BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
|
|
Số: 37/2014/TT-BTNMT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 6
năm 2014 |
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết
về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
khi nhà nước thu
hồi đất
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của
Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai và Vụ trưởng
Vụ Pháp chế,
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi
tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất
đai; cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường; tổ chức làm nhiệm
vụ bồi
thường, giải phóng mặt bằng.
2. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai
khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ
trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương II
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ NỘI
DUNG VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
Điều 3. Xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại
Việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại quy định tại Điều 3 của
Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là Nghị
định số 47/2014/NĐ-CP) thực hiện theo quy định sau:
1. Hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất chỉ làm căn cứ để chứng
minh về việc người sử dụng đất đã đầu tư vào đất.
2. Hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất gồm các giấy tờ sau
đây:
a) Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất
đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống
xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
b) Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với
từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác
lập tại thời điểm đầu tư.
3. Người có đất thu hồi không có một trong các loại giấy tờ quy định
tại Khoản 2 Điều này nhưng thực tế đã có đầu tư vào đất thì Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc xác
định chi phí đầu tư vào đất còn lại.
4. Công thức tính chi phí đầu tư vào đất còn lại quy định tại Khoản 4
Điều 3 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thực hiện như sau:
a) Việc xác định giá trị các khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại phải
căn cứ vào đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
quy định;
b) Đối với khoản chi phí đầu tư vào đất mà việc đầu tư thực hiện trong
nhiều lần, nhiều năm thì khi xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại được cộng
dồn chi phí của tất cả các lần, các năm đó.
Điều 4. Tái định cư trên diện tích đất còn lại của thửa đất có nhà ở
khi Nhà nước
thu hồi đất
Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để tái định
cư trong trường
hợp thửa đất có nhà ở bị thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không
được công nhận là đất ở quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Nghị định số
47/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở để tái
định cư trong trường hợp thửa đất có nhà ở bị thu hồi còn diện tích đất
nông nghiệp không được công nhận là đất ở chỉ được thực hiện khi phần diện tích
còn lại của thửa đất thu hồi đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh nơi có đất thu hồi.
2. Trường hợp phần diện tích còn lại của thửa đất có nhà ở bị thu hồi
không đủ điều kiện được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh nơi có đất thu hồi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi
hoặc người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất còn lại theo
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất
còn lại trong thửa đất có nhà ở không đủ điều kiện được phép tách thửa khi Nhà
nước thu hồi đất phải được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái
định cư.
Điều 5. Xác định diện tích đất nông nghiệp để tính hỗ trợ
ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất
1. Diện tích đất nông nghiệp thu hồi để tính hỗ trợ ổn định đời sống
quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP được xác
định theo từng quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm
quyền, không cộng dồn diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi của các quyết
định thu hồi đất trước đó.
2. Diện tích đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống quy định tại
Điểm a Khoản 3 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP là diện tích đất nông
nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong phạm vi xã, phường, thị trấn
nơi có đất thu hồi tại thời điểm có quyết định thu hồi đất, bao gồm:
a) Đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá
nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27
tháng 9 năm 1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông
nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất
nông nghiệp; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số điều của Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho
hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp
và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định
lâu dài; giao đất lâm nghiệp khi thực hiện Nghị định số 02/CP ngày 15 tháng 01
năm 1994 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất
lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào
mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của
Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số
181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất
đai;
b) Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng mà hộ gia đình,
cá nhân đó thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định
của pháp luật về đất đai nhưng chưa được giao đất nông nghiệp và đang sử dụng
đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang
theo quy định của pháp luật, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất thu hồi xác
nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
c) Đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán
đất của nông, lâm trường quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm
nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ), khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng đang trực tiếp sản xuất nông
nghiệp, lâm nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên
đất đó.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất quy định tại Khoản 2
Điều này bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng mà việc thu
hồi đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người thu hồi đất thì Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp
hỗ trợ khác quy định tại Điều 25 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP cho phù hợp.
Điều 6. Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp do cán
bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao
động, thôi việc được hưởng trợ cấp) đang sử dụng đất
1. Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ
mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng quy định
tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng đang sử dụng
đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của
pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được
hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề
và tìm kiếm việc làm.
2. Hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang
làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp)
vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng
đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất
nông nghiệp của hộ gia đình đó thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công
chức, viên chức được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho
phù hợp.
Điều 7. Giấy tờ xác định về việc đã nộp tiền để được
sử dụng đất đối với trường hợp đất được
giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004
1. Việc xác định đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất
đối với trường
hợp đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng
7 năm 2004 quy định tại Điều 11 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP phải căn cứ vào
một trong các loại giấy tờ sau đây:
a) Biên lai, phiếu thu, hóa đơn thu tiền để được sử dụng đất, thu tiền
đền bù theo Quyết định số 186/HĐBT ngày 31 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ
trưởng về đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng khi chuyển sang sử dụng
vào mục đích khác;
b) Biên lai, phiếu thu, hóa đơn thu tiền theo quy định của Bộ Tài chính
tại thời điểm thu tiền;
c) Biên lai, phiếu thu, hóa đơn hoặc các loại giấy tờ khác do Ủy ban
nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức giao đất không đúng thẩm quyền xác lập
tại thời điểm thu tiền;
d) Giấy tờ biên nhận thu tiền của Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác
xã hoặc của cơ quan, tổ chức giao đất không đúng thẩm quyền đã được các cơ
quan, tổ chức (hoặc người đại diện) cấp cho hộ gia đình, cá nhân tại thời điểm
thu tiền.
2.
Trường hợp đất
được
giao không đúng thẩm quyền và người được giao đất đã nộp tiền
để được sử dụng đất mà giấy tờ chỉ còn lưu tại cơ quan, tổ chức đã thu tiền
hoặc cơ quan, tổ chức khác có liên quan thì cơ quan, tổ chức
đang lưu giữ giấy tờ đó có trách nhiệm cung cấp giấy tờ đang lưu giữ cho tổ
chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc cho người sử dụng đất để
tổ
chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn thiện phương án
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Điều 8. Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu
dự án riêng
Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án
riêng và tổ chức thực hiện độc lập được thực hiện theo quy định tại Khoản 1
Điều 29 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và được quy định cụ thể như sau:
1. Thời điểm tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư thành tiểu dự án riêng là thời điểm xét duyệt hoặc chấp thuận dự án đầu tư.
2. Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt được thực hiện độc lập nhưng phải đảm bảo yêu cầu về
tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Điều 9. Việc thẩm tra Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư
Việc thẩm tra Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (sau
đây gọi là Khung chính sách) quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số
47/2014/NĐ-CP được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định
Khung chính sách, Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ Khung
chính sách đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm tra. Hồ sơ gồm các tài liệu
chủ yếu sau đây:
a) Văn bản đề nghị thẩm tra Khung chính sách;
b) Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ;
c) Dự thảo Khung chính sách;
d) Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
2. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy
định, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến thẩm tra bằng văn bản gửi cho Bộ,
ngành có dự án đầu tư.
Điều 10. Nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Bộ,
ngành có dự án đầu tư lập, thẩm định và phê duyệt
Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Bộ, ngành có dự án đầu tư
lập, thẩm định và phê duyệt quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Nghị định số
47/2014/NĐ-CP gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi.
2. Dự kiến số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực
thu hồi đất.
3. Dự kiến số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Dự kiến địa điểm, diện tích đất khu vực tái định cư hoặc nhà ở tái
định cư, phương thức tái định cư.
5. Dự toán kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện phương án bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư.
6. Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
7. Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng cho dự
án.
Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung
nêu trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp
thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung
thì trong các nội dung quy định tại Điều này phải bao gồm cả khu vực thu hồi
đất để xây
dựng khu tái định cư tập trung đó.
Điều 11. Việc di chuyển các công trình gắn liền với đất do tổ
chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang quản lý sử dụng khi Nhà nước thu
hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất tại nơi có đất thu hồi có
trách nhiệm thông báo thời gian, tiến độ thu hồi đất cho tổ chức,
cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo đang quản lý sử dụng công trình
biết để di chuyển đến địa điểm khác; thời điểm thông báo di chuyển
công trình đồng thời với thời điểm thông báo thu hồi đất. Người đang quản lý sử
dụng công trình có trách nhiệm di chuyển công trình, bàn giao mặt bằng đúng
tiến độ.
Điều 12. Xử lý trường hợp tổ chức bị thu hồi đất nhưng không được bồi
thường về đất
1. Khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức mà bị thiệt hại về tài sản do
Nhà nước giao quản lý sử dụng; phải di dời đến cơ sở mới thì được sử dụng tiền
bồi thường tài sản để đầu tư tại cơ sở mới theo dự án đầu tư được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
2. Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả
tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
đã nộp có nguồn sốc từ ngân sách nhà nước; tổ chức được Nhà nước
giao đất không thu tiền tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng
năm khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất. Trường hợp tổ chức
phải di dời đến cơ sở mới thì được hỗ trợ bằng tiền theo dự án đầu tư được cấp
có thẩm quyền phê duyệt; mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường về đất đối
với đất thu hồi và do tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chi
trả.
Điều 13. Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư
Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thẩm định phương
án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân
cùng cấp phê duyệt.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với dự án đầu tư đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê
duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền nhưng đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 chưa thực hiện chi trả tiền
bồi thường thì việc xử lý bồi thường chậm thực hiện theo quy định của pháp luật
về
đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
2. Đối với dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung
chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng đến ngày 01 tháng 7
năm 2014 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với toàn bộ dự án chưa
được phê duyệt thì Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm rà soát phương án
bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 8 năm 2014.
Điều 16. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, thực hiện
Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh
về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét