HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN Số: 02/2022/NQ-HĐTP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2022 |
Hướng dẫn áp dụng một số
quy định của Bộ luật Dân sự
về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
____________________
HỘI
ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định tại Chương XX về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ
luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QUYẾT
NGHỊ:
Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24
tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Dân sự).
Điều 2. Về căn cứ phát sinh trách
nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự phát sinh
khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
a) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản,
quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
b) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt
hại về tinh thần;
Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác
định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc
phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập
thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân
phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.
Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do
bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích
nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ
phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn
thất đó.
c) Có mối quan hệ nhân quả giữa
thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu
của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt
hại.
2. Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu
tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp hướng dẫn
tại khoản 3 Điều này.
a) Chủ sở hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại do tài sản
gây ra, trừ trường hợp người chiếm hữu tài sản đó phải chịu trách nhiệm bồi
thường theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.
Chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản
gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản đang được giao
dịch thì phải xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu để xác định chủ sở
hữu tài sản gây thiệt hại.
Ví dụ: A bán nhà cho B, hợp đồng mua bán nhà
đã được công chứng, B đã giao 80% tiền mua nhà cho A nhưng chưa
nhận nhà thì nhà bị cháy, lan sang cháy nhà C gây thiệt hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Nhà ở năm 2014 thì thời điểm chuyển
giao quyền sở hữu là thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền
và nhận nhà, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này, B chưa thanh
toán đủ tiền và chưa nhận bàn giao nhà nên A chưa chuyển giao quyền sở hữu nhà
cho B. Vì vậy, A vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà và phải chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại cho C.
b) Người chiếm hữu mà không phải là
chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối
trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản
tại thời điểm gây thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B.
B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phân
biệt:
- Nếu A thuê B lái xe ô tô và trả tiền công cho B, việc
sử dụng xe ô tô là do A quyết định. Trong trường hợp này, A là người chiếm hữu,
chi phối đối với xe ô tô. Do đó, A phải chịu trách nhiệm bồi
thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Nếu A giao xe ô tô cho B thông qua hợp đồng cho thuê
tài sản hợp pháp, việc sử dụng xe ô tô là do B quyết định. Trong trường hợp
này, B là người chiếm hữu, chi phối đối với xe ô tô. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm
hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong
trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do
lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác hoặc luật có quy định khác.
a) Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra
một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc
dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Ví dụ 1: Nhà của A được xây dựng, đang sử dụng bình
thường và không có dấu hiệu hư hỏng. Một cơn lốc xoáy bất chợt, không
được dự báo trước đã cuốn mái nhà của A vào người đi đường gây thiệt hại.
Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi
thường.
Ví dụ 2: Có thông tin bão, A đã tiến hành các biện pháp
phòng chống bão theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, cơn
bão quá mạnh đã làm tốc mái nhà của A và gây thiệt hại cho người đi đường.
Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại.
b) Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt
hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.
Ví dụ: A lái xe ô tô (thuộc sở hữu của mình) theo đúng
quy định của Luật Giao thông đường bộ, C lao vào xe ô tô của A đang đi trên
đường để tự tử. Trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do lỗi hoàn toàn của C.
Điều 3. Về nguyên tắc bồi thường thiệt
hại quy định tại Điều 585
của Bộ luật Dân sự
1. Về khoản 1 Điều 585 của Bộ luật Dân sự
a) “Thiệt hại thực tế” là thiệt hại đã xảy ra theo hướng
dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này, được tính thành tiền tại thời
điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi
thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải
quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.
Ví dụ: A gây thương tích cho B mà B phải điều trị dài
ngày. Tại thời điểm Tòa án giải quyết bồi thường thì tổng thiệt hại thực tế là
X đồng, bao gồm: chi phí điều trị, mức thu nhập bị mất hoặc giảm sút; chi phí
cho người chăm sóc, tổn thất tinh thần. Sau đó, B vẫn phải tiếp tục điều trị
thì các chi phí phát sinh sau thời điểm Tòa án giải quyết sẽ được giải quyết
trong vụ án khác nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.
b) “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ” là tất cả các
thiệt hại thực tế xảy ra đều phải được bồi thường.
c) “Thiệt hại phải được bồi thường kịp thời” là thiệt hại
phải được bồi thường nhanh chóng nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể áp dụng
một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng
dân sự để giải quyết yêu cầu cấp bách của người bị thiệt hại (như buộc thực hiện trước một
phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc
thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng...).
d) Để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại toàn bộ và kịp
thời, việc giải quyết vấn đề bồi thường trong vụ án hình sự, vụ án
hành chính phải được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án
hành chính.
Trường hợp vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung
giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại nhưng chưa có điều kiện chứng minh và
không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính thì vấn đề
bồi thường có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
đ) Người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản
thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và các tài liệu, chứng cứ
chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.
Trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại không thể
tự mình thu thập được tài liệu, chứng cứ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập
tài liệu, chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Về khoản 2 Điều 585 của Bộ luật Dân sự
Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người chịu
trách nhiệm bồi thường là trường hợp có căn cứ chứng minh rằng nếu
Tòa án tuyên buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại thì không có điều kiện thi hành án.
Ví dụ: Một người vô ý làm cháy nhà người khác gây thiệt
hại 1.000.000.000 đồng. Người gây thiệt hại có tổng tài sản là 100.000.000
đồng, thu nhập trung bình hàng tháng là 2.000.000 đồng. Mức thiệt hại này là
quá lớn so với khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.
3. Về khoản 3 Điều 585 của Bộ luật Dân sự
Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế,
có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội;
sự biến động về giá cả; sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động
của người bị thiệt hại; sự thay đổi về khả năng kinh tế của người có trách
nhiệm bồi thường mà mức bồi thường không còn phù hợp với sự thay đổi đó.
Bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại yêu cầu thay đổi
mức bồi thường thiệt hại phải có đơn yêu cầu thay đổi
mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho
việc yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
4. Về khoản 4 Điều 585 của Bộ luật Dân sự
Bên bị thiệt hại có một phần lỗi đối với thiệt hại xảy ra
thì không được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.
Ví dụ: A và B cùng lái ô tô tham gia giao thông, xảy ra
tai nạn do đâm va vào nhau dẫn đến A bị thiệt hại 100.000.000 đồng.
Cơ quan có thẩm quyền xác định A và B cùng có lỗi với mức độ lỗi
của mỗi người là 50%. Trường hợp này, B phải bồi thường 50.000.000 đồng cho A
(50% thiệt hại).
5. Về khoản 5 Điều 585 của Bộ luật Dân sự
“Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được
bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp
lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình” là trường hợp bên có quyền,
lợi ích bị xâm phạm biết, nhìn thấy trước việc nếu không áp dụng biện pháp ngăn
chặn thì thiệt hại sẽ xảy ra và có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn,
hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy
ra thì bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Nhà của A bị cháy, B đỗ xe ô tô gần nhà A, B biết
được nếu không di dời thì khả năng đám cháy sẽ lan sang làm cháy ô tô của B và
B có điều kiện để di dời nhưng B đã bỏ mặc dẫn đến xe ô tô bị cháy. Trường hợp
này, B không được bồi thường thiệt hại.
Điều 4. Xác định tuổi của người gây
thiệt hại theo quy định tại Điều
586 của Bộ luật Dân sự
Tuổi của người gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây
thiệt hại. Trường hợp không xác định được chính xác tuổi của người gây thiệt
hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:
1. Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định
được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;
2. Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được
ngày, tháng thì
lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm
ngày, tháng sinh;
3. Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác
định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa
năm đó làm ngày, tháng sinh;
4. Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được
ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh;
5. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến
hành giám định để xác định tuổi.
Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác
định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa án lấy tuổi thấp nhất
trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định M có độ tuổi trong khoảng từ 13
tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của M là 13 tuổi 6 tháng.
Điều 5. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu
bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 588 của Bộ luật Dân sự
1. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh
trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực) và
đương sự khởi kiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu
cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết
hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích
hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định
được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Ngày 02 tháng 7 năm 2022, A phát hiện cá trong ao
nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà
B nên A yêu cầu cơ quan giám định về môi trường tiến hành giám định nguyên
nhân. Ngày 15 tháng 8 năm 2022, A nhận được kết quả giám định về nguyên nhân
gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 15
tháng 8 năm 2022.
3. Trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền, lợi
ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường, nếu
có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm
phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết.
Ví dụ 1: Ngày 20 tháng 6 năm 2022, A gây thương tích cho
B và cùng ngày B phải
vào nhập viện điều trị thương tích. Trường hợp này, thời
điểm B phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 20
tháng 6 năm 2022.
Ví dụ 2: A giao cho B trông giữ chiếc xe ô tô của A theo
hợp đồng gửi giữ
tài sản. Trong thời hạn của hợp đồng, xe ô tô bị C phá
hủy. Tại thời điểm xe ô tô bị thiệt hại, B không có mặt tại nơi xảy ra thiệt
hại nhưng B vẫn phải biết về việc thiệt hại xảy ra. Thời điểm B phải biết là
thời điểm C gây thiệt hại.
Điều 6. Về xác định thiệt hại do tài
sản bị xâm phạm quy định tại Điều
589 của Bộ luật Dân sự
1. Việc bồi thường thiệt hại do tài
sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng quy định tại khoản 1 Điều 589 của Bộ luật Dân sự căn
cứ vào thỏa thuận của các bên, trường hợp không thỏa thuận được thì xác định
thiệt hại như sau:
a) Trường hợp tài sản là vật thì xác định
thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại căn cứ vào giá thị trường của tài
sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức
độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Đối với tài sản là tiền thì thiệt hại được xác định là số
tiền bị mất, bị hư hỏng.
Đối với giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà không thể
khôi phục được thì thiệt hại được xác định là giá trị của các giấy tờ bị mất,
bị hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp giấy tờ có giá bị
mất, bị hư hỏng mà có thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là các chi
phí cần thiết để khôi phục các giấy tờ đó.
b) Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là
chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo
giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại; nếu
tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được
xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng,
khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút quy định tại khoản 2 Điều 589 của Bộ luật Dân sự là
hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản không
bị mất, bị hư hỏng.
Hoa lợi, lợi tức được tính theo giá thực tế đang thu, nếu
chưa thu thì theo giá thị trường cùng loại hoặc mức giá thuê trung
bình 01 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật,
tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định
thiệt hại; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, hoa lợi,
lợi tức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề do tài
sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại
xảy ra.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc
phục thiệt hại quy định tại khoản 3 Điều 589 của Bộ luật Dân sự
là những chi phí thực tế, cần thiết tại thời điểm chi
trong điều kiện bình thường cho việc áp dụng các biện pháp cần thiết làm cho
thiệt hại không phát sinh thêm; sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của
tài sản bị xâm phạm.
Ví dụ: T đã có hành vi làm cháy nhà của H. Chi phí dập tắt
đám cháy là X đồng; chi phí sửa chữa, khôi phục lại nhà như
tình trạng ban đầu là Y đồng. Trường hợp này, X đồng là chi phí để ngăn chặn,
hạn chế thiệt hại. Y đồng là chi phí khắc phục thiệt hại.
Điều 7. Về thiệt hại do sức khỏe bị
xâm phạm quy định tại Điều 590
của Bộ luật Dân sự
1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi
sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:
a) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp
luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người
bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;
b) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được
xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01
ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;
c) Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm
sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của
cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
của người bị thiệt hại được xác định như sau:
a) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ
tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của
người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị
giảm sút;
b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn
định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền
công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường
hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra
thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong
khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu
không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập
thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng
tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.
Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương
tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của
người chăm sóc người bị thiệt hại theo quy định tại điểm c
khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự được xác định như sau:
a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị
thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại,
tiền thuê nhà trọ
theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại
điều trị (nếu có);
b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị
thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2
Điều này;
c) Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và
phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm
sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối
thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị
thiệt hại.
Điều 8. Về thiệt hại do tính mạng bị
xâm phạm quy định tại khoản 1
Điều 591 của Bộ luật Dân sự
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 591 của Bộ luật Dân sự được xác
định như sau:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự, được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết
này, được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó
chết.
2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản
tiền: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần
thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe
tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất
hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương. Không chấp nhận yêu
cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn
uống, xây mộ, bốc mộ.
3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà
người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước
khi chết được xác định như sau:
a) Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế
của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng,
nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi
người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng;
b) Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị
thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe;
c) Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng
là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng
theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Điều 9. Về thiệt hại do danh dự, nhân
phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy
định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự được xác định như sau:
1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao
gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có
nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí
cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị
xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa
phương nơi người bị thiệt
hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng
xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ
chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị
thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt
hại (nếu có).
2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định
như sau:
a) Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm,
người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế,
khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút,
thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó;
b) Việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Nghị
quyết này.
Điều 10. Về bồi thường thiệt hại do
người thi hành công vụ gây ra quy định tại Điều 598 của Bộ luật Dân sự
Thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành
công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà
nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước. Trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường
thì Tòa án xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước.
Điều 11. Về bồi thường thiệt hại do
người chưa đủ mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong
thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý quy định tại Điều 599 của Bộ luật Dân sự
1. “Trong thời gian trường học trực tiếp quản lý” quy
định tại khoản 1 Điều 599 của Bộ luật Dân sự là trong phạm
vi thời gian và không gian mà trường học đã tiếp nhận và có trách nhiệm quản lý,
chăm sóc, dạy dỗ người chưa đủ mười lăm tuổi.
2. “Trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác
trực tiếp quản lý” quy định tại khoản 2 Điều 599 của Bộ luật
Dân sự là trong phạm vi thời gian và không gian mà bệnh viện, pháp nhân
khác đã tiếp nhận và có trách nhiệm quản lý, điều trị người mất năng
lực hành vi dân sự.
Điều 12. Về bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự
1. Nguồn nguy hiểm cao độ được xác định theo quy định tại
Điều 601 của Bộ luật Dân sự và các văn
bản pháp luật có liên quan.
Ví dụ 1: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô
tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi
xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn
máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là nguồn
nguy hiểm cao độ.
Ví dụ 2: Vũ khí theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng
vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019 là
nguồn nguy hiểm cao độ.
2. Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao
chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của
pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ
trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận
khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi
thường.
Ví dụ: các thỏa thuận sau đây không trái pháp luật, đạo
đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường:
- Thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Thỏa thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước bằng
tài sản hợp pháp, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ
sở hữu khoản tiền đã bồi thường trong trường hợp chủ sở hữu có điều kiện bồi
thường.
3. Trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho
người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định của
pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô
nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu
phải bồi thường thiệt hại.
4. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm
cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có
lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị
thiệt hại;
Ví dụ: Khu vực có biển báo là nguồn điện cao thế nguy
hiểm chết người nhưng A vẫn vào trộm đồ và bị điện giật chết là
trường hợp hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc
tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh
một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công
cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách
nào khác là phải có
hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn
chặn.
Trách nhiệm bồi thường trong tình thế cấp thiết được thực
hiện theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật Dân sự.
Ví dụ: A đang lái xe ô tô theo đúng Luật Giao thông đường
bộ, B lái xe máy theo hướng ngược chiều với A và lấn làn đường của A. Để tránh
gây tai nạn cho B và không còn cách nào khác nên A đã lái xe va vào chiếc xe
máy thuộc sở hữu của C đang đậu trên lề đường gây thiệt hại cho C. Trường hợp này là tình
thế cấp thiết, A không phải bồi thường thiệt hại cho C mà B phải bồi thường
thiệt hại cho C vì B đã gây ra tình thế cấp thiết theo khoản 2
Điều 595 của Bộ luật Dân sự.
5. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử
dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại thì giải quyết như sau:
a) Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu,
sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm
hữu, sử dụng trái pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải
bồi thường toàn bộ thiệt hại.
b) Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu,
sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử
dụng trái pháp luật thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử
dụng hợp pháp và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải liên đới
bồi thường thiệt hại.
Điều 13. Hiệu lực thi hành của Nghị
quyết
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 9 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2023.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP
ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng
dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng.
2. Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu
lực), thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, các văn bản pháp luật hướng
dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết, trừ hướng dẫn về thời
hiệu tại Điều 5 Nghị quyết này.
3. Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng
hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái
thẩm, trừ trường hợp việc kháng nghị bản án, quyết định có căn
cứ khác.
4. Trong
quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối
cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Nơi nhận: |
TM. HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét