CHÍNH PHỦ Số: 200/2013/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH
CHI TIẾT ĐIỀU 11 LUẬT CÔNG ĐOÀN VỀ QUYỀN, TRÁCH NHIỆM
CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC, QUẢN LÝ KINH TẾ - XÃ HỘI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Điều 11 của Luật công
đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc tham gia quản lý nhà nước,
quản lý kinh tế - xã hội,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn
tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn
Việt Nam, gồm:
a) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
b) Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(sau đây viết tắt là công đoàn cấp tỉnh); công đoàn ngành Trung ương, công đoàn
tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây viết tắt là
công đoàn ngành Trung ương);
c) Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh; công đoàn giáo dục huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công đoàn
ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu
công nghệ cao; công đoàn tổng công ty trực thuộc công đoàn cấp tỉnh, công đoàn
ngành Trung ương; công đoàn cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc
Chính phủ, Quốc hội, Ban của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung
ương (sau đây viết tắt là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở);
d) Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn (sau đây viết tắt là công
đoàn cơ sở).
2. Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao
động (sau đây viết tắt là người lao động).
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và
các tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động (sau
đây viết tắt là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp).
Điều 3. Hình thức tham gia
Cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khi xây dựng chương trình,
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị, các chính
sách liên quan đến người lao động có trách nhiệm mời tổ chức công đoàn cùng cấp
tham gia theo các hình thức sau:
1. Tham gia ý kiến bằng văn bản với cơ quan, tổ chức và
doanh nghiệp liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động;
2. Tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên quan đến
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động do cơ quan, tổ chức và
doanh nghiệp tổ chức;
3. Tham gia với tư cách là thành viên các ủy ban, hội đồng
do các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thành lập để giải quyết những vấn đề
liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công
đoàn cùng cấp xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp công tác. Định kỳ
hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động phối hợp công tác của các bên và
xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chung.
2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp tôn trọng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
của người lao động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; thừa nhận tổ
chức công đoàn được thành lập và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn
hoạt động.
Chương 2.
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP
TRONG VIỆC THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC,
QUẢN LÝ KINH TẾ - XÃ HỘI
Điều 5. Quyền, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
1. Tham gia với các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương trong
việc xây dựng chính sách, pháp luật về đầu tư, dạy nghề, lao động, việc làm,
tiền lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất
nghiệp, an toàn lao động, vệ sinh lao động, thi đua - khen thưởng; quy chế dân
chủ ở cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp và các chính sách pháp luật khác có liên quan đến quyền,
trách nhiệm của tổ chức công đoàn, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của
người lao động. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc tham gia xây
dựng pháp luật; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động;
giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chế độ,
chính sách liên quan đến người lao động.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu và
kiến nghị với Nhà nước các chương trình ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật
bảo hộ lao động; tham gia xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng các chế độ, chính
sách, quy định về an toàn lao động, phòng bệnh nghề nghiệp, vệ sinh công
nghiệp, bảo vệ môi trường.
3. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng
dẫn và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của người lao động.
4. Tham gia thành viên chính thức Hội đồng tiền lương quốc
gia, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã
hội và các ủy ban, hội đồng quốc gia khác liên quan đến quyền, trách nhiệm của
công đoàn, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
5. Tham gia với cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động, tập thể lao động theo quy định
của pháp luật trong trường hợp đã giải quyết nhưng còn khiếu nại.
Điều 6. Quyền, trách nhiệm của công đoàn tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã
hội
1. Tham gia, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng pháp luật, chế độ chính sách; tuyên
truyền, vận động, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật cho người lao động;
tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và các chính
sách có liên quan trực tiếp đến công nhân, người lao động; tham gia điều tra
tai nạn lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn việc giải quyết tranh
chấp lao động; đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người
lao động theo quy định của pháp luật.
2. Tham gia với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trong quá trình xây dựng các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến đời sống, việc làm, điều kiện làm
việc của người lao động trên địa bàn.
3. Tham gia Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hướng dẫn,
tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của người lao động trên địa bàn.
4. Tham gia các hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Quyền, trách nhiệm của công đoàn ngành
Trung ương tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
1. Tham gia xây dựng pháp luật, chế độ, chính sách lao
động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế
độ, chính sách khác có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của
người lao động cùng ngành thuộc các thành phần kinh tế.
2. Tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động người lao động thực hiện chính sách
pháp luật cho người lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ,
chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi và giải quyết chế
độ, chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động phù hợp với
đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành, nghề.
3. Tham gia với các bộ, ngành về xây dựng chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của ngành.
4. Tham gia Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Bộ, Ban,
ngành; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các
phong trào thi đua yêu nước của người lao động theo đặc điểm của ngành.
5. Tham gia các hội đồng của Bộ, Ban, ngành thành lập có
liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thuộc
ngành theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp
trên trực tiếp cơ sở tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
1. Tham gia với cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý cùng cấp
về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến
việc làm, đời sống của người lao động thuộc phạm vi quản lý, chỉ đạo.
2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý cùng
cấp trong việc xây dựng pháp luật; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật
cho người lao động; vận động cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ứng dụng
khoa học, công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động vào sản xuất; xây dựng các tiêu
chuẩn, quy phạm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, vệ sinh
công nghiệp, bảo vệ môi trường.
3. Phối hợp cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý cùng cấp chỉ
đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp.
4. Phối hợp với cơ quan nhà nước, cơ quan quản lý cùng cấp
hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của người lao động thuộc
phạm vi quản lý, chỉ đạo.
5. Tham gia các ủy ban, hội đồng cùng cấp có liên quan đến
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp
luật.
Điều 9. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở
trong cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập tham gia quản lý cơ quan,
đơn vị
1. Phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ
chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng pháp
luật và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác; giáo dục, tuyên truyền, phổ
biến pháp luật cho người lao động; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của
người lao động thuộc phạm vi quản lý, chỉ đạo.
2. Tham gia với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
trong việc tổ chức, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng
cao chất lượng, hiệu quả công tác.
3. Tham gia với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cải
thiện điều kiện làm việc; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hài hòa
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
5. Phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị.
6. Tham gia các hội đồng xét, giải quyết các quyền lợi của
đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Điều 10. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở
trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tham gia quản lý doanh
nghiệp, đơn vị
1. Tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng
chính sách pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động thực hiện
chính sách pháp luật, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và các quyền, lợi ích
hợp pháp, chính đáng liên quan đến người lao động nhằm ổn định và phát triển
doanh nghiệp.
2. Tham gia với người sử dụng lao động thực hiện ứng dụng
khoa học, công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động; xây dựng các tiêu chuẩn, quy
phạm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, vệ sinh công
nghiệp, bảo vệ môi trường tại nơi làm việc.
3. Tham gia với người sử dụng lao động giải quyết kịp thời
các khiếu nại, tố cáo của người lao động theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia với người sử dụng lao động cải thiện điều kiện
làm việc; xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
5. Tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền, lợi
ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật.
6. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong
trào thi đua và thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp theo quy định của
pháp luật.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02
năm 2014.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn các cấp, các cơ quan,
tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này./.
Nơi
nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét