Phụ lục VII
YÊU CẦU ĐỐI VỚI THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH
LẮP ĐẶT TRÊN TÀU CÁ
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP
ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
___________
1. Phải được kết nối,
đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu của đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ
giám sát tàu cá.
2. Tối thiểu có kết
nối truyền dữ liệu thông qua vệ tinh; thiết bị có thể tích hợp thêm tính năng
truyền dữ liệu qua thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử
dụng các băng tần MF, HF, VHF; truyền dữ liệu tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần
suất 02 giờ/lần các thông tin: vị
trí tàu (kinh độ, vĩ độ) theo thời gian thực, thời gian
(phút/giờ/ngày/tháng/năm - giờ Việt Nam); tốc độ tàu; mã nhận dạng thiết bị;
trạng thái của thiết bị; có khả năng cảnh báo sớm tối thiểu 01 hải lý trước
vùng cấm khai thác, vượt qua ranh giới cho phép trên biển bằng âm thanh hoặc
đèn. Thiết bị dừng cảnh báo khi tàu quay lại ranh giới và ra khỏi vùng cấm khai
thác.
3. Sai số tọa độ vị
trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám
sát hành trình tàu cá không quá 500 mét, độ tin cậy 99%.
4. Mỗi thiết bị phải
có một mã nhận dạng độc lập.
5. Phải đảm bảo hoạt
động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam:
a) Đáp ứng các thử
nghiệm môi trường như: Điều kiện hoạt động trong môi trường biển thử theo mức
khắc nghiệt 3 theo TCVN 7699-2-52:2007. Một chu kỳ thử nghiệm bao gồm: bốn giai
đoạn phun, mỗi giai đoạn 2 giờ, cùng với giai đoạn lưu giữ ở điều kiện ẩm từ 20
giờ đến 22 giờ sau mỗi giai đoạn phun; sau đó một giai đoạn bảo quản là ba ngày
trong điều kiện khí quyển tiêu chuẩn để thử nghiệm ở (23 ± 2)° C và độ ẩm từ
45% đến 55%; điều kiện hoạt động trong môi trường rung theo TCVN 7699-2-6:2009.
Thiết bị phải đáp ứng được các yêu cầu của phép kiểm tra đặc tính; thiết bị đặt
trong ca bin tàu cá tối thiểu đạt IP66, ăng ten và các cấu phần của thiết bị
đặt bên ngoài tối thiểu đạt IP67. Phương pháp thử theo TCVN 4255:2008 (IEC
60529:2001).
b) Phải thỏa mãn các
quy chuẩn tương thích điện từ QCVN 18: 2022/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về Tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến điện; QCVN 47: 2015/
BTTTT về tần số vô tuyến điện và phổ bức xạ áp dụng cho máy thu phát vô tuyến điện;
QCVN 12: 2015/BTTTT về thiết bị đầu cuối thông tin di động GSM.
6. Thiết bị giám sát
hành trình trên tàu cá phải có các thành phần, bộ phận như sau:
a) Bộ nhớ để lưu
trữ các dữ liệu hành trình theo quy định. Thời gian lưu trữ 01 tháng gần nhất
đối với dữ liệu mất sóng chưa gửi được, 06 tháng với dữ liệu lưu nội tại trong
bộ nhớ thiết bị. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mất kết
nối máy chủ thời gian dài, chỉ gửi lại 01 tháng gần nhất khi có sóng. Có khả
năng ghi nhận và lưu vào bộ nhớ nội dung các thông tin tối thiểu trong vòng 6
tháng gần nhất, đảm bảo tối thiểu 15 phút ghi nhận 1 lần. Thông tin đảm bảo
không bị thay đổi, mất trong quá trình hoạt động.
b) Bộ phận thông báo về tình trạng hoạt động
bằng màn hình hoặc LED trạng thái. Các trạng thái phải thông báo được gồm có:
nguồn chính, nguồn phụ (pin dự phòng), tình trạng định vị vị trí, tình trạng
kết nối vệ tinh, tình trạng hoạt động bình thường hay có lỗi của thiết bị. Phải
có nhãn hướng dẫn phân biệt các trạng thái này và các trạng thái cảnh báo khác.
c) Tối thiểu một nút bấm khẩn cấp ở vị trí dễ
thao tác. Kết cấu của nút bấm phải có bảo vệ để tránh khả năng bấm nhầm.
d) Cổng trích xuất dữ liệu để đọc thông tin từ
bộ nhớ của thiết bị. Đơn vị cung cấp thiết bị có trách nhiệm bàn giao và hướng
dẫn sử dụng cho Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và người sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Các tùy chọn mở rộng cho phép thêm các chuẩn giao tiếp không dây khác như
bluetooth, wifi.
đ) Có nguồn phụ
(pin dự phòng) với dung lượng đảm bảo cho thiết bị hoạt động liên tục trong
vòng ít nhất 24 giờ kể từ khi mất nguồn chính.
7. Nguồn điện sử dụng cho thiết bị giám sát hành trình được lấy từ điện ắc quy trên tàu. Cho phép sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời và phải đảm bảo sự liên tục trong việc cung cấp điện. Mức điện áp sử dụng của thiết bị phải phù hợp với mức điện áp danh định của tàu cá và có khả năng chịu cắm ngược cực theo quy định như sau: Điện áp danh định 12 (V), điện áp thử nghiệm cắm ngược cực 14 ± 0,1 (V); điện áp danh định 24 (V), điện áp thử nghiệm cắm ngược cực 28 ± 0,2 (V); điện áp danh định 136 (V), điện áp thử nghiệm cắm ngược cực 42 ± 0,2 (V).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét