Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

NGHỊ QUYẾT (dự thảo) Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự

NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và

Điều 52 của Bộ luật Hình sự

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại Điều 51 và 52 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và

Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Điều 2. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 của Bộ luật Hình sự

1. Về tình tiết “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã ngăn cản không cho tác hại của tội phạm xảy ra hoặc hạn chế tối đa tác hại của tội phạm

2. Về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự xác định như sau:

  • 1 Mục 6.2.1.1 Sổ tay Thẩm phán năm 2023

a) Bị cáo là người chưa thành niên có tài sản riêng hoặc cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

b) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

c) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;

đ) Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè...) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;

e) Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (Ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

3. Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Phạm Văn T dùng vũ lực uy hiếp và để bảo vệ mình, A đã phản kháng và giằng co với T. Khi T té xuống đất thì A không chấm dứt hành vi tự vệ mà tiếp tục dùng tảng đá gần đó tấn công vào người T dẫn đến tổn thương cơ thể 54%.

4. Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế xảy ra hoặc đe dọa lợi ích của Cơ quan, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

5. Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp vì mục đích bắt giữ người phạm tội mà cố ý thực hiện những hành vi vượt quá mức cần thiết và gây thiệt hại cho người phạm tội hoặc một chủ thể bất kỳ.

Ví dụ: Nguyễn Văn A đuổi bắt Nguyễn Văn C do có hành vi cướp giật túi xách của người đi đường. Khi đuổi theo, A đã đạp liên tiếp vào xe máy của C đang đi, khiến C bị ngã và gãy chân, tổn thương cơ thể 61%.

6. Về tình tiết “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự xác định như sau :

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi phạm tội. Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, tính tình, cá tính của mỗi bên, mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

Trường hợp hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích

  • 2 Điểm b, mục 1, chương 2 Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự

động mạnh, nhưng chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại bị hại có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Trường hợp hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng thì cũng được coi là phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.

Ví dụ: hai anh em rể ở chung nhà bố mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo, vu khống, nhục mạ người em nên người anh bị em giết. Trường hợp người dùng chất kích thích mạnh khác mà có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng mà người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh.

7. Về tình tiết “Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do tự mình gây ra” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không phải lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội. Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra và có thể do thiên tai, địch hoạ hoặc do nguyên nhân khác gây ra (có thể do người khác gây ra). Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ hai điều kiện “phải do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội” và “hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra”. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ, hoàn cảnh khó khăn và khả năng khắc phục của người phạm tội.

8. Về tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó và việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.

Ví dụ 1: Rút súng bắn nhưng không trúng người; trộm cắp tài sản ra khỏi nhà nhưng bị bắt quả tang....

Ví dụ 2: Bỏ thuốc độc vào cơm cho người khác ăn để giết người nhưng người đó không chết, chỉ tổn hại 11% sức khỏe; trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 05 triệu đồng....

  • 3 Mục 6.2.1.8 trang 150 Sổ tay Thẩm phán năm 2023

9. Về tình tiết “Phạm tội lần đầu” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự thuộc một trong các trường hợp như sau:

a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;

b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

10. Về tình tiết “Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp là trường hợp người phạm tội bị người khác dọa trừng phạt hoặc dùng vũ lực, đe doạ dung vũ lực khiến người phạm tội lo sợ và buộc phải thực hiện hành vi phạm tội.

11. Về tình tiết “Bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp khi thực hiện tội phạm, người phạm tội đang trong tình trạng nhận thức về hành vi phạm tội của mình một cách không đầy đủ, nhất thời hoặc do khách quan mang lại mà không phải do ý muốn chủ quan của người đó.

Ví dụ: Do bị lừa gạt, bị lừa dối cưỡng ép sử dụng rượu hoặc các chất kích thích mạnh dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội, họ không có lỗi dẫn đến tình trạng này.

12. Về tình tiết “Phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung của xã hội. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội do lạc hậu” nếu sự lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại, như do đời sống xã hội nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết cái đúng, cái sai trong cuộc sống.

13. Về tình tiết “Người phạm tội là phụ nữ có thai”, “Người phạm tội là người từ đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại các điểm n, o khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai, người từ đủ 70 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai,

  • 4- Công văn số 194/TANDTC-PC ngày 06/12/2022 của TANDTC trả lời Tòa án quân sự Trung ương và khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
  • - Mục 1 phần I Công văn số 206/TANDTC-PC ngày 27/12/2022.
  • 5 Mục 6.2.1.9 Sổ tay Thẩm phán năm 2023
  • 6 Mục 6.2.1.11 trang 152 Sổ tay Thẩm phán năm 2023
  • 7 Mục 9 phần I của Thông báo số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019
  • 8 Mục 3 phần I của Giái đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021

mới là người từ đủ 70 tuổi trở lên thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm n, 0 khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo.

14. Về tình tiết “Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng” quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau:

a) Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, chăm sóc;

b) Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không thể tự kiểm soát hoặc không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà luôn phải có người theo dõi, chăm sóc;

c) Người khuyết tật nếu không còn khả năng phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì coi là người khuyết tật đặc biệt nặng; nếu có khả năng tự phục vụ sinh hoạt khi có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm lao động từ 61% đến 80% thì coi là người khuyết tật nặng.

15. Về tình tiết “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau:

a) Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức là người khi phạm tội họ mắc một bệnh mà bệnh đó làm cho họ nhận thức không đầy đủ được tính chất nguy hiểm về hành vi của mình, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra. Pháp luật chỉ thừa nhận và giảm nhẹ hình phạt cho họ nếu như bệnh đó do bẩm sinh hoặc do những tác động khách quan đưa đến. Nếu do tự họ gây ra thì không được giảm nhẹ;

b) Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình là trường hợp họ vẫn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó, nhưng họ không điều khiển được hành vi theo ý muốn (hạn chế về hoạt động cơ học của cơ thể).

Ví dụ: Muốn nói mà không nói được, muốn giữ lại hoặc chống lại mà không hành động được hoặc có hành động nhưng không được như ý muốn.

16. Về tình tiết “Người phạm tội tự thú” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội tự nguyện khai báo

  • 9 điểm a, b khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Người khuyết tật.

với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

17. Về tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải”  quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra. Tình tiết “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người phạm tội bị bắt quả tang, nhưng sau khi bị bắt đã khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì Toà án áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo cho họ. Nếu sau khi bị bắt người phạm tội quanh co, chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật của vụ án và chỉ sau khi cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được đầy đủ hành vi phạm tội của họ, họ mới nhận sự việc phạm tội của họ đúng như cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, trong trường hợp tại cơ quan Điều tra hoặc tại phiên toà sơ thẩm người phạm tội quanh co, chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật, nhưng sau khi có kết luận Điều tra hoặc sau khi xét xử sơ thẩm đến phiên toà phúc thẩm đã khai báo lại một cách đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội, thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo đối với họ, nhưng mức độ giảm nhẹ trong trường hợp này không thể bằng trong trường hợp ngay từ đầu họ đã khai báo đầy đủ.

18. Về tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới.

19. Về tình tiết “Người phạm tội đã lập công chuộc tội” quy định tại điểm u khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn tội phạm khác,

  • 10 Mục 3 phần I của Thông báo số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019; Công văn số 174/TANDTC-PC ngày 31/8/2023
  • 11 Mục 5 Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002

tham gia phát hiện tội phạm, bắt người phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.

20. Về tình tiết “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau:

a) Người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng;

b) Người được tặng Kỷ niệm chương là hình thức khen thưởng để tặng cho cá nhân có sự đóng góp vào quá trình phát triển của Bộ, ban, ngành, tỉnh, tổ chức chính trị.

21. Về tình tiết “Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự gồm các trường hợp như sau:

a) Bị cáo là thương binh; là người được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến;

b) Cha, mẹ, vợ, chồng, con của bị cáo là liệt sĩ. Trường hợp bị cáo là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ hoặc là vợ, chồng liệt sĩ nhưng người này đã chết thì cũng được áp dụng tình tiết người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

22. Các tình tiết sau đây có thể coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự:

a) Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

b) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

c) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu;

  • 12 Mục 3 phần I của Thông báo số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019
  • 13 Được đề cập tại Pháp lệnh ưu đãi số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020).

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Chỉ có những người được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến mới là người có công với cách mạng và được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51. Đối với các trường hợp khác như Huân chuơng, Huy chương khác như Lao động, Chiến công, Quân công,... sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm v khoản 1 Điều 51.

d) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có Huân, huy chương;

đ) Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Công ty, xí nghiệp tặng giấy khen;

e) Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.

Ví dụ: Bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác... thì khi xét xử Toà án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Điều 3. Một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 của Bộ luật Hình sự

1. Về tình tiết “Phạm tội có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu.

2. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

  • 14 Mục 2 Công văn số 148/2002/KHXX ngày 30/9/2002 của TANDTC

3. Về tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc người có chức vụ, quyền hạn dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.15 Người có chức vụ theo quy định của Bộ luật hình sự là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

4. Về tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hành động coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối an ninh trật tự, sẵn sàng dùng vũ lực, thích dùng vũ lực, tạo các băng nhóm chuyên thực hiện hành vi uy hiếp người khác phải khuất phục mình.

Ví dụ: Đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người va chạm với mình, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ.

5. Về tình tiết “Phạm tội vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc, hèn nhác nhằm mục đích trả thù hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình hoặc vì các động cơ tư lợi, thấp hèn khác.

Ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân; giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phục khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ,...

6. Về tình tiết “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm.

Ví dụ: Lê Văn A và Nguyễn Văn B xảy ra va chạm khi đang điều khiển xe máy khiến cả hai nảy ra xô xát. A rút dao được cất trong cốp xe và đâm 02 nhát vào phần lưng của B. Sau một hồi chống trả thì B đã chạy thoát được nhưng A không chấm dứt hành vi của mình mà tiếp tục truy đuổi B và dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào bụng B khiến B tử vong.

  • 15 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ
  • 16 Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ năm 1986 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về tội giết người với tình tiết định khung vì động cơ đê hèn. Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
  • 17 Mục 6.2.2.6 Sổ tay Thẩm phán năm 2023

7. Về tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên đối với một tội phạm mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Về tình tiết “Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu như sau:

a) Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

b) Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

9. Tình tiết “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự chỉ áp dụng đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên. “Phụ nữ có thai” được xác định bằng cách chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

10. Về tình tiết “Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc người phạm tội lợi dụng sự không tỉnh táo, không thể phản kháng hoặc làm chủ bản thân của người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác để thực hiện hành vi phạm tội.

11. Về tình tiết “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là ngườiphạm tội phải lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.

12. Về tình tiết “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được xác định như sau:

a) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội sử dụng những cách thức, phương thức thực hiện khôn khéo, kín đáo nhằm mục đích che dấu cho hành vi phạm tội làm cho bị hại hoặc những người khác khó nhận ra hoặc phát hiện ra;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao đê thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm20;

c) Dùng thủ đoạn tàn ác khác để phạm tội là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội đã dùng những thủ đoạn thâm độc, tàn nhẫn21

13. Về tình tiết “Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn, phương tiện không chỉ nhằm xâm hại cho một người nào đó mà thủ đoạn, phương tiện đó còn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người khác.

14. Tình tiết “Xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự chỉ áp dụng khi có hai điều kiện:

a) Bị cáo là người đã thành niên;

b) Bị cáo biết rõ người bị xúi giục là người chưa thành niên.

15. Về tình tiết “Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự được hiểu là hành động thâm độc, khó mà lường thấy trước được hoặc là hành động dữ tợn, phá phách, đánh giết người nhằm trốn tránh, tẩu thoát hoặc để che dấu tội phạm.

  • 18 Mục 6.2.2.11 Sổ tay Thẩm phán năm 2023
  • 19 Mục 6.2.2.12 trang 162 Sổ tay Thẩm phán năm 2023
  • 20 Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP
  • 21 Mục 6.2.2.12 trang 163 Sổ tay Thẩm phán năm 2023
  • 22 Tại tiểu mục 10 Thông báo giải đáp vướng mắc nghiệp vụ Tòa án quân sự tại Hội nghị Tổng kết năm 2011 của Tòa án quân sự Trung ương

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự

1. Khi xác định mức hình phạt mà người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

2. Khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (ở khoản nặng hơn) mặc dù họ cũng phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung ở khoản nhẹ hơn và tình tiết nhẹ hơn cũng được Bộ luật Hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

4. Việc xác định thời điểm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một số trường hợp phải rõ ràng, bảo đảm tính công bằng.

Ví dụ 1: Thời điểm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự là trước khi mở phiên tòa người phạm tội phải bồi thường hoặc tác động gia đình bồi thường thì mới áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Ví dụ 2: Thời điểm để áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự thì trước khi phạm tội, người phạm tội đã là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.

5. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” đối với trường hợp phạm tội từ 05 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Ví dụ: Nguyễn Văn B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

6. Về áp dụng tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” trong các trường hợp người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo về hành vi vi phạm trước đó của họ để đảm bảo sự công bằng trước pháp luật với các trường hợp che dấu tội phạm

  • 23 Mục 7 Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TANDTC

và phù hợp với nguyên tắc xử lý theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Hình sự. Đối với trường hợp khi bắt được người phạm tội, họ không chỉ khai nhận thành khẩn về hành vi phạm tội đã bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện mà người phạm tội còn tự thú khai báo những hành vi phạm tội của họ trước đó, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Khi xét xử, trường hợp này cần áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo tại các điểm r, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở đó có thể xem xét và áp dụng khoản 3 Điều 54 của Bộ luật hình sự đối với họ.

7. Đối với bị cáo là tái phạm nguy hiểm, cùng một lúc phạm 02 tội, thì phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” đối với cả 02 tội. Nếu điều luật quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết định khung hình phạt, nếu điều luật không quy định “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt, thì áp dụng là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày....tháng.... năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng....năm 2024.

2. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các văn bản hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

CHÁNH ÁN

Nguyễn Hòa Bình

Nơi nhận:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để giám sát);

- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (để giám sát);

- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (để giám sát);

- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;

- Ban Nội chính Trung ương (để báo cáo);

- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);

- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp);

- Bộ Tư pháp (để phối hợp);

- Bộ Công an (để phối hợp);

- Các TAND và TAQS các cấp (để thực hiện);

-Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC (để thực hiện);

- Cổng thông tin điện tử TANDTC (để đăng tải);

- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH TANDTC.

 


 

24 Mục 8 Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của TANDTC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét