HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN Số: 01/2019/NQ-HĐTP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LÃI, LÃI SUẤT, PHẠT VI PHẠM
--------------------------------
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm
2014;
Để áp dụng đúng và thống nhất quy định của pháp luật về
lãi, lãi suất, phạt vi phạm;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ
trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp
luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng vay tài sản; lãi suất trung
bình trên thị trường; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa
án.
Hợp đồng vay tài sản hướng dẫn trong Nghị quyết này bao
gồm hợp đồng cho vay tài sản là tiền giữa tổ chức tín dụng với khách hàng (sau
đây gọi là hợp đồng tín dụng) và hợp đồng vay tài sản là tiền giữa cá nhân,
pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng với nhau (sau đây gọi là hợp đồng vay
tài sản không phải là hợp đồng tín dụng).
1. Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng
được xác lập trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 bắt đầu có
hiệu lực) thì việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất xác định như sau:
a) Hợp đồng được thực hiện xong là hợp đồng mà các bên đã
hoàn thành xong các quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác
phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định.
Hợp đồng được thực hiện xong trước ngày 01-01-2017 mà có
tranh chấp thì áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày
14-6-2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp
luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải
quyết;
Ví dụ 1: Ngày 20-12-2015, ông A ký hợp đồng cho bà B vay
10.000.000.000 đồng, thời hạn vay 01 năm, lãi suất thỏa thuận là 18%/năm; hợp
đồng có hiệu lực và bà B đã trả xong nợ gốc và lãi theo đúng thỏa thuận trong
hợp đồng. Ngày 20-02-2018, bà B khởi kiện yêu cầu ông A trả lại tiền lãi do mức
lãi suất vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày
29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quy định mức lãi suất cơ bản là
9%/năm, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm). Trường hợp này,
Tòa án phải áp dụng Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để
xác định lãi suất, lãi suất vượt quá.
b) Hợp đồng chưa được thực hiện là hợp đồng mà các bên
chưa phải thực hiện quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác
phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định.
Hợp đồng chưa được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với
quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự
năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ
luật Dân sự năm 2015 để giải quyết; trường hợp lãi, lãi suất không phù hợp với
quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự
năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về việc thi
hành Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn
áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết, trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi, lãi suất phù hợp với Bộ luật Dân sự năm
2015 và để áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
c) Hợp đồng đang được thực hiện là hợp đồng mà các bên
chưa thực hiện xong quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác
phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định.
Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất không phù
hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật
Dân sự năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về việc
thi hành Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng
dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.
Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất phù hợp với
quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc áp dụng pháp luật để xác định
lãi, lãi suất như sau:
Đối với khoảng thời gian trước ngày 01-01-2006 thì áp
dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị quyết ngày 28-10-1995 của Quốc
hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn
áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995.
Đối với khoảng thời gian từ ngày 01-01-2006 đến trước
ngày 01-01-2017 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị quyết số
45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và văn
bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm
2005.
Đối với khoảng thời gian từ ngày 01-01-2017 thì áp dụng
quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi
tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ví dụ 2: Ngày 01-01-2003, ông A cho bà B vay 100.000.000
đồng (hợp đồng vay không kỳ hạn), lãi suất thỏa thuận là 18%/năm. Ngày
01-01-2018, ông A khởi kiện yêu cầu bà B trả gốc và lãi theo hợp đồng. Trường
hợp này, từ ngày 01-01-2003 đến trước ngày 01-01-2006, Tòa án áp dụng Điều 473 của Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản quy phạm
pháp luật hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 để xác định lãi, lãi suất;
từ ngày 01-01-2006 đến trước ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng Điều
476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 để xác định lãi, lãi suất; kể từ ngày
01-01-2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm, Tòa án áp dụng Điều 468
của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.
2. Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng
được xác lập kể từ ngày 01-01-2017 thì áp dụng quy định về lãi, lãi suất của Bộ
luật Dân sự năm 2015 và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn
áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.
3. Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng
có lãi, lãi suất phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng dẫn tại
khoản 1 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Mức lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất
giới hạn quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ví dụ 3: Ngày 20-01-2016, ông A ký hợp đồng cho bà B vay
100.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận là 18%/năm. Mức lãi suất 18%/năm không
vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại Điều 468 của Bộ luật
Dân sự năm 2015 nên thỏa thuận này phù hợp quy định của Bộ luật Dân sự năm
2015.
b) Lãi, lãi suất theo thỏa thuận được Bộ luật Dân sự năm
2015 quy định nhưng không được pháp luật trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có
hiệu lực thi hành quy định.
Ví dụ 4: Ngày 20-01-2016, ông A ký hợp đồng cho bà B vay
100.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận là 18%/năm, lãi trên nợ lãi theo mức lãi
suất là 0,1%/năm. Thỏa thuận lãi trên nợ lãi là nội dung không được Bộ luật Dân
sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi
tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy
định nhưng được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nên thỏa thuận lãi trên nợ lãi
là phù hợp quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
c) Lãi, lãi suất, được Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định
nhưng pháp luật trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành quy
định khác.
Ví dụ 5: Ngày 20-01-2016, ông A ký hợp đồng cho bà B vay
100.000.000 đồng không có lãi, thời hạn vay là 03 năm. Trường hợp các bên không
có thỏa thuận về việc trả lãi đối với nợ gốc quá hạn thì việc tính lãi đối với
nợ gốc quá hạn chưa trả từ ngày tiếp theo của ngày đến hạn trả nợ (ngày
21-01-2019) là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng xác
lập trước ngày 01-01-2006 thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 theo
hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi
suất trong hợp đồng được xác định như sau:
1. Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không
trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có nghĩa vụ trả lãi trên nợ gốc quá
hạn theo lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời
điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả, nếu các bên có thỏa thuận về việc
trả lãi đối với nợ gốc quá hạn.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn
chưa trả) x (lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại
thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc).
2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả
hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa
thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước
quy định đối với loại cho vay tương ứng tại thời điểm xác lập hợp đồng tương
ứng với thời gian vay chưa trả lãi. Trường hợp các bên không xác định rõ lãi
suất thì áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định
tại thời điểm trả nợ.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa
trả) x (lãi suất theo thỏa thuận) hoặc (lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân
hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi);
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo lãi suất tiết
kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả nợ tương ứng
với thời gian chậm trả.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn
chưa trả) x (lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại
thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc);
3. Khi xác định lãi, lãi suất theo hướng dẫn tại khoản 1
và khoản 2 Điều này thì Tòa án không được tính lãi trên nợ lãi chưa trả.
Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng xác
lập trước ngày 01-01-2017 thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 theo
hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi
suất trong hợp đồng được xác định như sau:
1. Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không
trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có nghĩa vụ trả lãi trên nợ gốc quá
hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ
tương ứng với thời gian chậm trả, nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi đối
với nợ gốc quá hạn.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn
chưa trả) x (lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm trả
nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc).
2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả
hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa
thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố
tại thời điểm xác lập hợp đồng tương ứng với thời gian vay chưa trả lãi. Trường
hợp các bên không xác định rõ lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa
trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước
công bố tại thời điểm xác lập hợp đồng) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ
gốc);
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo lãi suất cơ bản
do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm
trả.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn
chưa trả) x (lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả
nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc);
3. Khi xác định lãi, lãi suất theo hướng dẫn tại khoản 1
và khoản 2 Điều này, Tòa án không được tính lãi trên nợ lãi chưa trả.
Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng xác
lập kể từ ngày 01-01-2017 hoặc xác lập trước ngày 01-01-2017 nhưng thuộc trường
hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết này
thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng được xác định
như sau:
1. Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không
trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định
bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm
trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn
chưa trả) x (lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ
luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc);
2. Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả
hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa
thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1
Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn vay chưa trả
lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa
thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi
suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản
1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa
trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả
nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).
b) Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn
phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2
Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với
thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (lãi
suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015
tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc);
c) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi
suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả,
trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên
thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản
1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn
chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên
thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).
Điều 6. Xác định thời điểm xét xử sơ
thẩm và thời gian chậm trả
1. “Thời điểm xét xử sơ thẩm” hướng dẫn tại Nghị quyết
này là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc
ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại.
2. “Thời điểm trả nợ” hướng dẫn tại các điều 3, 4 và 5
Nghị quyết này là thời điểm xét xử sơ thẩm.
3. “Thời gian chậm trả” hướng dẫn tại các điều 3, 4 và 5
Nghị quyết này được xác định như sau:
a) Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm
trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý”
đến thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều
474 của Bộ luật Dân sự năm 1995, Điều 477 của Bộ luật Dân
sự năm 2005, Điều 469 của Bộ luật Dân sự năm 2015 do
Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá
03 tháng kể từ ngày thông báo;
b) Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn thì thời gian chậm trả
nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết kỳ hạn vay đến thời
điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
c) Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc chưa trả bắt
đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời
điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều 7. Áp dụng pháp luật về lãi, lãi
suất trong hợp đồng tín dụng
1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa
thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản
quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín
dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.
2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp
dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy
định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà
không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ
luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.
Điều 8. Xác định lãi, lãi suất trong
hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm
1. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp
đồng tín dụng xác lập trước ngày 01-01-2017 được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo
lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và
văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng
tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn
vay chưa trả.
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo
thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn
bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại
thời điểm xác lập hợp đồng.
2. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp
đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01-01-2017 được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định
theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên
nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo
mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá
mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả
lãi trên nợ gốc trong hạn.
3. Thời gian chậm trả tiền nợ gốc bắt đầu kể từ ngày
chuyển nợ quá hạn đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận khác.
4. Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc bắt đầu kể từ
ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời điểm xét xử
sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều 9. Xử lý thỏa thuận về lãi, lãi
suất cao hơn mức lãi, lãi suất được pháp luật quy định
Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên
nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc
quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi
trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số
tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi
quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi
đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay.
Điều 10. Điều chỉnh lãi, lãi suất
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi,
lãi suất cho vay thì lãi, lãi suất cho vay được xác định theo thỏa thuận của
các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi, lãi suất có hiệu lực tại
thời điểm điều chỉnh lãi, lãi suất.
Điều 11. Xác định lãi suất trung bình
quy định tại Điều 306 của Luật
Thương mại năm 2005
Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi
suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá
hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân
hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công
thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có
trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán
(thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp
các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều 12. Xử lý việc không trả nợ đúng
hạn trong hợp đồng vay tài sản
1. Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành
vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên
tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn.
2. Hợp đồng vay tài sản vừa có thỏa thuận phạt vi phạm,
vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với
hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng
của Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy
định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng tại
thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử
lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 1
Điều này.
Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất
trong bản án, quyết định của Tòa án
1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân
sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết
định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi
hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết
định) như sau:
a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp
đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp
theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án
còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất
các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có
thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
b) Đối với trường hợp khoản tiền phải thu nộp vào ngân
sách Nhà nước mà pháp luật có quy định nghĩa vụ trả lãi; hoặc khoản tiền bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng; hoặc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài
sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi
thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các
trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án)
hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với
các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án
xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải
thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468
của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. “Mức lãi suất hai bên thỏa thuận” hướng dẫn tại khoản
1 điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc
tại Tòa án. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn
thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn.
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao thông qua ngày 11 tháng 01 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 15 tháng 3 năm 2019.
2. Đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân
sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ
lý trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực nhưng kể từ ngày Nghị quyết này có
hiệu lực mới xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng
Nghị quyết này để giải quyết.
3.
Đối với những vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình,
kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý giải quyết và bản án,
quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có
hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị
theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trừ trường hợp bản án, quyết định của Tòa
án bị kháng nghị theo căn cứ khác.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét