Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương IV. Mục 3 NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở XÃ【Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025- Số 72/2025】

 Mục 3

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở XÃ

 

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã

1. Trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật:

a) Quyết định biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa bàn;

b) Quyết định chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế-xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế tư nhân và đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật;

d) Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

2. Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền:

a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật;

b) Căn cứ chỉ tiêu được chính quyền địa phương cấp tỉnh giao, quyết định cụ thể biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp mình, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn;

c) Xem xét, cho ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp mình;

d) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn theo quy định của pháp luật; quyết định cụ thể số lượng người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên địa bàn theo quy định của chính quyền địa phương cấp tỉnh;

đ) Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình;

e) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp;

g) Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp thuận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật.

3. Trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hành chính cấp xã:

a) Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của cấp mình, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng, giao thông trên địa bàn bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch của chính quyền địa phương cấp tỉnh và quy hoạch chung của cấp mình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách cấp mình trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đầu tư công; quyết định biện pháp huy động sự đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, công trình công cộng, phúc lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

d) Quyết định biện pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hành chính cấp xã;

đ) Quyết định chương trình, biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số:

a) Quyết định biện pháp, chương trình, đề án về phát triển khoa học, công nghệ, thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn;

b) Quyết định biện pháp xây dựng chính quyền địa phương số, kinh tế số, xã hội số ở địa bàn; biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

5. Trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng và giao thông:

a) Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp mình trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

b) Quyết định biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước, rừng, bảo vệ môi trường trên địa bàn theo quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật; biện pháp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn;

c) Quyết định biện pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng, giao thông; biện pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

6. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao:

a) Quyết định biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; phát triển văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định biện pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo:

a) Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

8. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan khác ở địa phương.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã

1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, các điểm a, b, c, d khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 của Luật này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

2. Tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên địa bàn; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và các nguồn lực cần thiết khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn.

3. Thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, bảo đảm nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.

4. Quyết định phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết; quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách cấp mình và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình; quyết định thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, giải thể, quy định tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình theo quy định của pháp luật.

6. Quản lý biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính của chính quyền địa phương cấp mình, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; thực hiện quản lý tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.

7. Quyết định theo thẩm quyền các quy hoạch chi tiết của cấp mình; thực hiện liên kết, hợp tác giữa các đơn vị hành chính cấp xã theo quy định của pháp luật.

8. Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp mình.

9. Ban hành quyết định và các văn bản hành chính khác về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.

10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã

1. Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban nhân dân.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình; kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn.

3. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về thực hiện cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn; thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình, trong giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4. Lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình.

5. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách của địa phương; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tài chính, nguồn ngân sách, tài sản công, cơ sở hạ tầng được giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, đất đai, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, xây dựng pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nội vụ, lao động, thông tin, văn hóa, xã hội, du lịch, thể dục, thể thao trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương theo quy định của pháp luật.

8. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

9. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các loại quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn; quản lý các chợ, trung tâm thương mại, điểm du lịch, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục tiểu học, cơ sở giáo dục trung học cơ sở, cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi xã hội thuộc thẩm quyền; duy trì truyền thống văn hóa ở địa phương, quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao và giải trí trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

10. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình.

11. Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, thảm họa trên địa bàn.

12. Chịu trách nhiệm cung ứng các dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn về điện chiếu sáng, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

13. Tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

14. Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động tự quản của thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

15. Ban hành quyết định và các văn bản hành chính khác về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật.

16. Được thay mặt Ủy ban nhân dân cấp mình quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân, trừ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này và báo cáo Ủy ban nhân dân tại phiên họp gần nhất.

17. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

 _Xem toàn bộ văn bản>>>>【Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025- Số 72/2025

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét