|
|
Số: 79/2008/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 7
năm 2008 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh
tra và kiểm nghiệm
về vệ sinh an toàn thực phẩm
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp
lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003;
Căn cứ Nghị
định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị
định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị
định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Xét đề nghị của
Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Y tế.
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này
quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn
thực phẩm từ trung ương đến địa phương.
2. Nghị định này
áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về vệ sinh
an toàn thực phẩm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức,
cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 2. Phạm vi
quản lý nhà nước của các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Bộ Y tế giúp
Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn
thực phẩm; chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực
phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước và nhập khẩu đã
thành thực phẩm lưu thông trên thị trường; làm Thường trực Ban Chỉ đạo liên
ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương và Ủy ban Luật Thực phẩm quốc
tế của Việt Nam (Codex Alimentarius Commission, Ủy ban Codex Việt Nam).
2. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh
an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thuỷ sản và muối trong quá trình sản xuất
từ khi trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ động vật, sơ chế,
chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển đến khi thực phẩm được đưa ra thị
trường nội địa hoặc xuất khẩu; vệ sinh an toàn trong nhập khẩu động vật, thực
vật, nguyên liệu dùng cho nuôi, trồng, chế biến hoặc tạm nhập tái xuất, tạm
xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường lãnh thổ Việt Nam.
3. Bộ Công thương
chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối
với sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất của các cơ sở chế biến
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ từ khi nhập nguyên liệu để chế biến, đóng
gói, bảo quản, vận chuyển đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc
xuất khẩu.
4. Bộ Khoa học và
Công nghệ thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực
phẩm, thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm để
các Bộ quản lý ngành ban hành; tham gia kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực
phẩm.
5. Bộ Tài nguyên
và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong
sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
6. Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh) quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp
và theo quy định của pháp luật.
Chương II
HỆ THỐNG TỔ
CHỨC QUẢN LÝ VỀ
AN TOÀN VỆ SINH
THỰC PHẨM
Điều 3. Các cơ
quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương
1. Cục An toàn vệ
sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước,
thực thi pháp luật và thực hiện thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này trên
phạm vi cả nước và sự phân công cụ thể của Bộ.
2. Cục Quản lý
chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà
nước, thực thi pháp luật và thực hiện thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm
trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này
trên phạm vi cả nước và sự phân công cụ thể của Bộ.
3. Vụ Khoa học và
Công nghệ thuộc Bộ Công thương tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này trên phạm vi cả nước
và sự phân công cụ thể của Bộ.
4. Tổng cục Tiêu
chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu giúp Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà
nước của Bộ quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định này trên phạm vi cả nước và
sự phân công cụ thể của Bộ.
5. Tổng cục Môi
trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường liên
quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ
quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này trên phạm vi cả nước và sự phân công
cụ thể của Bộ.
Điều 4. Các cơ
quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực
phẩm
1. Sở Y tế:
a) Tham mưu giúp
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm theo
phân cấp và theo quy định của pháp luật trên địa bàn cấp tỉnh; làm Thường trực
Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh;
b) Chi Cục An toàn
vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế giúp Giám đốc Sở thực thi pháp luật và
thực hiện thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp
tỉnh.
Chi Cục An toàn vệ
sinh thực phẩm chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục An toàn vệ
sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế;
c) Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên
chế của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước
cấp trên.
2. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn:
a) Tham mưu giúp
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa
bàn cấp tỉnh đối với ngành, lĩnh vực: nông, lâm, thuỷ sản và muối theo phân cấp
và theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình sản xuất từ khi nhập khẩu
động vật, thực vật, nguyên liệu (dùng cho nuôi, trồng, chế biến), nuôi, trồng,
thu hoạch, đánh bắt, khai thác, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến khi
thực phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu;
b) Chi Cục hoặc
Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Sở giúp Giám
đốc Sở thực thi pháp luật và thực hiện thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an
toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp
vụ của các Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên
chế của các tổ chức quy định tại điểm b khoản này theo hướng dẫn của cơ quan
nhà nước cấp trên.
3. Sở Công thương
tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực
phẩm trên địa bàn cấp tỉnh đối với các cơ sở chế biến thực phẩm ở địa phương
theo phân cấp và theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình sản xuất từ
khi nhập nguyên liệu để chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển đến khi thực
phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu.
4. Sở Khoa học và
Công nghệ:
a) Tham mưu giúp
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh;
b) Chi Cục Tiêu
chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ giúp Giám đốc Sở thực
hiện nhiệm vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và theo
hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
trên địa bàn cấp tỉnh.
5. Sở Tài nguyên
và Môi trường:
a) Tham mưu giúp
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các biện pháp kiểm soát môi trường trong
sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh;
b) Chi Cục Bảo vệ
môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm
vụ về kiểm soát môi trường trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn
cấp tỉnh theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ
của Tổng cục Môi trường.
Điều 5. Các cơ
quan giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý nhà
nước về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Phòng Y tế
thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi
chung là cấp huyện) tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về
vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp huyện.
2. Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện và Phòng Kinh tế ở các quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các quy
định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi, trồng,
thu hoạch, đánh bắt, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến khi thực phẩm
được đưa ra thị trường trên địa bàn cấp huyện.
3. Phòng Tài
nguyên và Môi trường tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các biện
pháp kiểm soát môi trường trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cấp
huyện.
Điều 6. Nhiệm
vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã)
1. Tổ chức thực
hiện kế hoạch, chương trình về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã
theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Tuyên truyền,
vận động và kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh
an toàn thực phẩm trong quá trình nuôi, trồng, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận
chuyển, lưu thông, sử dụng thực phẩm; vệ sinh thức ăn đường phố, chợ, khu du
lịch, lễ hội, quán ăn, nhà hàng trên địa bàn cấp xã.
3. Trạm y tế cấp
xã, cán bộ thú y, bảo vệ thực vật và các chức danh chuyên môn khác liên quan
giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm
trên địa bàn cấp xã theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
Chương III
TỔ CHỨC THANH
TRA VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều 7. Thanh
tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành y tế
1. Thanh tra vệ
sinh an toàn thực phẩm thuộc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (sau đây gọi tắt là
Thanh tra Cục) giúp Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính
và thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ Y tế.
2. Nội dung thanh
tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm:
a) Việc thực hiện
các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực
phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu được lưu thông trên thị trường;
b) Việc tuân thủ
điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với: thực phẩm có nguy cơ cao; thực
phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ và giới hạn liều chiếu xạ; thực
phẩm sử dụng công nghệ gien; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
và các thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người;
c) Việc tuân thủ
điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, sử dụng thực phẩm và vệ
sinh ăn uống đối với nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn tập thể, thức ăn
đường phố;
d) Việc tuân thủ
đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ
gia thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, thuốc lá điếu;
đ) Nội dung quảng
cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
e) Việc kiểm
nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Tổ chức của
Thanh tra Cục:
a) Thanh tra Cục
có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.
Chánh Thanh tra
Cục do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Cục
trưởng sau khi thống nhất ý kiến với Chánh Thanh tra Bộ. Phó Chánh Thanh tra do
Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra
Cục. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện theo quy định của
pháp luật;
b) Căn cứ quy định
của pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tổ chức, biên
chế, mối quan hệ công tác của Thanh tra Cục; quy định chế độ, chính sách, trang
phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, hình thức thanh tra, phương thức tiến hành
thanh tra và đảm bảo phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho Thanh tra viên.
Điều 8. Thanh
tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Cục Quản lý chất
lượng nông lâm sản và thuỷ sản và một số Cục liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn có tổ chức Thanh tra (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục),
giúp Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra
chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý nhà nước do Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục.
2. Nội dung thanh
tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn:
a) Việc áp dụng
các hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hành sản xuất tốt (Good
Manufacturing Practices - GMP), quy phạm thực hành nuôi trồng tốt (Good
Aquaculture Practices - GAP), quy tắc nuôi trồng có trách nhiệm (Code of
Conduct - CoC), thực hành vệ sinh tốt (Good Hygien Practices - GHP) và hệ thống
phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (Hazard Analysis and Critical
Control Point - HACCP) trong sản xuất, chế biến, vận chuyển và các hệ thống
quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm khác;
b) Tồn dư kháng
sinh, hoá chất độc hại và các tác nhân gây bệnh cho động vật, thực vật trong
nông sản, lâm sản, muối, thuỷ sản trước khi thu hoạch trong các khâu sơ chế,
bảo quản, chế biến, vận chuyển; kiểm soát giết mổ động vật và vệ sinh thú y;
c) Việc thực hiện
quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng và an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an
toàn môi trường trong sản xuất, bảo quản, chế biến trước khi lưu thông trên thị
trường;
d) Các điều kiện
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở, vùng nuôi trồng thuỷ sản, thu
hoạch, thu mua, vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ
sản và muối;
đ) Việc chứng nhận
về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp, lâm
nghiệp, thuỷ sản và muối nhập khẩu, sản phẩm sản xuất trong nước để chế biến,
xuất khẩu trước khi đưa ra tiêu thụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
e) Việc cấp Giấy
chứng nhận kiểm dịch cho các lô hàng (động vật sống hoặc sản phẩm động thực vật
có nguy cơ mang mầm bệnh) xuất khẩu, nhập khẩu dùng cho nuôi trồng, chế biến
hoặc tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường
lãnh thổ Việt Nam và chuyển vùng trong nước; kiểm tra việc nhập khẩu hoặc sản
xuất trong nước các loại thức ăn, thuốc thú y, phân bón, các loại hoá chất sử
dụng trong chăn nuôi, trồng trọt nông, lâm, thuỷ sản và muối theo phân cấp.
3. Tổ chức của
Thanh tra Cục:
a) Thanh tra Cục
có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.
Chánh Thanh tra
Cục do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức theo đề nghị của Cục trưởng sau khi thống nhất ý kiến với Chánh Thanh
tra Bộ. Phó Chánh Thanh tra do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo
đề nghị của Chánh Thanh tra Cục. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên được
thực hiện theo quy định của pháp luật;
b) Căn cứ quy định
của pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy
định cụ thể về tổ chức, biên chế, mối quan hệ công tác của Thanh tra Cục; quy
định chế độ, chính sách, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, hình thức
thanh tra, phương thức tiến hành thanh tra và đảm bảo phương tiện, thiết bị kỹ
thuật cho Thanh tra viên.
Điều 9. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Thanh tra Cục
1. Tham gia xây
dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và
thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
2. Rà soát, kiến
nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Thanh tra các
việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Quyết định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định
của pháp luật.
5. Hướng dẫn, bồi
dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cho thanh tra
chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tuyến; tuyên truyền, phổ biến các
văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm.
6. Thường trực
công tác tiếp công dân; phòng, chống tham nhũng của Cục theo quy định.
7. Thanh tra vụ
việc khác do Cục trưởng giao; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 10. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Cục
1. Lãnh đạo, chỉ
đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước do Cục chịu trách nhiệm.
2. Xây dựng chương
trình, kế hoạch thanh tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực
hiện chương trình, kế hoạch đó.
3. Kiến nghị Cục
trưởng xem xét, tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành
vi trái pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân
theo quy định khi có đủ căn cứ xác định hành vi đó gây thiệt hại đến lợi ích
nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc gây trở ngại cho công tác
thanh tra.
4. Kết luận về nội
dung thanh tra sau khi có báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra, trình
Cục trưởng quyết định xử lý sau thanh tra.
5. Giúp Cục trưởng
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý
về thanh tra của Thanh tra Cục và của các cơ quan khác liên quan.
6. Quyết định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định
của pháp luật.
7. Kiến nghị Cục
trưởng giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra. Báo cáo Chánh Thanh tra
Bộ về công tác thanh tra, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm của mình.
8. Thực hiện một
số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Thanh
tra Chi Cục
1. Chi Cục An toàn
vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế có Thanh tra, giúp Chi Cục trưởng thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của Chi Cục.
2. Chi Cục Quản lý
chất lượng nông lâm sản và thủy sản và một số Chi Cục liên quan thuộc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn có Thanh tra, giúp Chi Cục trưởng thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn
của Chi Cục. Đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thành lập
Chi Cục thì Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về vệ sinh
an toàn thực phẩm.
3. Thanh tra Chi
Cục có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên. Các chức danh
trên được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
4. Thanh tra Chi
Cục chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chi Cục trưởng, đồng thời chịu sự chỉ đạo,
hướng dẫn về công tác và nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Cục và
Thanh tra Sở.
5. Việc thành lập
Thanh tra Chi Cục do Giám đốc Sở quyết định theo đề nghị của Chi Cục trưởng sau
khi thống nhất với Chánh Thanh tra Sở.
Điều 12. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Thanh tra Chi Cục
1. Thanh tra việc
chấp hành các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện sản xuất,
kinh doanh thực phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà
nước của Chi Cục.
2. Xử phạt vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Giúp Chi Cục
trưởng hướng dẫn, thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm
quyền của Chi Cục trưởng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Chi Cục.
4. Báo cáo kết quả
thanh tra, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc
phạm vi quản lý của Chi Cục theo quy định.
5. Thanh tra vụ
việc khác do Giám đốc Sở và Chi Cục trưởng giao.
Điều 13. Nhiệm
vụ, quyền hạn Chánh Thanh tra Chi Cục
1. Chỉ đạo công
tác thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý của Chi Cục.
2. Xây dựng kế
hoạch thanh tra để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Trình Chi Cục
trưởng đề nghị Giám đốc Sở quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu
vi phạm pháp luật về lĩnh vực do Chi Cục quản lý.
4. Xử phạt vi phạm
hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo Chi Cục
trưởng, Giám đốc Sở về công tác thanh tra, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng, chống tham nhũng trong phạm vi, trách nhiệm của mình.
Điều 14. Thanh
tra viên
1. Thanh tra viên
là công chức nhà nước, được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ
thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành tại cơ quan Thanh tra vệ sinh an
toàn thực phẩm. Các công chức chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm được bồi
dưỡng nghiệp vụ về thanh tra, đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm làm thanh tra viên
kiêm nhiệm.
2. Thanh tra viên
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 40 và Điều 50 của Luật Thanh
tra và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra viên
được tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ thanh tra viên và hưởng chế độ,
chính sách theo quy định của pháp luật.
4. Ngoài những quy
định chung về điều kiện, tiêu chuẩn của Thanh tra viên theo quy định của Luật
Thanh tra, Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ
về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, Thanh tra viên phải đáp ứng các
điều kiện, tiêu chuẩn khác phù hợp với ngành, lĩnh vực do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Điều 15. Cộng
tác viên thanh tra
1. Cộng tác viên
thanh tra là người được trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Chánh
Thanh tra các cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện
nhiệm vụ thanh tra.
2. Cộng tác viên
thanh tra phải có phẩm chất chính trị tốt; có ý thức trách nhiệm, trung thực,
khách quan, công minh; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ
thanh tra.
3. Cộng tác viên
được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Điều 19 Nghị định số
100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về thanh tra viên, cộng
tác viên thanh tra và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Điều 16. Thí
điểm tổ chức thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và cấp xã,
phường, thị trấn
Bộ Nội vụ chủ trì,
phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo, trình
Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009 dự thảo Quyết định thí điểm thành lập Thanh
tra vệ sinh an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và cấp xã, phường, thị trấn tại
thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương khác.
Chương IV
HỆ THỐNG TỔ
CHỨC KIỂM NGHIỆM VỀ AN TOÀN
VỆ SINH THỰC PHẨM
Điều 17. Hệ
thống tổ chức kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm
1. Thành lập Viện
Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở
Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Viện Dinh dưỡng.
Viện Kiểm nghiệm
an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện nhiệm vụ trọng tài và đánh giá
năng lực các phòng kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn quốc;
kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm khu vực phía Bắc; kiểm nghiệm các chỉ
tiêu khó, phức tạp vượt quá khả năng kỹ thuật của các địa phương; đào tạo, huấn
luyện, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và
đánh giá nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Thành lập các
Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực trên phạm vi cả nước;
trước mắt là các Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực theo
quy định tại điểm b khoản 2 Mục II Chương trình hành động của Chính phủ thực
hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công
tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới ban hành
kèm theo Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ.
3. Các phòng,
Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học
và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nhà nước và kiểm nghiệm về vệ
sinh an toàn thực phẩm; dịch vụ kiểm nghiệm cho các tổ chức, cá nhân trong phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ.
4. Các phòng xét
nghiệm của các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ
phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế, các phòng xét nghiệm của
Trung tâm Y tế cấp huyện, nếu đủ điều kiện theo quy định được thực hiện nhiệm
vụ kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch vụ
kiểm nghiệm cho các tổ chức, cá nhân.
5. Các trung tâm
kiểm nghiệm, các phòng xét nghiệm của các viện nghiên cứu khoa học, các đại
học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, các phòng xét nghiệm tư nhân có
đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm về
vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ VÀ
ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
Điều 18. Trách
nhiệm của các Bộ
1. Bộ Y tế:
a) Trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc
gia theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này;
b) Quyết định
thành lập theo thẩm quyền và quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu
tổ chức và biên chế của các Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu
vực quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này;
c) Hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ đối với Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế
và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm vệ
sinh an toàn thực phẩm;
d) Quy định các
điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tiêu chuẩn về năng lực cán bộ,
viên chức của các tổ chức được hoạt động dịch vụ kiểm nghiệm, xét nghiệm vệ
sinh an toàn thực phẩm;
đ) Phối hợp với Bộ
Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho các hoạt động
quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm để Bộ Tài
chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành;
e) Chủ trì, phối
hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ,
công chức của các tổ chức quản lý, kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực
phẩm trong cả nước.
2. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn:
a) Hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ đối với Chi Cục hoặc Phòng Quản lý chất lượng nông lâm
sản và thủy sản và một số Chi Cục liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ, công chức, viên chức làm công
tác quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm;
b) Quy định việc
quản lý công tác kiểm nghiệm của các tổ chức kiểm nghiệm thuộc ngành nông
nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Bộ Công thương:
a) Chủ trì, phối
hợp với Bộ Y tế hướng dẫn Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ thực hiện
các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ;
b) Hướng dẫn, chỉ
đạo tổ chức quản lý thị trường các cấp phối hợp với các tổ chức quản lý nhà
nước chuyên ngành trong việc kiểm tra, thanh tra các quy định của pháp luật về
vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Bộ Khoa học và
Công nghệ:
Chỉ đạo Tổng cục
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên
ngành trong việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Bộ Tài nguyên
và Môi trường:
Chỉ đạo Tổng cục
Môi trường tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong
sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
6. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối
hợp với Bộ Y tế và các Bộ liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính cho các hoạt động quản lý
thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm;
b) Chỉ đạo Tổng
cục Hải quan phối hợp với các tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện
các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật, thực
vật, thực phẩm và phụ gia thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất,
tạm xuất tái nhập, quá cảnh, mượn đường.
7. Thanh tra Chính
phủ:
Chủ trì, phối hợp
với Bộ Y tế hướng dẫn về trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu, thẻ thanh
tra viên và quy trình, thủ tục bổ nhiệm thanh tra viên vệ sinh an toàn thực
phẩm.
8. Bộ Nội vụ:
Giao biên chế hành
chính làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 19. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Kiện toàn tổ
chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa
bàn cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này.
2. Đảm bảo biên
chế cho các tổ chức làm nhiệm vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương.
3. Chỉ đạo các cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện,
cấp xã thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác
liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc phạm vi trách nhiệm của địa
phương.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 20. Hiệu
lực thi hành
1. Nghị định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bãi bỏ các quy
định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 21. Trách
nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Nghị
định này./.
TM. CHÍNH PHỦ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét