. Tổ chức thực hiện việc quản lý hành chính nhà nước tại địa phương, bảo đảm nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
4. Quyết định quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn; chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương và các địa phương khác thúc đẩy liên kết vùng, liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế.
5. Quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Hội đồng nhân dân cùng cấp giao; quyết định phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình; quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể, quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình theo quy định của pháp luật.
7. Quản lý biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính của chính quyền địa phương các cấp, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật.
8. Quyết định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân của từng đơn vị hành chính cấp xã nhưng phải bảo đảm tổng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã của địa phương không vượt quá tổng số lượng tính theo khung quy định của Chính phủ.
9. Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp mình.
10. Ban hành quyết định và các văn bản hành chính khác về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
11. Căn cứ tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm nâng cao năng lực, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển các đô thị, đặc khu.
12. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban nhân dân.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình.
3. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về thực hiện cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và cấp xã trong giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công của địa phương theo quy định của pháp luật.
4. Lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách của địa phương; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, nguồn ngân sách, tài sản công, cơ sở hạ tầng của địa phương thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
6. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở địa phương; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, đất đai, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, xây dựng pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, công tác pháp chế, nội vụ, lao động, thông tin, văn hóa, xã hội, du lịch, thể dục, thể thao của địa phương theo quy định của pháp luật.
7. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về đối ngoại theo quy định của pháp luật.
8. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương theo quy định của pháp luật; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và chế độ, chính sách đối với các lực lượng này ở địa phương theo quy định của pháp luật.
9. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương theo quy định của pháp luật.
10. Chỉ đạo việc thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo ở địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo ở địa phương theo quy định của pháp luật.
11. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại địa phương; quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương theo quy định của pháp luật.
12. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội; quản lý các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục trung học phổ thông, cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi xã hội thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật.
13. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình.
14. Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, thảm họa tại địa phương; quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật hoặc vượt thẩm quyền trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, sau đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
15. Chỉ đạo việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên tại địa phương.
16. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương theo quy định của pháp luật.
17. Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; quyết định bổ nhiệm, điều động, tạm đình chỉ, cách chức người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình.
18. Ban hành quyết định, chỉ thị và các văn bản hành chính khác về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.
19. Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
20. Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp xã, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp mình để đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ.
21. Được thay mặt Ủy ban nhân dân cấp mình quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, trừ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này và báo cáo Ủy ban nhân dân tại phiên họp gần nhất.
22. Căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển đô thị, đặc khu.
23. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025- Số 72/2025】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét