BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
|
|
Số: 35/2014/TT-BTNMT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 6
năm 2014 |
THÔNG TƯ
Quy định việc điều
tra, đánh giá đất đai
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013
của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Vụ trưởng Vụ
Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc
điều tra, đánh giá đất đai.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về hoạt động, nội dung, trách nhiệm tổ chức
thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo quy định của Luật
Đất đai, bao gồm:
a) Điều tra, đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh
giá thoái
hóa đất, ô nhiễm đất; điều tra, phân hạng đất nông nghiệp;
b) Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề;
c) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất.
2. Thông tư này không quy định việc thống kê, kiểm kê đất đai; điều tra thống kê giá đất, theo dõi biến động giá đất.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan
chuyên môn về tài nguyên và môi trường, các tổ chức, cá nhân có liên
quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất lượng đất là thuộc tính của đất có ảnh hưởng tới tính
bền vững đối với mục đích sử dụng đất cụ thể.
2. Tiềm năng đất đai là khả năng về số lượng, chất lượng đất cho
mục đích sử dụng đất.
3. Đất bị thoái hóa là đất bị thay đổi những đặc tính
và tính chất vốn có ban đầu (theo chiều hướng xấu) do tác động của điều kiện tự
nhiên và con người.
4. Ô nhiễm đất là sự gia tăng hàm lượng của một số chất, hợp
chất so với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép làm
nhiễm bẩn đất.
5. Phân hạng đất nông nghiệp là phân chia đất nông nghiệp thành
các hạng đất phù hợp với từng mục đích sử dụng cụ thể.
6. Bản đồ chất lượng đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và
ranh giới không gian của từng khoanh đất theo chất lượng đất.
7. Bản đồ tiềm năng đất đai là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và
ranh giới không gian của từng khoanh đất ứng với từng mức tiềm năng cụ thể.
8. Bản đồ ô nhiễm đất là bản đồ thể hiện vị trí, quy mô và ranh
giới không gian các khoanh đất hoặc các điểm bị ô nhiễm đất.
9. Bản đồ phân hạng đất nông nghiệp là bản đồ thể hiện sự phân
bố các khoanh đất theo các hạng đất.
10. Quan trắc tài nguyên đất là quá trình thu thập thông tin,
lấy mẫu, phân tích đất theo các chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất, thoái
hóa đất, ô nhiễm đất tại các vị trí cố định, vào thời điểm nhất định trong năm.
11. Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề là hoạt động điều
tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất, ô
nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp đối với loại đất cụ thể theo yêu cầu quản
lý nhà nước về đất đai ở Trung ương tại một thời điểm xác định.
Chương II
HOẠT ĐỘNG, NỘI DUNG ĐIỀU
TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI
Điều 4. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai
1. Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội
(cấp vùng) gồm các hoạt động sau đây:
a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra thoái
hóa đất;
b) Quan trắc giám sát tài nguyên đất;
c) Điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề.
2. Điều tra, đánh giá đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (cấp tỉnh) gồm các hoạt động sau đây:
a) Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra thoái
hóa đất;
b) Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất được thực hiện ở những khu vực có
nguồn gây ô nhiễm ở địa phương;
c) Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp được thực hiện đối với nhóm đất
nông nghiệp trừ đất nông nghiệp khác.
3. Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai được thực hiện theo định kỳ
hoặc thực hiện đột xuất theo nhiệm vụ, cụ thể như sau:
a) Các hoạt động quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm a, b, c Khoản 2 Điều
này được thực hiện định kỳ 5 năm một lần, điều tra toàn diện lần đầu và rà
soát, điều chỉnh, bổ sung cho những lần tiếp theo;
b) Hoạt động quan trắc giám sát tài nguyên đất được thực hiện hàng năm;
c) Hoạt động điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được thực hiện
đột xuất theo yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai khi có quyết; định phê duyệt
nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, cấp vùng
1. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai lần đầu, gồm:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ;
b) Lập kế hoạch và điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa;
c) Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội và ngoại nghiệp;
d) Xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; bản đồ thoái
hóa đất;
đ) Phân tích thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái
hóa đất;
e) Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử
dụng đất bền vững;
g) Xây dựng báo cáo đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái
hóa đất.
2. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai lần tiếp theo, gồm:
a) Điều tra bổ sung thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ, khảo sát thực
địa và xử lý tài liệu điều tra;
b) Xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; bản đồ thoái
hóa đất;
c) Phân tích, đánh giá những thay đổi về chất lượng đất, tiềm năng đất
đai; thoái
hóa đất so với kỳ trước và đề xuất bổ sung các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và
định hướng quản lý sử dụng đất bền vững;
d) Xây dựng báo cáo đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái
hóa đất.
3. Nội dung quan trắc giám sát tài nguyên đất hàng năm, gồm:
a) Lập kế hoạch và lấy mẫu quan trắc tài nguyên đất;
b) Tổng hợp số liệu quan trắc, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về chất
lượng đất; thoái hóa đất; ô nhiễm đất và cảnh báo sớm các khu vực đất
bị thoái
hóa, ô nhiễm mạnh cần giám sát;
c) Xây dựng báo cáo quan trắc giám sát tài nguyên đất.
4. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề, gồm:
a) Xác định địa bàn điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề;
b) Điều tra bổ sung thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ, khảo sát thực
địa và xử lý tài liệu điều tra;
c) Xây dựng các bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai và thoái
hóa đất của loại đất theo chuyên đề;
d) Phân tích, đánh giá những thay đổi về chất lượng đất, tiềm năng đất
đai; thoái
hóa đất của loại đất theo chuyên đề điều tra và đề xuất bổ sung các giải pháp
bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử dụng đất bền vững;
đ) Xây dựng báo cáo đánh giá kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo
chuyên đề.
Điều 6. Nội dung điều tra, đánh giá đất đai cấp tỉnh
1. Nội dung điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái
hóa đất được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Điều tra, đánh giá lần đầu thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều
5 của Thông tư này;
b) Điều tra, đánh giá lần tiếp theo thực hiện theo quy định tại Khoản 2
Điều 5 của Thông tư này.
2. Nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, gồm:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ để xác định các nguồn
gây ô nhiễm đất, các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất;
b) Lập kế hoạch và điều tra lấy mẫu đất tại thực địa;
c) Phân tích mẫu đất, tổng hợp số liệu và cảnh báo các khu vực đất bị ô
nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm (cận ô nhiễm);
d) Xây dựng bản đồ các khu vực đất bị ô nhiễm;
đ) Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng quản lý sử
dụng đất bền vững;
e) Xây dựng báo cáo đánh giá về thực trạng ô nhiễm đất.
3. Nội dung điều tra, phân hạng đất nông nghiệp, gồm:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ;
b) Lập kế hoạch và điều tra thực địa hiệu quả sử dụng đất;
c) Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội nghiệp và ngoại nghiệp;
d) Xây dựng bản đồ phân hạng đất nông nghiệp;
đ) Xây dựng báo cáo kết quả phân hạng đất nông nghiệp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐIỀU TRA,
ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI
Điều 7. Trách nhiệm thực hiện, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất
đai
1. Tổng cục Quản lý đất đai có
trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trên phạm vi
cả nước;
b) Triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, cấp
vùng;
c) Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất theo
mô hình thống nhất, tổ chức thực hiện việc quan trắc giám sát tài nguyên đất;
d) Triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề phục
vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai;
đ) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của cấp
tỉnh;
e) Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê
duyệt kế hoạch thực hiện; kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, cấp
vùng; kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề và công bố kết quả trên
cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Ủy
ban nhân dân
cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Phê duyệt kế hoạch thực hiện, kết quả điều tra, đánh giá đất đai tại
địa phương và công bố trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh;
b) Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi
trường.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương;
b) Triển khai thực hiện điều tra, đánh giá đất đai tại địa phương;
c) Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch thực hiện; kết quả điều tra,
đánh giá đất đai tại địa phương và công bố trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh.
Điều 8. Hồ sơ trình phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá đất đai
1. Tờ trình phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất,
tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều
tra, phân hạng đất nông nghiệp; quan trắc giám sát tài nguyên đất; điều tra,
đánh giá đất đai theo chuyên đề.
2. Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm
năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều
tra, phân hạng đất nông nghiệp; điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề; báo
cáo kết quả quan trắc giám sát tài nguyên đất.
3. Bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất, ô
nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp.
Điều 9. Tài liệu công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai
1. Quyết định phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất,
tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều
tra, phân hạng đất nông nghiệp; quan trắc giám sát tài nguyên đất.
2. Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm
năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; điều
tra, phân hạng đất nông nghiệp; báo cáo kết quả quan trắc giám sát tài nguyên
đất.
3. Bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai; thoái hóa đất, ô
nhiễm đất; phân hạng đất nông nghiệp.
Điều 10. Thời điểm báo cáo, công bố kết quả điều tra,
đánh giá đất đai
1. Thời điểm nộp báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai trước ngày
15 tháng 3 các năm có số cuối là số 5 và số 0.
Đối với kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất lần đầu
nộp báo cáo trước ngày 15 tháng 3 năm 2015.
Đối với kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, ô
nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu nộp báo cáo trước ngày 15 tháng
3 năm 2020.
2. Thời điểm nộp báo cáo kết quả quan trắc giám sát tài
nguyên đất trước ngày 15 tháng 3 hàng năm, bắt đầu từ năm 2020, trừ những năm
thực hiện công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo quy định tại Khoản 1
Điều này.
3. Thời điểm nộp báo cáo kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên
đề được thực hiện theo yêu cầu của dự án nhiệm vụ.
4. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai được công bố công khai chậm nhất
là 30 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê
duyệt.
Điều 11. Lưu trữ kết quả điều tra, đánh giá đất đai
1. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế -
xã hội và kết quả điều tra, đánh giá đất đai theo chuyên đề được lưu trữ 02 bộ
(bản giấy và bản số) tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Kết quả điều tra, đánh giá đất đai cấp tỉnh được lưu trữ 01 bộ (bản
giấy và bản số) tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 bộ (bản giấy và bản số) tại
Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, 01 bộ (bản giấy và bản số) tại Sở Tài nguyên và
Môi trường.
3. Hồ sơ lưu trữ kết quả điều tra, đánh giá đất đai bao gồm các tài
liệu theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
Điều 12. Điều kiện năng lực của đơn vị thực
hiện điều tra, đánh giá đất đai
1. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được thực hiện điều tra, đánh giá
đất đai khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có chức năng thực hiện điều tra, đánh giá đất đai;
b) Có ít nhất 05 cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều
này;
c) Có đủ trang thiết bị và công nghệ phù hợp với phương pháp
thực hiện theo quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá đất đai của Bộ Tài
nguyên và Môi trường.
2. Cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trong tổ chức có chức
năng tư vấn điều tra, đánh giá đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự;
b) Có một trong các bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành
về quản lý đất đai, địa chính, khoa học đất, thổ nhưỡng, môi trường và các
chuyên ngành khác có liên quan đến điều tra, đánh giá đất đai;
c) Có thời gian công tác trong lĩnh vực điều tra, đánh giá đất đai theo
quy định tại Điều 4 của Thông tư này hoặc các điều tra, đánh giá đất trong lĩnh
vực nông nghiệp từ 36 tháng trở lên.
3. Các đơn vị thực hiện phân tích mẫu đất phải có phòng phân tích đất
được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 8 năm 2014.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường cấp tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ
quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem
xét, quyết định./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét