V- CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ (ĐIỀU 24 BLHS) VÀ CẢI TẠO Ở ĐƠN VỊ KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘI (ĐIỀU 70 BLHS) (*)
1) Cải tạo không giam giữ là hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng (Điều 24 Bộ luật hình sự).
Bộ luật hình sự đã quy định rõ những tội phạm nào được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Đồng thời theo khoản 3 Điều 38 của Bộ luật hình sự thì cũng có thể áp dụng hình phạt này đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định phạt giam nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên được chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn. Hình phạt cải tạo không giam giữ không áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng, kể cả trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
2) Hình phạt cải tạo không giam giữ nhẹ hơn hình phạt tù giam, do đó, chỉ áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong những trường hợp sau đây:
- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
- Bị cáo không phải là người tái phạm về tội cố ý. Nếu bị cáo là người tái phạm về tội cố ý thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
- Bị cáo phải là người có căn cước, lý lịch rõ ràng, có nơi thường trú (vì trong hình phạt cải tạo không giam giữ, Điều 24 Bộ luật hình sự quy định là: “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để giám sát, giáo dục”). Do đó, nếu bị cáo không có căn cước, lý lịch rõ ràng, không có nơi thường trú thì không áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
3) Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, cho nên Tòa án còn có thể quyết định thêm hình phạt bổ sung mà luật có quy định đối với tội đó. Thí dụ: đối với tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa quy định trong khoản 1 Điều 137 thì Tòa án có thể quyết định thêm hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm một số chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời hạn từ 2 năm đến 5 năm.
4) Khi phạt cải tạo không giam giữ, thì trong bản án, Tòa án phải quyết định là giao người bị án cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nào giám sát, giáo dục và mức độ khấu trừ phần thu nhập của họ để sung quỹ Nhà nước (từ 5% đến 20%). Tuy nhiên, việc khấu trừ thu nhập không phải là việc bắt buộc nên phải xem xét điều kiện về kinh tế của bị cáo để xem có nên khấu trừ thu nhập của họ không. Trong trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ là người chưa thành niên thì Tòa án không được khấu trừ phần thu nhập của họ.
5) Nếu người bị kết án đã bị tạm giam thì thời hạn tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.
6) Hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội (Điều 24 và Điều 70 Bộ luật hình sự) thực chất cũng là hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng được áp dụng đối với quân nhân phạm tội.
Đối với người phạm tội là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp điều luật quy định hình phạt cải tạo không giam giữ, thì áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội quy định ở Điều 70 Bộ luật hình sự. Người bị kết án cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Đối với người thường dân phạm tội gây thiệt hại cho quân đội, bị Tòa án quân sự xét xử thì áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ quy định ở điều 24.
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét