CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2020/NĐ-CP |
Hà Nội,
ngày 03 tháng 01 năm 2020 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29
tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Chính phủ ban hành Nghị định
sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày
15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ
quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều
17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định
về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
“Điều 17. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội
quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;
dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Việc bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội
quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư
mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm
ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng
đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương thực hiện như sau:
1. Bộ, ngành có dự án đầu
tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp
với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và
phải bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
Khung chính sách bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Diện tích từng loại đất
dự kiến thu hồi;
b) Số tổ chức, hộ gia đình,
cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;
c) Dự kiến mức bồi thường,
hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối
với từng loại đất, từng loại vị trí;
d) Phương án bố trí tái
định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư);
đ) Dự kiến tổng số tiền bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện;
e) Dự kiến tiến độ thực
hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
g) Dự kiến thời gian và kế
hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.
Khung chính sách bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung nêu trên cho toàn bộ dự
án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải
xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định tại Khoản
này phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung
đó.
2. Bộ Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm tra
khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định.
3. Căn cứ vào khung chính
sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến
chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư; tổ chức thực hiện và
quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu
tư”.
Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều
17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính
phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
2. Đối với dự án đầu tư
chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án
trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tổ chức thực hiện bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2020.
2. Các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát
các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái với quy định của Nghị định
này để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ.
3. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này./
|
TM. CHÍNH PHỦ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét