Mục 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia, biển đảo đối với công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia
1.1. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Ban hành quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật cho các hoạt động đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, biển đảo;
b) Chủ trì thực hiện công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia, biển đảo bảo đảm độ chính xác về tọa độ, độ cao các mốc quốc giới, các điểm phân chia ranh giới trên biển và các điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải;
c) Tham gia phân giới, cắm mốc trên đất liền, phân định biên giới, ranh giới trên biển bảo đảm độ chính xác việc thể hiện đường biên giới, mốc quốc giới trên sơ đồ, bản đồ và hải đồ;
d) Tổ chức đàm phán với cơ quan chịu trách nhiệm về kỹ thuật của nước láng giềng để thống nhất các nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật đo đạc và bản đồ phục vụ cho công tác biên giới quốc gia, biển đảo;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đánh giá độ chính xác của các loại bản đồ, hải đồ phục vụ cho công tác biên giới quốc gia, biển đảo;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, cập nhật bộ bản đồ chuẩn về biên giới, biển đảo;
g) Chủ trì thẩm định về kỹ thuật việc thể hiện đường biên giới, biển đảo trên các loại bản đồ, hải đồ trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ;
h) Hướng dẫn và cung cấp thông tin về biên giới, biển đảo cho các đơn vị xuất bản bản đồ theo quy định của pháp luật.
1.2. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
a) Chủ trì đàm phán với các nước láng giềng để thống nhất cơ sở pháp lý triển khai công tác đo đạc và bản đồ về biên giới, biển đảo;
b) Bảo đảm cơ sở pháp lý về các số liệu tọa độ mốc quốc giới, tọa độ các điểm phân chia đường biên giới trên đất liền, trên biển và các điểm cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải;
c) Bảo đảm cơ sở pháp lý về đường biên giới quốc gia trên bản đồ, sơ đồ, hải đồ đính kèm Điều ước quốc tế về phân định đường biên giới trên đất liền, trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng;
d) Chủ trì tổ chức thực hiện việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định biên giới, ranh giới trên biển;
đ) Thông báo kịp thời cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan các thông tin mới về biên giới, biển đảo phục vụ công tác đo đạc và xuất bản bản đồ, hải đồ;
e) Tham gia xây dựng bộ bản đồ chuẩn về biên giới; biển đảo; trường hợp đường biên giới chưa được phân giới, cắm mốc theo các Điều ước quốc tế hoặc chưa được phân định với các nước láng giềng, thì Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất thể hiện đường biên giới, biển đảo theo chủ trương của Nhà nước; tham gia thẩm định cơ sở pháp lý để giải quyết những vướng mắc liên quan đến thể hiện đường biên giới, biển đảo trên bản đồ, hải đồ.
1.3. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
a) Ban hành quy định về trình tự, thủ tục, cấp phép và giám sát việc thực hiện công tác đo đạc và bản đồ trong khu vực biên giới, biển đảo thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý;
b) Tổ chức thực hiện công tác đo đạc và bản đồ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong khu vực biên giới, biển đảo thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng quản lý;
c) Bảo đảm an ninh cho các tổ chức thực hiện công tác đo đạc và bản đồ trong khu vực biên giới, biển đảo.
1.4. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ
Cung cấp địa danh hành chính khu vực biên giới và địa danh biển đảo.
1.5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia và biển đảo
a) Tham gia phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, khảo sát các đảo, quần đảo thuộc phạm vi địa phương mình quản lý;
b) Tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và biển đảo trong phạm vi địa phương mình quản lý;
2. Quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia
2.1. Quản lý tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia
a) Bộ bản đồ, sơ đồ và hải đồ đính kèm Điều ước quốc tế về đường biên giới quốc gia trên đất liền và trên biển do Bộ Ngoại giao quản lý; Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu trữ một (01) bộ để phục vụ quản lý nhà nước.
b) Tài liệu khảo sát, đo đạc và bản đồ về biên giới, biển đảo có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền và biển đảo được lưu trữ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Phim, ảnh chụp từ máy bay, phim biên tập chế in bản đồ có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền và biển đảo được lưu trữ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2.2. Khai thác, sử dụng tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia
a) Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu khai thác, sử dụng các tài liệu, bản đồ, sơ đồ, hải đồ chuyên đề về đường biên giới quốc gia, biển đảo phải được Bộ Ngoại giao đồng ý bằng văn bản.
b) Việc cung cấp các thông tin, tài liệu đo đạc và bản đồ về biên giới, biển đảo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật.
c) Cơ quan, tổ chức không được sử dụng các bản đồ, hải đồ có sai sót về biên giới, biển đảo để treo nơi công sở hoặc dùng làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Thẩm định việc thể hiện đường biên giới và các yếu tố liên quan đến biên giới, biển đảo trên các loại bản đồ, hải đồ trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ
3.1. Thẩm quyền thẩm định và đối tượng thẩm định
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao thẩm định đường biên giới quốc gia, biển đảo trên các xuất bản phẩm in trên giấy hoặc bản đồ số hoàn chỉnh trước khi xuất bản hoặc giao nộp để lưu trữ theo bộ bản đồ chuẩn về biên giới, biển đảo.
b) Bộ Quốc phòng thẩm định các bản đồ, sơ đồ, hải đồ do Bộ Quốc phòng xuất bản phục vụ quốc phòng, an ninh.
3.2. Hồ sơ thẩm định
Hồ sơ thẩm định bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định đường biên giới, biển đảo;
b) Bản đồ, sơ đồ, hải đồ in trên giấy hoặc bản đồ số hoàn chỉnh có liên quan đến đường biên giới quốc gia trên đất liền và biển đảo cần được thẩm định.
3.3. Nội dung thẩm định
Nội dung thẩm định bao gồm:
a) Đường biên giới, mốc biên giới, biển đảo thể hiện trên bản đồ, hải đồ, sơ đồ;
b) Các yếu tố địa hình, địa vật, thủy hệ, khu dân cư và địa danh có liên quan đến đường biên giới, mốc biên giới, biển đảo thể hiện trên bản đồ, hải đồ, sơ đồ.
3.4. Trình tự thẩm định
Việc thẩm định được thực hiện theo trình tự sau:
a) Đơn vị xuất bản bản đồ nộp cho cơ quan thẩm định hai (020 bộ hồ sơ quy định tại điểm 3.2 Mục này để thẩm định;
b) Trong thời hạn hai mươi lăm (25) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định phải hoàn thành việc thẩm định. Kết quả thẩm định được gửi cho đơn vị xuất bản bản đồ một (01) bộ, lưu tại cơ quan thẩm định một (01) bộ;
Trường hợp bản đồ không có sai sót thì cơ quan thẩm định xác nhận cho xuất bản hoặc nộp lưu trữ; trường hợp bản đồ có sai sót thì cơ quan thẩm định yêu cầu đơn vị xuất bản bản đồ phải chỉnh sửa, bổ sung.
3.5. Trách nhiệm của đơn vị xuất bản bản đồ
a) Liên hệ với cơ quan thẩm định để được hướng dẫn và cung cấp thông tin tư liệu liên quan đến biên giới, biển đảo.
b) Bổ sung, chỉnh sửa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan thẩm định; trong trường hợp có ý kiến khác thì báo cáo cơ quan thẩm định để thống nhất giải quyết.
c) Sản phẩm sau khi xuất bản phải gửi cho cơ quan thẩm định một (01) bộ để lưu trữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét