|
|
Số: 119/2010/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ
và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ
sung ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí
tuệ như sau:
1. Sửa đổi Điều 1
như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy
định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về việc
xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan
đến sở hữu trí tuệ, giám định sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí
tuệ.”
2. Sửa đổi khoản 1
Điều 14 như sau:
“Điều 14. Yếu
tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng
1. Yếu tố xâm phạm
quyền đối với giống cây trồng có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
a) Sử dụng vật
liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ để thực hiện các hành vi quy
định tại khoản 1 Điều 186 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không được phép của chủ
Bằng bảo hộ giống cây trồng;
b) Sử dụng vật
liệu nhân giống của các giống cây trồng quy định tại Điều 187 của Luật Sở hữu
trí tuệ;
c) Sử dụng tên của
một giống cây trồng cùng loài hoặc loài gần với loài của giống được bảo hộ mà
tên này trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên của giống cây trồng
được bảo hộ;
d) Quy định tại
điểm a, điểm b khoản này cũng áp dụng đối với vật liệu thu hoạch nếu chủ Bằng
bảo hộ giống cây trồng chưa có điều kiện hợp lý để thực hiện quyền của mình đối
với vật liệu nhân giống của cùng giống đó.”
3. Sửa đổi khoản 1
Điều 23 như sau:
“Điều 23. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
1. Người yêu cầu
xử lý xâm phạm phải gửi kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm các tài liệu, chứng
cứ sau đây để chứng minh yêu cầu của mình:
a) Chứng cứ chứng
minh là chủ thể quyền nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển
giao, được thừa kế, kế thừa quyền sở hữu trí tuệ;
b) Chứng cứ chứng
minh hành vi xâm phạm đã xảy ra; chứng cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải
quan;
c) Các tài liệu,
chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình.”
4. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 và khoản 2 Điều 24 như sau:
“Điều 24.
Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền
1. Đối với sáng
chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống
cây trồng, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản
ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đã được đăng ký, chứng cứ chứng
minh chủ thể quyền là một trong các loại tài sản sau đây:
a) Bản sao Bằng
độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng
công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký
nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực
theo quy định;
b) Bản trích lục
Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về
quyền tác giả, quyền liên quan; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về giống cây
trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp.
2. Đối với nhãn
hiệu được đăng ký quốc tế, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là bản sao giấy
Chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản
lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ
trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định.
5. Sửa đổi tên
Chương IV như sau:
“Chương IV. Xử
lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”
6. Sửa đổi khoản 1
và khoản 2 Điều 28 như sau:
“Điều 28. Xác định giá trị hàng hóa xâm phạm
1. Hàng hóa xâm
phạm được quy định như sau:
a) Hàng hóa xâm
phạm là bộ phận, chi tiết (sau đây gọi là phần) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm
phạm và có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập;
b) Trường hợp
không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành một phần của sản phẩm có thể lưu hành
độc lập theo quy định tại điểm a khoản này thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản
phẩm chứa yếu tố xâm phạm.
2. Giá trị hàng
hóa xâm phạm do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi
xâm phạm và dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Giá niêm yết
của hàng hóa xâm phạm;
b) Giá thực bán
của hàng hóa xâm phạm;
c) Giá thành của
hàng hóa xâm phạm, nếu chưa được lưu thông;
d) Giá nhập của
hàng hóa xâm phạm.”
7. Bãi bỏ Điều 33.
8. Sửa đổi khoản 1
Điều 36 như sau:
“Điều 36. Thủ tục xử lý đơn
1. Trong thời hạn
hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu hoặc trong thời hạn hai mươi tư giờ làm việc, kể từ thời
điểm nhận được đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan có
trách nhiệm xem xét, ra thông báo chấp nhận đơn, nếu người nộp đơn đã thực hiện
nghĩa vụ theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 217 của
Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp từ chối, cơ quan hải quan phải trả lời
bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu và nêu rõ lý do.”
9. Sửa đổi khoản
1, bổ sung khoản 3 Điều 39 như sau:
“Điều 39. Nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu trí tuệ
1. Giám định về sở
hữu trí tuệ bao gồm các nội dung sau đây:
a) Xác định phạm
vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 của Nghị
định này;
b) Xác định đối
tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và các điều từ Điều 7
đến Điều 14 của Nghị định này;
c) Xác định có hay
không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao
chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;
d) Xác định giá
trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.
3. Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ trong
lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều này thuộc phạm vi quản lý của mình.”
10. Sửa đổi, bổ
sung Điều 42 như sau:
“Điều 42. Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ
1. Các tổ chức quy
định tại khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ được hoạt động giám định bao
gồm:
a) Doanh nghiệp
được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã và
liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;
c) Đơn vị sự
nghiệp;
d) Các tổ chức
hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ
chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm
hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn
dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức
hành nghề luật sư nước ngoài.
2. Tổ chức giám
định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có ít nhất một
giám định viên sở hữu trí tuệ;
b) Có trụ sở,
trang thiết bị, phương tiện làm việc;
c) Có nguồn cơ sở
dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định.
3. Tổ chức giám
định sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực đã
đăng ký hoạt động.”
11. Sửa đổi, bổ
sung Điều 43 như sau:
“Điều 43. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ
1. Tổ chức giám
định sở hữu trí tuệ có các quyền sau đây:
a) Thuê giám định
viên sở hữu trí tuệ thực hiện giám định theo các vụ việc;
b) Đề nghị cơ
quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối
tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy
định khác;
c) Các quyền khác
theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức giám
định sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Hoạt động theo
đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng
nhận đăng ký hoạt động;
b) Bảo quản, lưu
trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc giám định;
c) Giữ bí mật các
thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu hoặc
trưng cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
d) Các nghĩa vụ
khác theo quy định của pháp luật.”
12. Sửa đổi, bổ
sung Điều 44 như sau:
“Điều 44. Giám định viên sở hữu trí tuệ
1. Giám định viên
sở hữu trí tuệ là người có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh
giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
2. Người đáp ứng
đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ thì
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên sở hữu
trí tuệ.
3. Giám định viên
sở hữu trí tuệ có các quyền sau đây:
a) Có thể hoạt
động trong 01 tổ chức giám định sở hữu trí tuệ dưới danh nghĩa của tổ chức đó
hoặc hoạt động độc lập;
b) Từ chối giám
định trong trường hợp tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa
ra kết luận giám định;
c) Sử dụng kết quả
thẩm định hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định;
d) Giám định viên
sở hữu trí tuệ hoạt động độc lập có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân
cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực
hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
đ) Các quyền khác
theo quy định của pháp luật.
4. Giám định viên
sở hữu trí tuệ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập hồ sơ giám
định, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan trưng cầu giám định; giải thích
kết luận giám định khi có yêu cầu;
b) Bảo quản các
hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
c) Độc lập đưa ra
kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình; nếu cố ý
đưa ra kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan
thì phải bồi thường thiệt hại;
d) Từ chối giám
định trong trường hợp giám định viên có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng
giám định, vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách
quan của kết luận giám định;
đ) Giữ bí mật các
thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu hoặc
trưng cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại
cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
e) Tuân theo các
quy định về trình tự, thủ tục giám định;
g) Các nghĩa vụ
khác theo quy định của pháp luật.”
13. Sửa đổi, bổ
sung khoản 3 Điều 50 như sau:
“Điều 50. Giám
định bổ sung, giám định lại
3. Trong trường
hợp có sự khác nhau giữa các kết luận giám định hoặc giữa kết luận giám định
với ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ về cùng
một vấn đề cần giám định thì người trưng cầu, yêu cầu giám định có thể tiếp tục
trưng cầu, yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện việc giám
định lại.
Trong trường hợp
cần thiết, cơ quan trưng cầu giám định có thể thành lập Hội đồng tư vấn để lấy
ý kiến chuyên môn về vấn đề cần giám định, gồm các chuyên gia, đại diện của các
cơ quan, tổ chức có liên quan.”
14. Sửa đổi khoản
1 Điều 51 như sau:
“Điều 51. Văn bản kết luận giám định
1. Văn bản kết
luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền giải
quyết vụ việc. Văn bản kết luận giám định không đưa ra kết luận về hành vi xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp.”
15. Bổ sung điểm e
vào khoản 1 Điều 55 như sau:
“Điều 55. Trách
nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
e) Xây dựng hệ
thống cơ sở dữ liệu, thiết lập mạng thông tin quốc gia về quản lý nhà nước về
sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”
16. Thay cụm từ:
“Bộ Văn hóa – Thông tin” bằng cụm từ: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tại
khoản 1 Điều 55, Điều 56, Điều 58, khoản 1 Điều 60 và khoản 1 Điều 63 của Nghị
định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở
hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2011.
Điều 3. Trách
nhiệm hướng dẫn thi hành
1. Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét