HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/HĐTP |
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1990 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ
02/HĐTP NGÀY 19 THÁNG 10 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP
LỆNH THỪA KẾ
Pháp
lệnh Thừa kế được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30-8-1990. Hội đồng thẩm
phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn các Toà án nhân dân các cấp áp dụng một
số quy định của Pháp lệnh này như sau:
1.
VỀ DI SẢN
Điều 4 của Pháp lệnh quy định: "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài
sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác, quyền về tài sản do
người chết để lại.
Tài
sản gồm có tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, các thu nhập hợp pháp
khác".
Khi
xác định di sản, cần chú ý là:
a)
Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương đổi mới về kinh tế,
do đó, phạm vi những tài sản thuộc quyền sở hữu của công dân đã được mở rộng
hơn trước. Vì vậy di sản không chỉ là những đồ dùng hàng ngày, nhà ở, tư liệu
sinh hoạt khác; của cải để dành; những công cụ sản xuất dùng trong những trường
hợp được phép lao động riêng lẻ... như trước đây, mà còn bao gồm cả những máy
móc, nhà xưởng, kho tàng, nguyên vật liệu...; vốn bằng tiền, vằng, ngoại tệ,
với số lượng không hạn chế; cổ phiếu v. v... Do đó, tất cả mọi tài sản thuộc
quyền sở hữu của một người sẽ trở thành di sản khi người đó chết.
Đất
đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất được giao không phải là
quyền sở hữu về tài sản của công dân nên không thể trở thành di sản khi công
dân chết. Các tranh chấp về di sản có liên quan đến quyền sử dụng đất được giải
quyết theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất
đai.
b)
Di sản còn là những quyền về tài sản phát sinh do quan hệ hợp đồng như quyền
nhận tài sản mà người chết lúc còn sống đã cho vay, gửi giữ, gửi chữa, mua...;
quyền nhận tiền công lao động, tiền nhuận bút, tiền bán hoặc cho sử dụng sáng
chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tiền gửi tiết kiệm...; quyền của
người chết được bồi thường thiệt hại về tài sản (như tiền bồi thường tư trang,
hành lý của hành khách bị tai nạn giao thông; các khoản bồi thường khác của
người chết khi còn sống...).
c)
Những quyền về tài sản gắn liền với người chết như quyền được hưởng trợ cấp
thương tật, tiền tuất, tiền cấp dưỡng... thì không phải là di sản.
d)
Trong trường hợp người con dâu tham gia lao động chung trong gia đình bố, mẹ
chồng, góp phần xây dựng, duy trì khối tài sản ở gia đình bố, mẹ chồng, thì khi
xác định di sản của bố, mẹ chồng, Toà án phải coi khối tài sản ở gia đình bố,
mẹ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung và người con dâu là một đồng sở hữu chủ.
Người con dâu có quyền được hưởng phần tài sản của mình trong khối tài sản
chung hiện có với danh nghĩa là một đồng sở hữu chủ chứ không phải với danh
nghĩa thừa kế của bố, mẹ chồng. Người con rể trong trường hợp tương tự cũng
được giải quyết như người con dâu.
Ngoài
ra, trong trường hợp chồng chết trước bố, mẹ chồng mà người con dâu vẫn ở lại
trong gia đình bố, mẹ chồng và có công chăm sóc, nuôi dưỡng bố, mẹ chồng, nếu
người con dâu có yêu cầu, thì Toà án trích một phần tài sản của bố, mẹ chồng để
thanh toán về công sức và tài sản mà người con dâu đã dùng để chăm sóc, nuôi
dưỡng bố, mẹ chồng. Người con rể trong trường hợp tương tự cũng được giải quyết
như người con dâu.
2.
VỀ NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ KHÔNG CÓ QUYỀN HƯỞNG DI SẢN
a)
Người thừa kế đã bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về hành vi cố ý
xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ
người để lại di sản hoặc về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác
nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế khách có quyền
hưởng, thì dù đã được xoá án cũng không có quyền hưởng di sản của người đã
chết.
b)
Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại các điều
19, 20, 21, 23, 27 Luật Hôn nhân và gia đình (như cha mẹ và con, ông bà và
cháu, anh chị em) trong khoảng thời gian 3 năm trước khi người để lại di sản
chết, nếu có khả năng thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không thực hiện làm cho
người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình trạng khổ sở hoặc nguy hiểm đến tính
mạng, thì không có quyền hưởng di sản của người đó.
c)
Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép người có tài sản trong việc lập di chúc, giả
mạo (sửa đổi, bổ sung, thay thế...) di chúc, huỷ (giấu, phá huỷ...) di chúc với
mục đích để hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người có tài
sản, thì không có quyền hưởng di sản của người đó.
Những
người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh không
có quyền hưởng di sản theo pháp luật cũng như theo di chúc đã lập trước khi có
hành vi đó. Tuy nhiên, họ vẫn được hưởng di sản trong các trường hợp sau đây:
-
Người đã lập di chúc thể hiện ý chí bằng văn bản hoặc bằng lời nói vẫn cho họ
được hưởng di sản theo di chúc đã lập.
-
Người chưa lập di chúc thể hiện ý chí vẫn cho họ hưởng di sản bằng việc lập di
chúc.
3.
VỀ DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG
Điều 21 của Pháp lệnh đã quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Nội dung
của điều này được hiểu như sau: Nếu người lập di chúc có để lại di sản dùng vào
việc thờ cúng thì di sản đó coi như di sản chưa chia. Nếu thời hiệu khởi kiện
về thừa kế đang còn mà việc thờ cúng không dược thực hiện theo di chúc thì di
sản dùng vào việc thờ cúng do những người thừa kế theo pháp luật được hưởng.
Nếu thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết mà việc thờ cúng không được thực hiện
theo di chúc, thì người nào trong số những người thừa kế theo pháp luật đang
quản lý hợp pháp di sản đó được hưởng di sản đó; nếu người đang quản lý hợp
pháp di sản dùng vào việc thờ cúng không phải là người thừa kế theo pháp luật,
thì người thừa kế theo quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh Thừa
kế mà đang còn sống vào thời điểm xảy ra tranh chấp về di sản đó được
hưởng.
4.
VỀ NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT
a)
Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-01-1960 - ngày công bố
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 - đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977 -
ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước -
đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra
Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực
pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của
người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả
các người vợ.
b)
Con trong giá thú hay con ngoài giá thú của một người đều là người thừa kế hàng
thứ nhất của người đó.
Cha,
mẹ của người con trong giá thú, cha, mẹ của người con ngoài giá thú là những
người thừa kế hàng thứ nhất của người con của mình.
Người
vừa có con trong giá thú vừa có con ngoài giá thú là người thừa kế hàng thứ
nhất của tất cả các người con của mình.
c)
Người vừa có con đẻ vừa có con nuôi là người thừa kế hàng thứ nhất của cả con
đẻ và con nuôi của mình.
d)
Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là những người thừa kế hàng thứ hai của
cháu nội, cháu ngoại của mình; nhưng cháu nội, cháu ngoại không phải là người
thừa kế hàng thứ hai của các ông, bà vì cha, mẹ của cháu (tức là con của ông,
bà) là người thừa kế hàng thứ nhất của ông, bà, nếu cha, mẹ cháu chết trước
ông, bà thì cháu là người thừa kế thế vị.
đ)
Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ của người nuôi dưỡng và
cũng không đương nhiên trở thành anh, chị, em của con đẻ của người nuôi. Do đó,
con nuôi không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ và con đẻ của
người nuôi.
e)
Anh ruột, chị ruột, em ruột là anh, chị, em cùng mẹ hoặc cùng cha, nghĩa là một
người mẹ sinh bao nhiêu người con thì bấy nhiêu người con đó đều là anh, chị,
em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các con đó là cùng cha hay khác cha.
Cũng tương tự như vậy, một người cha sinh ra bao nhiêu con thì bấy nhiêu người
con đó đều là anh, chị, em ruột của nhau, không phụ thuộc vào việc các người
con đó cùng mẹ hay khác mẹ. Con riêng của vợ và con riêng của chồng thì không
phải là anh, chị, em ruột của nhau.
g)
Cụ nội của một người là người sinh ra ông nội hoặc bà nội của người đó. Cụ
ngoại của một người là người sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó. Như
vậy, các cụ của một người gồm có cha đẻ, mẹ đẻ của ông nội, bà nội và cha đẻ,
mẹ đẻ của ông ngoại, bà ngoại của người đó. Người đó là chắt của các cụ.
Các
cụ là người thừa kế hàng thứ ba của chắt, nhưng chắt không phải là người thừa
kế hàng thứ ba của các cụ (tương tự như ông, bà, là người thừa kế hàng thứ hai
của cháu, nhưng cháu không phải là người thừa kế hàng thứ hai của ông, bà).
5.
VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ
Điều
26 quy định: "Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước
người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu hưởng
nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được
hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống".
Trong
quy định trên có một số điểm cần chú ý như sau:
a)
Cháu phải sống vào thời điểm ông, bà chết mới là người thừa kế thế vị tài sản
của ông, bà. Chắt phải sống vào thời điểm cụ chết mới là người thừa kế thế vị
tài sản của cụ.
b)
Trong trường hợp con nuôi chết trước cha nuôi, mẹ nuôi, thì con của người nuôi
(tức là cháu của cha nuôi, mẹ nuôi) được hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha, mẹ
của chắt được hưởng nếu cha, mẹ của chắt còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
c)
Cháu sinh ra sau khi ông, bà chết nhưng đã thành thai trước khi ông, bà chết
cũng là người thừa kế thế vị tài sản của ông, bà. Chắt sinh ra sau khi cụ chết,
nhưng đã thành thai trước khi cụ chết cũng là người thừa kế thế vị tài sản của
cụ.
d)
Các cháu được hưởng chung phần di sản mà đáng lẽ cha, hoặc mẹ của cháu được
hưởng nếu cha, hoặc mẹ của cháu không chết trước ông, bà. Trong trường hợp các
cháu đều đã chết trước ông, bà thì chắt được hưởng thừa kế thế vị. Các chắt
được hưởng chung phần di sản mà đáng lẽ cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu cha
hoặc mẹ của chắt không chết trước cụ của chắt.
6.
VỀ VIỆC THỪA KẾ TÀI SẢN CỦA CON NUÔI, CHA NUÔI, MẸ NUÔI
Điều
27 quy định: "Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế tài sản của nhau
và còn được thừa kế tài sản theo quy định tại Điều 25 và Điều 26
của Pháp lệnh này".
Quy
định trên được hiểu như sau:
a)
Về phía gia đình cha nuôi, mẹ nuôi: con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha
nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha, mẹ và con đẻ của người nuôi.
Trong
trường hợp người có con nuôi kết hôn với người khác thì người con nuôi không
đương nhiên trở thành con nuôi của người khác đó cho nên họ không phải là người
thừa kế của nhau theo pháp luật.
b)
Về phía gia đình cha, mẹ đẻ: Người đã làm con nuôi của người khác vẫn có quan
hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột,
chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Pháp lệnh Thừa kế như người không làm con
nuôi của người khác.
7.
VỀ QUAN HỆ THỪA KẾ GIỮA CON RIÊNG VÀ CHA KẾ, MẸ KẾ
Điều
27 quy định: "Con riêng và cha kế, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi
dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế tài sản của nhau, ngoài ra họ
vẫn được thừa kế tài sản theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 của
Pháp lệnh này".
Trong
quy định trên, có một số điểm cần chú ý như sau:
a)
Nói chung con riêng và cha kế, mẹ kế không được thừa kế tài sản của nhau, vì
không có quan hệ huyết thống với nhau.
Tuy
nhiên, nếu cha kế, mẹ kế chăm sóc, nuôi dưỡng con riêng thì cha kế, mẹ kế là
người thừa kế hàng thứ nhất của con riêng, nếu con riêng chăm sóc, nuôi dưỡng
cha kế, mẹ kế thì con riêng là người thừa kế hàng thứ nhất của cha kế, mẹ kế;
nếu cha kế, mẹ kế chăm sóc, nuôi dưỡng con riêng và con riêng cũng chăm sóc,
nuôi dưỡng cha kế, mẹ kế thì họ là người thừa kế hàng thứ nhất của nhau.
8.
VỀ VIỆC KHƯỚC TỪ QUYỀN HƯỞNG DI SẢN,NHƯỜNG QUYỀN HƯỞNG DI SẢN
Khước
từ quyền hưởng di sản là việc người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật
hoàn toàn từ bỏ quyền hưởng di sản. Việc người thừa kế nhường quyền hưởng di
sản cho người thừa kế theo di chúc hoặc cho người thừa kế theo pháp luật cũng
được coi là khước từ quyền hưởng di sản. Toà án không chấp nhận việc người thừa
kế khước từ quyền hưởng di sản nếu thấy việc khước từ đó nhằm trốn tránh việc
thực hiện nghĩa vụ của bản thân về trả nợ, bồi thường thiệt hại, đóng góp phí
tổn nuôi con hoặc cấp dưỡng cho vợ, chồng sau khi ly hôn...
9.
VỀ PHÂN CHIA DI SẢN
Khi
phân chia di sản theo quy định tại Điều 35 của Pháp lệnh,
cần chú ý một số điểm sau:
a)
Nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra, thì Toà án
phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu
người thừa kế đó còn sống khi sinh ra thì được hưởng, nếu chết trước khi sinh
ra thì những người thừa kế khác cùng hàng được hưởng chung phần di sản đó.
Trong trường hợp sinh đôi, sinh ba... nếu những người mới sinh ra còn sống từ
hai người trở lên và đương sự có yêu cầu, thì phải huỷ bản án đã có hiệu lực
pháp luật theo thủ tục tái thẩm để phân chia lại tài sản nhằm bảo đảm quyền
được hưởng phần di sản ngang nhau của những người thừa kế cùng hàng.
b)
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật. Trong
trường hợp không thể phân chia được hiện vật hoặc không thể chia đều hiện vật
thì người nhận toàn bộ hiện vật hoặc nhận hiện vật có giá trị cao phải thanh
toán tiền chênh lệch cho người không nhận hiện vật hoặc nhận hiện vật có giá
trị thấp. Tuy nhiên, khi phân chia tài sản, Toà án cần chú ý bảo đảm tối đa giá
trị sử dụng tài sản, khả năng sử dụng hợp lý tài sản, ổn định đời sống của
những người thừa kế và bảo đảm đoàn kết trong gia đình.
10.
VỀ THỜI HIỆU KHỞI KIỆN
Khi
áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định Điều 36 của
Pháp lệnh Thừa kế cần chú ý như sau:
a)
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà công dân, tổ chức có quyền khởi kiện để yêu
cầu Toà án bảo vệ lợi ích của mình. Quá thời hạn đó, họ không có quyền khởi
kiện nữa. Có hai thời hạn cho hai loại quyền khởi kiện khác nhau đã được quy
định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 36, khi áp dụng
cần tránh nhầm lẫn.
b)
Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện
được tính từ ngày 10-9-1990, do đó:
-
Sau ngày 10-9-2000, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản,
xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác;
-
Sau ngày 10-9-1993, đương sự không có quyền khởi kiện để yêu cầu người thừa kế
thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các chi phí từ
di sản.
c)
Đối với trường hợp đã quá các thời hạn quy định tại Điều này mà đương sự mới
khởi kiện vì có trở ngại khách quan như đương sự bị mất năng lực hành vi, do ốm
đau, tai nạn... thì Toà án vẫn thụ lý và giải quyết theo thủ tục chung. Trong
trường hợp đương sự đã không thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn quy định
mà không khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các
vụ án dân sự có lý do chính đáng thì Toà án trả lại đơn kiện cho đương sự
theo quy định tại.
d)
Đối với người thừa kế là người chưa thành niên vào thời điểm mở thừa kế thì
thời hiệu khởi kiện về thừa kế được tính từ ngày họ đủ 18 tuổi.
e)
Pháp lệnh Thừa kế có hiệu kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh công bố
Pháp lệnh là ngày 10-9-1990. Do đó, kể từ ngày 10-9-1990, đối với các vụ án về
thừa kế đang được giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hoặc đã có kháng
nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thì đều phải áp dụng các quy định của Pháp
lệnh để giải quyết.
Đối
với những vụ án về thừa kế đã được giải quyết trước ngày 10-9-1990 theo đúng
Thông tư số 81/TANDTC ngày 24-7-1981 của Toà án nhân dân tối cao mà bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng các quy định của Pháp
lệnh này để giải quyết lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
|
Phạm Hưng (Đã ký) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét