HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN Số: 02/2020/NQ-HĐTP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2020 |
NGHỊ
QUYẾT
Hướng dẫn áp dụng một
số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự
___________
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa
án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Để áp dụng đúng và
thống nhất một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố
tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT
NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định
về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13
ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự).
Điều 2. Về việc áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng
dân sự
1. Đương sự, người đại diện hợp pháp của
đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187
của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu Tòa
án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của
Bộ luật Tố tụng dân sự trong những trường hợp sau đây:
a) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp
bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết
mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống,
tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;
Ví dụ: A gây thương tích cho B. Tòa án
đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. B
cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B yêu cầu Tòa án áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc A thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi
thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
b) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ
án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu
thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau
này khó có thể thu thập được;
Ví dụ: A khởi kiện tranh chấp ranh giới
bất động sản liền kề với B, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B giữ nguyên hiện
trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời.
c) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh
gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng
có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;
Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, người vợ đứng
tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc
giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.
d) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc
thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều
kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện
để thi hành án.
Ví dụ: A là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án
buộc B phải trả cho A 1.000.000.000 đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành
án nên A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản
thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900.000.000 đồng.
2. Đối với vụ án có áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời, trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán
được phân công giải quyết vụ án phải theo dõi, xem xét về việc thay đổi, hủy bỏ
biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng khi có một trong các căn cứ quy định tại
các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết
vụ án mà có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán
được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời.
3. Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời trong giải quyết việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật
Tố tụng dân sự.
4. Trường hợp xét đơn yêu cầu công nhận
và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà
người yêu cầu có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án
nhân dân đang thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản
6 Điều 438 của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết.
Điều 3. Về việc áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện quy định tại
khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Khi có một trong các căn cứ sau đây,
đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy
định tại Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có
quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự:
a) Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được
giải quyết ngay, không chậm trễ;
b) Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường
hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có
thể thu thập được;
c) Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể
xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).
2. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện
và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Bộ
luật Tố tụng dân sự.
3. Trường hợp đơn khởi kiện thuộc thẩm
quyền giải quyết của Tòa án khác thì Tòa án đã nhận đơn khởi kiện chuyển ngay
hồ sơ khởi kiện và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Tòa án
có thẩm quyền giải quyết.
4. Trường hợp đơn khởi kiện đã có các
nội dung để xác định việc thụ lý và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của
Tòa án nhận đơn nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác thì Tòa án
thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay theo quy
định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 11
Nghị quyết này. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án
được thực hiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 195 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 4. Những trường
hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động.
Ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời phong tỏa toàn bộ tài khoản duy nhất của doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp
bị ngừng hoạt động.
2. Việc áp dụng biện pháp cấm chuyển
dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, biện pháp phong tỏa tài
sản của người có nghĩa vụ quy định tại khoản 7 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật
Tố tụng dân sự đối với tài sản là:
a) Tài sản được dùng để bảo đảm thực
hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người
thứ ba theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng
11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Dân sự), trừ trường hợp người yêu cầu
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm;
b) Tài sản đã được tổ chức bán đấu giá
và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá,
trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc
đương sự có thỏa thuận khác.
3. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài
khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác quy định tại khoản 10 Điều 114 của
Bộ luật Tố tụng dân sự đối với tài khoản được doanh nghiệp sử dụng để thanh
toán nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng.
4. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản bị cấm lưu thông theo quy
định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;
b) Tài sản của cá nhân gồm: Lương thực
đáp ứng nhu cầu thiết yếu; thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh; vật dụng cần
thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng
thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị
không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống thiết yếu của người bị áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồ dùng sinh hoạt thiết yếu;
c) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã,
cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh
cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa
ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương
tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh
doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng,
chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Điều 5. Về việc Tòa án
tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 3
Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời đó liên quan đến vụ án đang giải quyết;
b) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và thuộc trường hợp quy
định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 và các điều từ Điều 115 đến Điều
119 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
c) Đương sự không làm đơn yêu cầu áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách
quan.
Ví dụ: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp
dưỡng” quy định tại khoản 2 Điều 114 và Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi
có đầy đủ các điều kiện sau đây: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu
cấp dưỡng; xét thấy việc cấp dưỡng đó là có căn cứ; nếu không thực hiện trước
ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người
được cấp dưỡng và đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Tòa
án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Khi tự mình ra quyết định áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại
điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cần phải căn cứ vào các
quy định của pháp luật liên quan để ra quyết định.
Ví dụ: Trong vụ án xác định cha cho con,
nguyên đơn yêu cầu Tòa án xác định ông A là cha cháu C (12 tuổi), mẹ cháu C mất
năng lực hành vi dân sự, cháu C không có ai nuôi dưỡng, chăm sóc, không có
người thân thích. Bà D có đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự
tự nguyện đảm nhận việc giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời giao cháu C cho bà D nuôi dưỡng, chăm sóc trong quá trình Tòa án
giải quyết vụ án.
Điều 6. Về việc áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều
113 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời phải ghi rõ trong đơn về biện pháp khẩn cấp tạm thời cần áp dụng
theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp đơn yêu cầu
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ghi không cụ thể, không chính xác biện pháp
khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng thì Tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu
cầu.
2. Tòa án ra quyết định áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ
chức, cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ghi trong đơn yêu
cầu.
Ví dụ: Anh A có đơn yêu cầu Tòa án áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản là ngôi nhà X của ông B nhưng
Tòa án lại ra quyết định phong tỏa tài sản Y của ông B ở nơi gửi giữ.
3. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức,
cá nhân là trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá về phạm vi,
quy mô, số lượng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ghi trong đơn yêu cầu.
Ví dụ: Công ty C có đơn yêu cầu Tòa án
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa số tiền một tỷ đồng trong tài
khoản của công ty D tại ngân hàng Z, nhưng Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời phong tỏa một tỷ đồng trong tài khoản của công ty D và áp dụng bổ sung
biện pháp phong tỏa tài sản Y của công ty D tại nơi gửi giữ.
4. Trường hợp đương sự thay đổi yêu cầu
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án yêu cầu họ phải làm đơn yêu cầu
bổ sung. Thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác
được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 7. Về việc kê biên
tài sản đang tranh chấp theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Tố tụng dân sự
Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp khi có đủ các căn cứ sau đây:
1. Tài sản đang tranh chấp là đối tượng
của quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang thụ lý giải quyết;
2. Có tài liệu, chứng cứ chứng minh
người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đó.
Ví dụ: Có vi bằng của Thừa phát lại xác
định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.
Điều 8. Về việc cấm
hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định quy định tại Điều 127 của Bộ luật Tố tụng
dân sự
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được thực hiện trong các trường hợp
sau đây:
1. Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án
là trường hợp đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không
thực hiện một hoặc một số hành vi cản trở quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ
hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.
Ví dụ: Khi xem xét, thẩm định tại chỗ,
bị đơn là ông B khóa cửa không cho vào thẩm định. Theo yêu cầu của nguyên đơn
thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp buộc ông B mở cửa để xem xét, thẩm định tại
chỗ.
2. Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp
pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết là
trường hợp người bị ảnh hưởng không phải là đương sự trong vụ án nhưng việc
thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi của đương sự hoặc cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người đó.
Điều 9. Về cấm xuất
cảnh đối với người có nghĩa vụ quy định tại Điều 128 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời cấm xuất cảnh được áp dụng khi có đủ hai căn cứ sau đây:
a) Người bị áp dụng biện pháp cấm xuất
cảnh là đương sự đang bị đương sự khác yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện
nghĩa vụ;
b) Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến
việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Ví dụ: Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ
án, ông A khởi kiện yêu cầu ông B bồi thường mười tỷ đồng, ông B không có người
đại diện, không có tài sản ở Việt Nam. Ông B làm thủ tục xuất cảnh nên ông A
yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông B.
2. Đối với người nước ngoài thì Tòa án
không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa
vụ mà áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải
tỏa tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 28, Điều 29 của Luật Nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 10. Về thủ tục áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Tố
tụng dân sự
1. Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải
xem xét đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Nếu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời chưa đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 133 của Bộ luật Tố
tụng dân sự, Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu chứng cứ để chứng minh
cho yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu
họ cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm
nhận được yêu cầu của Thẩm phán. Thẩm phán cũng có thể hỏi thêm ý kiến của họ.
Thẩm phán có thể yêu cầu người bị áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày ý kiến trước khi ra quyết định nếu
việc trình bày đó bảo đảm cho việc ra quyết định đúng đắn và không làm ảnh
hưởng đến việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm
phán không được yêu cầu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày
ý kiến trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của
chủ thể quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 2 Điều 206 của Luật Sở hữu
trí tuệ;
b) Sau khi xem xét đơn yêu cầu, các tài
liệu, chứng cứ và nghe trình bày của người yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời (nếu có), nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 9, 12, 13, 14 và 17 Điều 114 của
Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời; nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định
tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm
phán buộc người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Ngay sau khi người đó
xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản
1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn
yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử
xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án, tùy từng trường hợp mà Hội đồng
xét xử giải quyết như sau:
a) Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm
thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
b) Nếu có căn cứ áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời và người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét
xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người đó xuất
trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1
Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
c) Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho
sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử
tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 của Bộ luật Tố
tụng dân sự trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu cung cấp
bổ sung chứng cứ;
d) Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người
yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Điều 11. Về thủ tục
giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn
khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp nhận được đơn yêu cầu áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật
Tố tụng dân sự ngoài giờ làm việc (kể cả ngày nghỉ), người tiếp nhận đơn phải
báo cáo ngay với Chánh án Tòa án. Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán
thụ lý giải quyết đơn.
2. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời
điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải
xem xét đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo để xác định yêu cầu khởi kiện có
thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án đã nhận đơn hay không. Trường hợp
yêu cầu khởi kiện thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Nghị
quyết này. Trường hợp yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn
khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các chứng cứ kèm
theo cho họ.
Điều 12. Về xác định
giá trị tương đương khi phong tỏa tài khoản, tài sản quy định tại khoản 4 Điều
133 của Bộ luật Tố tụng dân sự
Khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
quy định tại Điều 124 và Điều 125 của Bộ luật Tố tụng dân sự cần phân biệt như
sau:
1. Việc xác định nghĩa vụ tài sản mà
người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ thực hiện phải căn cứ
theo đơn khởi kiện, đơn phản tố của bị đơn và đơn yêu cầu độc lập của người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
2. Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản,
tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị
phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách
nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định
giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng
cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời;
3. Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong
tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản)
có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án giải thích cho người
yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn
cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.
Điều 13. Về buộc thực
hiện biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử chỉ ra
quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi người yêu cầu đã thực hiện
xong biện pháp bảo đảm tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc Tòa án. Quyết định
buộc thực hiện biện pháp bảo đảm của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử có hiệu lực
thi hành ngay.
2. Để ấn định một khoản tiền, kim khí
quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể
phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng
thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương
đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính
của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ
rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài
sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
3. Việc dự kiến và tạm tính thiệt hại
thực tế có thể xảy ra tùy thuộc vào từng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể,
từng trường hợp cụ thể và được thực hiện như sau:
a) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử đề
nghị người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dự kiến và tạm tính
thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Trường hợp hỏi ý kiến của người bị áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết này
thì đề nghị họ dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra;
b) Dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế
có thể xảy ra phải được lập thành văn bản, trong đó cần nêu rõ các khoản thiệt
hại và mức thiệt hại có thể xảy ra, các căn cứ, cơ sở của việc dự kiến và tạm
tính đó; nếu tại phiên tòa thì không phải lập thành văn bản nhưng phải ghi vào
biên bản phiên tòa;
c) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử xem
xét các dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra, căn cứ vào các quy
định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để ấn định một khoản tiền,
kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm.
Ví dụ: Anh A đang chiếm giữ một chiếc xe
ôtô tải, anh B cho rằng chiếc xe đó thuộc sở hữu của hai người (A và B). Anh B
cho rằng anh A có ý định bán chiếc xe ôtô đó nên đề nghị Tòa án áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp là chiếc xe ôtô tải. Sau
khi anh A dự kiến, tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra do áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời không đúng (nếu sau này Tòa án quyết định chiếc xe ôtô
đó thuộc quyền sở hữu của anh A), việc ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá
quý hoặc giấy tờ có giá phải tùy từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp anh B có căn cứ cho rằng anh
A bán chiếc xe ôtô đó (có bản sao hợp đồng mua bán) thì căn cứ vào hợp đồng mua
bán, các quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán để ấn định. Giả sử trong
hợp đồng có tiền đặt cọc mà quá hạn không giao ôtô thì bên mua không mua, bên
bán phải trả cho bên mua tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu
ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì thiệt hại thực tế có thể
xảy ra chỉ là khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên được giao cho người
thứ ba bảo quản thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra còn bao gồm tiền trả thù
lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai
thác công dụng ôtô.
Trường hợp anh B chỉ có các thông tin là
anh A đang muốn bán ôtô và ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba quản lý
thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra bao gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi
phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô;
nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì có thể không có
thiệt hại thực tế xảy ra.
Điều 14. Về buộc thực
hiện biện pháp bảo đảm là khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá
quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Về nguyên tắc chung, khoản tiền, kim
khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại
ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời. Trường hợp nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời có nhiều ngân hàng, thì người phải thực hiện biện pháp bảo đảm được
lựa chọn một ngân hàng trong số các ngân hàng đó và thông báo tên, địa chỉ của
ngân hàng mà mình lựa chọn cho Tòa án biết để ra quyết định thực hiện biện pháp
bảo đảm.
Trường hợp người phải thực hiện biện
pháp bảo đảm có tài khoản hoặc có khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có
giá gửi tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời mà họ đề nghị Tòa án phong tỏa một phần tài khoản hoặc một
phần tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng đó tương đương
với nghĩa vụ tài sản của họ thì Tòa án chấp nhận.
2. Thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm
được phân biệt như sau:
a) Đối với trường hợp quy định tại khoản
1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu trong giai đoạn từ khi thụ lý vụ án
đến trước khi mở phiên tòa, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm là 02 ngày làm
việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm.
Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó có thể dài hơn, nhưng trong mọi
trường hợp phải được thực hiện trước ngày Tòa án mở phiên tòa.
Nếu tại phiên tòa thì việc thực hiện
biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc
thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng phải xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong
biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án.
Trường hợp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận,
giải quyết tại phòng xử án. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự
về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà thuộc trường hợp phải buộc thực
hiện biện pháp bảo đảm mà người đó cần có thời gian để thực hiện biện pháp bảo
đảm hoặc không thể có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa
trong thời hạn 02 ngày làm việc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 259 của
Bộ luật Tố tụng dân sự.
b) Đối với trường hợp quy định tại khoản
2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm
không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp
nhận.
3. Trường hợp thực hiện biện pháp bảo
đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì Tòa án chỉ nhận tiền đồng Việt Nam (VNĐ) và
tiến hành như sau:
a) Thẩm phán yêu cầu thủ quỹ Tòa án đến
trụ sở Tòa án và mời thêm người làm chứng;
b) Người gửi tiền cùng thủ quỹ Tòa án
giao nhận từng loại tiền. Thẩm phán lập biên bản giao nhận và niêm phong, trong
đó cần ghi đầy đủ cụ thể và mô tả đúng thực trạng vào biên bản;
c) Phải áp dụng các biện pháp cần thiết
để bảo quản trong thời gian gửi giữ tại Tòa án.
Thẩm phán yêu cầu người gửi, thủ quỹ Tòa
án, người làm chứng phải có mặt vào ngày làm việc tiếp theo sau khi kết thúc
ngày lễ hoặc ngày nghỉ để mở niêm phong và giao nhận lại tiền;
d) Ngày làm việc tiếp theo sau khi kết
thúc ngày lễ hoặc ngày nghỉ, những người có mặt khi niêm phong cùng chứng kiến
mở niêm phong. Thủ quỹ cùng người gửi giao nhận lại từng loại tiền theo biên
bản giao nhận và niêm phong. Thẩm phán phải lập biên bản mở niêm phong và giao
nhận lại;
đ) Người phải thực hiện biện pháp bảo
đảm mang khoản tiền đó đến gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng dưới sự
giám sát của thủ quỹ Tòa án. Thủ quỹ Tòa án yêu cầu ngân hàng giao cho mình
chứng từ về việc nhận khoản tiền vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng và nộp
cho Thẩm phán lưu vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp người phải thực hiện biện
pháp bảo đảm không đến Tòa án thì Thẩm phán mời thêm người làm chứng (có thể là
Hội thẩm nhân dân) đến Tòa án chứng kiến việc mở niêm phong và giao trách nhiệm
cho thủ quỹ Tòa án thực hiện việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại ngân
hàng. Thẩm phán phải lập biên bản mở niêm phong vắng mặt người phải thực hiện
biện pháp bảo đảm và giao trách nhiệm cho thủ quỹ Tòa án thực hiện việc gửi
tiền. Người phải thực hiện biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm do hành vi
không thực hiện yêu cầu của Tòa án;
e) Việc niêm phong, mở niêm phong phải
được tiến hành theo quy định của pháp luật. Biên bản giao nhận và niêm phong,
biên bản mở niêm phong và giao nhận lại phải được lập thành hai bản có chữ ký
của Thẩm phán, người gửi, thủ quỹ Tòa án và người làm chứng. Một bản được giao
cho người gửi và một bản lưu vào hồ sơ vụ án.
Điều 15. Về thay đổi,
áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 137 của Bộ luật
Tố tụng dân sự
1. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời có đơn yêu cầu Tòa án thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện
pháp khẩn cấp tạm thời khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân
sự và hướng dẫn tại các điều 10, 11 và 12 của Nghị quyết này.
2. Trường hợp thay đổi biện pháp khẩn
cấp tạm thời mà người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc phải
thực hiện biện pháp bảo đảm ít hơn biện pháp bảo đảm mà họ đã thực hiện thì Tòa
án xem xét quyết định cho họ được nhận lại toàn bộ hoặc một phần khoản tiền,
kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà họ đã gửi trong tài khoản phong tỏa
tại ngân hàng theo quyết định của Tòa án, trừ trường hợp quy định tại khoản 1
Điều 113 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 16. Về giải quyết
khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của
đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ
biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc về việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Tòa án chuyển ngay cho
Thẩm phán đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị để xem xét.
Đối với trường hợp khiếu nại, kiến nghị
về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải
tỏa tạm hoãn xuất cảnh hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này thì
trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị,
Chánh án tự mình xem xét, ra một trong các quyết định tại khoản 3 Điều này.
2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời
điểm nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, Thẩm phán phải xem xét và xử lý như sau:
a) Trường hợp Thẩm phán nhận thấy việc
áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc không áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng thì Thẩm phán ra
quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời; đồng thời báo cáo kết quả cho Chánh án Tòa án;
b) Trường hợp Thẩm phán nhận thấy việc
áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc không áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ thì Thẩm phán báo cáo
về căn cứ ra quyết định của mình để Chánh án Tòa án xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời
điểm nhận được báo cáo của Thẩm phán, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết
khiếu nại, kiến nghị và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Không chấp nhận đơn khiếu nại của
đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ.
b) Chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự,
kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị có căn cứ. Trường hợp này,
Chánh án Tòa án phải quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp
tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc quyết định áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến
nghị của Chánh án theo hướng dẫn tại khoản 3 điều này là quyết định cuối cùng
và phải được cấp hoặc gửi ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật
Tố tụng dân sự.
Điều 17. Về giải quyết
khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng
thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa quy định tại khoản 3
Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp trước khi mở phiên tòa,
Thẩm phán ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự có
khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị nhưng chưa được Chánh án Tòa án xem xét,
giải quyết. Tại phiên tòa, đương sự, Viện kiểm sát có yêu cầu giải quyết khiếu
nại, kiến nghị đó thì Hội đồng xét xử giải thích cho đương sự biết là theo quy
định tại Điều 140 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chỉ Chánh án Tòa án đang giải quyết
vụ án có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó; tại phiên tòa,
họ có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn
cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết
định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định chung của Bộ luật Tố
tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Trường hợp đương sự có khiếu nại,
Viện kiểm sát có kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp
khẩn cấp tạm thời hoặc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp
khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem
xét, thảo luận và thông qua tại phòng xử án.
3. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp
nhận khiếu nại, kiến nghị thì không phải ra quyết định bằng văn bản nhưng phải
thông báo công khai tại phiên tòa việc không chấp nhận, nêu rõ lý do và phải
ghi vào biên bản phiên tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận khiếu nại,
kiến nghị thì phải ra quyết định bằng văn bản. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết
định này theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyết
định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.
Điều 18. Về quyết định
áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 291 của
Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc
thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nếu có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc xem xét, giải quyết được
thực hiện theo quy định tại các điều tương ứng của Chương VIII “Các biện pháp
khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Trường hợp đương sự gửi đơn kháng cáo
bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm mà trong đơn kháng cáo, đương
sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm
thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho đương sự biết
là Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Trường hợp đương sự gửi đơn kháng cáo
bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp phúc thẩm mà trong đơn kháng cáo,
đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp
tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm giải thích cho đương
sự là Tòa án cấp phúc thẩm chưa thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm nên không
xem xét, giải quyết khiếu nại yêu cầu áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp
khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm. Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý
vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết khi đương
sự có yêu cầu.
Điều 19. Việc tuyên về
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án của Tòa án
1. Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa bằng một quyết
định riêng và tuyên trong bản án. Việc tuyên trong bản án theo hướng dẫn tại
khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp không có căn cứ để thay
đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng thì Hội đồng xét xử
tuyên trong bản án như sau: “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại
Quyết định số.... Ngày.... của Tòa án nhân dân.... về áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời....”. Phần tuyên về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án không
bị kháng cáo, kháng nghị. Việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực
hiện theo quy định tại Chương VIII của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ví dụ: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán
được phân công giải quyết vụ án đã ra Quyết định số 02/2020/QĐ-BPKCTT ngày
05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê
biên tài sản đang tranh chấp để bảo đảm thi hành án trong vụ án X. Tại phiên
tòa giải quyết vụ án X, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời này thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau:
“Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số
02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A về áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp”.
3. Trường hợp nội dung của quyết định áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án thì
Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Kể từ ngày bản án này có hiệu lực
pháp luật thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số... ngày... của
Tòa án nhân dân... trong quá trình giải quyết vụ án bị hủy bỏ”.
Ví dụ: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán
được phân công giải quyết vụ án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tại phiên tòa,
Hội đồng xét xử đã tuyên án về việc giao con cho mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm
sóc, giáo dục. Trường hợp này, nội dung của quyết định áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án. Do đó, quyết định áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng,
chăm sóc, giáo dục sẽ bị hủy bỏ kể từ ngày bản án đó của Tòa án có hiệu lực
pháp luật.
Điều 20. Hiệu lực thi
hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24 tháng 9 năm 2020 và có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.
2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số
02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII “Các biện pháp khẩn
cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự.
3. Ban hành kèm theo Nghị quyết này là
các biểu mẫu sau:
a) Mẫu số 01-DS Quyết định buộc thực
hiện biện pháp bảo đảm (dành cho Thẩm phán)
b) Mẫu số 02-DS Quyết định buộc thực
hiện biện pháp bảo đảm (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử
phúc thẩm)
c) Mẫu số 03-DS Quyết định áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Thẩm phán)
d) Mẫu số 04-DS Quyết định áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử
phúc thẩm)
đ) Mẫu số 05-DS Quyết định thay đổi biện
pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Thẩm phán)
e) Mẫu số 06-DS Quyết định thay đổi biện
pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử
phúc thẩm)
g) Mẫu số 07-DS Quyết định hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Thẩm phán)
h) Mẫu số 08-DS Quyết định hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử
phúc thẩm)
4. Các biểu mẫu từ Mẫu số 15-DS đến Mẫu
số 22-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm
2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hết hiệu lực kể từ ngày
Nghị quyết này có hiệu lực pháp luật.
5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản
ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để
hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận:
|
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN |
Mẫu số 01-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPBĐ(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm ……. |
QUYẾT
ĐỊNH
BUỘC
THỰC HIỆN BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
TÒA
ÁN NHÂN DÂN …………………..
Căn cứ vào Điều 136 của Bộ luật Tố tụng
dân sự;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời(3)…………..………..
……………………………..của(4)………………………………………………………………..;
địa
chỉ(5): …………………………………………………………………………………………..
là(6)
………………………………..trong vụ án(7) ……………………………………………….
đối
với(8) ………………………………..; địa chỉ(9): …………………………………………….
là(10)
……………………………………….. trong vụ án nói trên;
Sau
khi xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời;
Xét thấy để bảo vệ lợi ích
của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba trong trường
hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Buộc(11) ……………………………………………………………………………………. phải gửi tài sản bảo
đảm (tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá) có giá trị là(12):
.………………………………………………………………………………………………. vào tài khoản phong tỏa(13)
……………… tại Ngân hàng ………………………………………. địa chỉ(14): ……………………………………
2. Thời hạn thực hiện việc gửi tài sản bảo đảm là(15) …………………
ngày, kể từ ngày ……… tháng ………… năm ……….
3. Ngân hàng(16) ……………………………………. có trách nhiệm nhận vào tài khoản
phong tỏa của mình và quản lý theo quy định của pháp luật cho đến khi có quyết
định khác của Tòa án xử lý tài sản bảo đảm này.
Nơi nhận: |
THẨM PHÁN |
------------------------------
Hướng dẫn sử dụng mẫu
số 01-DS
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết
định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân
dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa
án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân
tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án
nhân dân cấp cao thì ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng,
thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm
ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPBĐ).
(3) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ
thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “kê biên tài sản đang tranh chấp”
hoặc “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng”).
(4) và (5) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của
người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(6) và (7) Ghi tư cách đương sự của
người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.
(8) và (9) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của
người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(10) Ghi tư cách đương sự của người bị
yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Chú ý: Nếu thuộc trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không ghi các
mục (6), (7) và (10).
(11) Ghi đầy đủ tên của người yêu cầu áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(12) Ghi giá trị được tạm tính.
(13) và (14) Ghi số tài khoản, chủ tài
khoản phong tỏa, tên và địa chỉ của Ngân hàng nơi người phải thực hiện biện
pháp bảo đảm gửi tài sản bảo đảm.
(15) Tùy từng trường hợp mà ghi thời hạn
thực hiện việc gửi tài sản bảo đảm: a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1
Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu trong giai đoạn từ khi thụ lý vụ án
cho đến trước khi mở phiên tòa, thì thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm là hai
ngày làm việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp
bảo đảm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó có thể dài hơn, nhưng
trong mọi trường hợp phải được thực hiện trước ngày Tòa án mở phiên tòa. Nếu
tại phiên tòa thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm
Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng phải xuất
trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử
vào Phòng nghị án để nghị án. b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều
111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thì thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không
được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận.
(16) và (17) Ghi đầy đủ tên của Ngân
hàng.
Mẫu số 02-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPBĐ(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm …….. |
QUYẾT
ĐỊNH
BUỘC
THỰC HIỆN BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
TÒA
ÁN NHÂN DÂN………………….
Với
Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)
………………………………………………..
(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)
………………………………………………………………..
Các Hội thẩm nhân dân:
1. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
2. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
3. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
Căn cứ vào Điều 136 của Bộ luật Tố tụng
dân sự;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời(4).......... của(5)
………………………………………..; địa chỉ(6):……………………………. là(7)
……………………………………… trong vụ án(8) ……………………………… đối với(9)
……………………………………..; địa chỉ(10):…………………………………. là(11)
……………………………… trong vụ án nói trên;
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ
liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
Xét thấy để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời không đúng,
QUYẾT
ĐỊNH:
1. Buộc(12)
……………………………………………………………………………………. phải gửi tài sản bảo đảm (tiền, kim khí quý,
đá quý hoặc giấy tờ có giá) có giá trị là(13):
.……………………………………………………………………………………………….
Vào tài khoản phong tỏa(14)
……………… tại Ngân hàng ………………………………. địa chỉ(15): ……………………………………
2. Thời hạn thực hiện
việc gửi tài sản bảo đảm là …………… ngày, kể từ ngày ……… tháng ……… năm ……….
3. Ngân hàng(16) ……………………………………. có trách nhiệm
nhận vào tài khoản phong tỏa của mình và quản lý theo quy định của pháp luật
cho đến khi có quyết định khác của Tòa án xử lý tài sản bảo đảm này.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ |
----------------------------------
Hướng dẫn sử dụng mẫu
số 02-DS:
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết
định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì
cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào
(ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì
ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm
ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPBĐ).
(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn
yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba
người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”;
đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng
xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa,
họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chú ý là không ghi chức vụ
của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử
giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử
phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán,
bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.
(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ
thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “kê biên tài sản đang tranh chấp”
hoặc “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng”).
(5) và (6) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của
người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(7) và (8) Ghi tư cách đương sự của
người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.
(9) và (10) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ
của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(11) Ghi tư cách đương sự của người bị
yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(12) Ghi đầy đủ tên của người yêu cầu áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(13) Ghi giá trị được tạm tính.
(14) và (15) Ghi số tài khoản, chủ tài
khoản phong tỏa, tên và địa chỉ của Ngân hàng nơi người phải thực hiện biện
pháp bảo đảm gửi tài sản bảo đảm.
(16) và (17) Ghi đầy đủ tên của Ngân
hàng.
Mẫu số 03-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN(1)… Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm ….. |
QUYẾT
ĐỊNH
ÁP
DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
TÒA
ÁN NHÂN DÂN…………………….
Căn cứ vào khoản(3)………… Điều
111 và khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời....(4) của(5) ……………………………………….;
địa chỉ(6):……………………………………………… là(7)……………………………………………………
trong vụ án(8) ………………………………………………….. đối với(9)
………………………………; địa chỉ(10): ……………………… là(11)…………………………………………….
trong vụ án nói trên;
Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan
đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
Xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(12)……………………………
là cần thiết(13) ………………………………………………………
QUYẾT
ĐỊNH
1. Áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời …………… quy định tại Điều(14) ……… của Bộ luật Tố tụng dân
sự;(15) ………………………………………………….
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành
theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Nơi nhận: |
THẨM PHÁN |
Ghi chú:
- Nếu áp dụng bổ sung thì sau hai chữ "áp
dụng" ghi thêm hai chữ “bổ sung”.
- Nếu thuộc trường hợp Tòa án tự mình ra
quyết định áp dụng (áp dụng bổ sung) biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bỏ từ “sau
khi xem xét đơn yêu cầu” cho đến “trong vụ án nói trên”.
Hướng dẫn sử dụng mẫu
số 03-DS:
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết
định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì
cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào
(ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì
ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm
ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).
(3) Nếu trong quá trình giải quyết vụ án
(thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì
ghi khoản 1; nếu cùng với việc nộp đơn khởi kiện (thuộc trường hợp quy định tại
khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì ghi khoản 2; nếu Tòa án tự
mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (thuộc trường hợp quy
định tại khoản 3 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì ghi khoản 3.
(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ
thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “buộc thực hiện trước một phần nghĩa
vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm” hoặc “kê biên tài sản đang
tranh chấp”).
(5) và (6) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của
người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(7) và (8) Ghi tư cách đương sự của
người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.
(9) và (10) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ
của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(11) Ghi tư cách đương sự của người bị
yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Chú ý: Nếu thuộc trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không ghi các mục
(7), (8) và (11).
(12) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ
thể đã được ghi trong đơn yêu cầu.
(13) Ghi lý do tương ứng quy định tại
khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Ví dụ: “để tạm thời
giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để
bảo đảm việc thi hành án” (khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự); “do
tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm
trọng có thể xảy ra” (khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự).
(14) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời
mà Tòa án áp dụng bị và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ
(ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa
vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).
(15) Ghi quyết định cụ thể của Tòa án
(ví dụ 1: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 116 của Bộ
luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Buộc ông Nguyễn Văn A phải thực hiện trước một
phần nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền là... đồng (hoặc đồng/tháng) cho bà Lê Thị B”;
ví dụ 2: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 124 của Bộ
luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Đại Dương
tại Ngân hàng B, chi nhánh tại thành phố H. Số tiền là... đồng”).
Mẫu số 04-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm …….. |
QUYẾT
ĐỊNH
ÁP
DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
TÒA
ÁN NHÂN DÂN …………………..
Với
Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)
………………………………………………..
(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)
………………………………………………………………..
Các Hội thẩm nhân dân:
1. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
2. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
3. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
Căn cứ khoản 2 Điều 112 và khoản………. (4)
Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời(5)..........
của
………………………………………..(6); địa chỉ(7):…………………………….
Là
………………………………………(8) trong vụ án …………………………………………(9)
Đối
với ……………………………………..(10); địa chỉ(11):………………………………….
Là
………………………………(12) trong vụ án nói trên;
Sau
khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời;
Xét thấy việc áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời(13)... là cần thiết(14) ……..
QUYẾT ĐỊNH:
1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………. quy định tại Điều(15)
…….. của Bộ luật Tố tụng dân sự;………………………………………………………….. (16)
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định
của pháp luật về thi hành án dân sự.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ |
Ghi
chú:
-
Nếu áp dụng bổ sung thì sau hai chữ “áp dụng” ghi thêm hai chữ “bổ sung”.
-
Nếu thuộc trường hợp Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng (áp dụng bổ sung)
biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì bỏ từ “sau khi xem xét đơn yêu cầu” cho đến
“trong vụ án nói trên”.
-------------------------------------
Hướng
dẫn sử dụng mẫu số 04-DS:
(1)
Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu
là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh
H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa
án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu
là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà
Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2)
Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số:
02/2020/QĐ-BPKCTT).
(3)
Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa
phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”; đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai
Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân.
Cần chú ý là không ghi chức vụ của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm
nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời là Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên
tòa, họ tên hai Thẩm phán, bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.
(4)
Nếu tại phiên tòa thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố
tụng dân sự thì ghi khoản 1; nếu Hội đồng xét xử tự mình ra quyết định áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 của
Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi khoản 3.
(5)
Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ:
“buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng bị
xâm phạm” hoặc “kê biên tài sản đang tranh chấp”.
(6)
và (7) Ghi tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp
tạm thời.
(8)
và (9) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án mà Tòa án đang giải
quyết.
(10)
và (11) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời.
(12)
Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(13)
Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu.
(14)
Ghi lý do tương ứng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 (trong mẫu là khoản 2)
Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự [ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp
bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi hành án”
(khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự); “do tình thế khẩn cấp, cần phải
bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra” (khoản 2
Điều 11 của Bộ luật Tố tụng dân sự).
(15)
Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật
Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).
(16)
Ghi quyết định cụ thể của Tòa án (ví dụ 1: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm
thời quy định tại Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Buộc ông Nguyễn
Văn A phải thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền là... đồng (hoặc
đồng/tháng) cho bà Lê Thị B”; ví dụ 2: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
quy định tại Điều 124 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Phong tỏa tài khoản
của Công ty TNHH Đại Dương tại Ngân hàng B, chi nhánh tại thành phố H. số tiền
là... đồng”).
Mẫu
số 05-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm
2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm …….. |
QUYẾT
ĐỊNH
THAY
ĐỔI BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
TÒA
ÁN NHÂN DÂN ……………………….
Căn cứ vào khoản 1 Điều 112 và Điều 137
của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời(3)
…………………………. bằng biện pháp khẩn cấp tạm
thời(4)……………………
của(5)
……………………….……….; địa chỉ(6):………………………………………
là……………………………………(7)
trong vụ án(8)………………………………….
đối
với ……………………………(9); địa chỉ(10):………………………………………
……………………………………………………………………………………………
là(11)………………………
………. trong vụ án nói trên;
Sau
khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm
thời;
Xét thấy việc thay đổi
biện pháp khẩn cấp tạm thời(12) …………………………… đã được áp dụng bằng
biện pháp khẩn cấp tạm thời(13) ………………………………….. là cần thiết(14)
…………………………………..
QUYẾT ĐỊNH:
1. Thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời ……………… quy định tại Điều(15)
……… của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân ……………… áp dụng tại Quyết
định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng
…….. năm …….. bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời ……………… quy định tại Điều(16)
…….. của Bộ luật Tố tụng dân sự……………………….. (17);
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và thay thế Quyết định áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm
…….. của Tòa án nhân dân …………………………………..
3. Quyết định này được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án
dân sự.
Nơi nhận: |
THẨM PHÁN |
----------------------------------
Hướng
dẫn sử dụng mẫu số 05-DS:
(1)
Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu
là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh
H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa
án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu
là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà
Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2)
Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số:
02/2020/QĐ-BPKCTT).
(3)
Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đó được áp dụng (ví dụ: kê biên tài sản
đang tranh chấp).
(4)
Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được đề nghị thay đổi (ví dụ: cấm thay
đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp).
(5)
và (6) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời.
(7)
và (8) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang
giải quyết.
(9)
và (10) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn
cấp tạm thời.
(11)
Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Chú
ý: Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của
Bộ luật Tố tụng dân sự thì không ghi các mục (7), (8) và (11).
(12)
Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được áp dụng.
(13)
Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề nghị thay đổi.
(14)
Ghi lý do tương ứng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố
tụng dân sự [ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự” hoặc
“để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi hành án” (khoản 1 Điều 111 của
Bộ luật Tố tụng dân sự); “do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng
chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra” (khoản 2 Điều 111 của Bộ
luật Tố tụng dân sự)].
(15)
Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật
Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).
(16)
Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề nghị thay đổi và điều luật của Bộ
luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ.
(17)
Ghi quyết định cụ thể của Tòa án (ví dụ 1: nếu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm
thời quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng dân sự bằng biện pháp khẩn cấp
tạm thời quy định tại Điều 120 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “kê biên tài
sản đang tranh chấp là...; giao tài sản này cho... quản lý cho đến khi có quyết
định của Tòa án).
Mẫu
số 06-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm
2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm …….. |
QUYẾT
ĐỊNH
THAY
ĐỔI BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
TÒA
ÁN NHÂN DÂN ………………..
Với
Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)
………………………………………………..
(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)
………………………………………………………………..
Các Hội thẩm nhân dân:
1. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
2. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
3. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
Căn cứ vào khoản 2 Điều 112 và Điều 137
của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời(4)..........………. bằng biện pháp khẩn cấp tạm
thời(5)…………………… của(6) ……………………….; địa chỉ(7):
……………………………………… là(8)…………………………… trong vụ án(9) ………………………………….
đối với(10)……………………………; địa chỉ(11): ………………………………………
là……………………………….(12) trong vụ án nói trên;
Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan
đến việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời;
Xét thấy việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời ……………………(13)
đã được áp dụng bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………………………..(14) là
cần thiết …………………………………..(15)
QUYẾT
ĐỊNH:
1. Thay đổi biện pháp
khẩn cấp tạm thời …………… quy định tại Điều ………(16) của Bộ luật Tố
tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân ……………… áp dụng tại Quyết định áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm ……..
bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………… quy định tại Điều ……..(17)
của Bộ luật Tố tụng dân sự……………………….. (18)
2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành ngay và thay thế Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số
……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. của Tòa án nhân dân
…………………………………..
3. Quyết định này được thi hành theo quy định của pháp luật
về thi hành án dân sự.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ |
-----------------------------------
Hướng dẫn sử dụng mẫu
số 06-DS:
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết
định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì
cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào
(ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì
ghi: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm
ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).
(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn
yêu cầu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba
người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”;
đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng
xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa,
họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chủ ý là không ghi chức vụ
của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử giải
quyết đơn yêu cầu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử phúc
thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán, bỏ
dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.
(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời đã
được áp dụng (ví dụ: kê biên tài sản đang tranh chấp).
(5) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ
thể được đề nghị thay đổi (ví dụ: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh
chấp).
(6) và (7) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của
người làm đơn yêu cầu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(8) và (9) Ghi tư cách đương sự của
người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.
(10) và (11) Ghi tên và địa chỉ của
người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(12) Ghi tư cách đương sự của người bị
yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(13) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ
thể được áp dụng.
(14) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời
được đề nghị thay đổi.
(15) Ghi lý do tương ứng quy định tại
khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự [ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu
cầu cấp bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi
hành án” (khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự)].
(16) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời
mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví
dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ
cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).
(17) Biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề
nghị thay đổi quy định tại diều luật nào thì ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm
thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn
cứ.
(18) Ghi quyết định cụ thể của Tòa án
(ví dụ 1: nếu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 122 của Bộ
luật Tố tụng dân sự bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 120 của
Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “kê biên tài sản đang tranh chấp là...; giao
tài sản này cho... quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án).
Mẫu số 07-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm …….. |
QUYẾT
ĐỊNH
HỦY
BỎ BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
TÒA
ÁN NHÂN DÂN …………………..
Căn cứ vào khoản 1 Điều 112 và Điều 138
của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Xét thấy(3) …………………………………………………………………………….
QUYẾT
ĐỊNH:
1. Hủy bỏ biện pháp khẩn
cấp tạm thời ………… quy định tại Điều(4) ………… của Bộ luật Tố tụng dân
sự đã được Tòa án nhân dân ………………. áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. trong vụ
án(5) ………………………………………….
2(6)
…………………………………………………………………………………….
3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay.
Nơi nhận: |
THẨM PHÁN |
-----------------------------------------
Hướng dẫn sử dụng mẫu
số 07-DS:
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết
định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì
cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào
(ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì
ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm
ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).
(3) Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp nào quy định tại các điểm a, b, c, d,
đ, e, g và h khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi theo quy định
tại điểm đó (ví dụ: nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138
của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Xét thấy người yêu cầu áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ”).
(4) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời
mà Tòa án hủy bỏ và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví
dụ: Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ
cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).
(5) Ghi quan hệ tranh chấp của vụ án mà
Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
(6) Tùy từng trường hợp mà Tòa án quyết
định việc người đã thực hiện biện pháp bảo đảm được nhận lại chứng từ bảo lãnh
được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản
tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định tại khoản 2 Điều
138 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Mẫu số 08-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số
02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao)
TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1) Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……., ngày …. tháng ….. năm …….. |
QUYẾT
ĐỊNH
HỦY
BỎ BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI
TÒA
ÁN NHÂN DÂN ………………………..
Với
Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà)
………………………………………………..
(Các) Thẩm phán: Ông (Bà)
………………………………………………………………..
Các Hội thẩm nhân dân:
1. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
2. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
3. Ông (Bà)
……………………………………………………………………………………
Căn cứ vào khoản 2 Điều 112 và Điều 138
của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Xét thấy(4) ……………………………………………………………………………………..
QUYẾT
ĐỊNH:
1. Hủy bỏ biện pháp khẩn
cấp tạm thời ………… quy định tại Điều …………(5) của Bộ luật Tố tụng dân
sự đã được Tòa án nhân dân ………………. áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm ……..
2. (6)
…………………………………………………………………………………….
3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ |
----------------------------------------
Hướng dẫn sử dụng mẫu
số 08-DS:
(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết
định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì
cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào
(ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì
ghi: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).
(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm
ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).
(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn
yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba
người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”;
đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng
xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa,
họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chú ý là không ghi chức vụ
của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử
giải quyết đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử
phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán,
bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.
(4) Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp nào quy định tại các điểm a, b, c, d,
đ, e, g, h khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi theo quy định
tại điểm đó (ví dụ: nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138
của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Xét thấy người yêu cầu áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ”.
(5) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời
mà Tòa án hủy bỏ và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví
dụ: Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ
cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).
(6) Tùy từng trường hợp mà Tòa án quyết
định việc người đã thực hiện biện pháp bảo đảm được nhận lại chứng từ bảo lãnh
được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản
tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định tại khoản 2 Điều
138 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét