VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Quán triệt các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Đề án; coi việc triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; tăng cường sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan chức năng hai nước; xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần bảo vệ an ninh biên giới.
2. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong vùng biên giới Việt Nam - Lào về hệ thống nội luật và các Hiệp định, Thỏa thuận song phương về biên giới hai nước, về nội dung của Thỏa thuận, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện Thỏa thuận.
3. Xây dựng đầu mối, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thông suốt và hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương có liên quan của ta với nhau và hợp tác giữa các Bộ, ngành hữu quan của ta và bạn, giữa các cặp tỉnh biên giới để triển khai thực hiện tốt Thỏa thuận, trong đó đặc biệt chú trọng việc hợp tác, phối hợp với phía Lào trong công tác xác minh, trao trả người không được cư trú và tài sản của họ, công tác nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư tự do trái phép trong vùng biên giới hai nước.
4. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới Việt Nam - Lào; rà soát các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Việt Nam - Lào để trên cơ sở đó nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành và áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào vùng biên giới; giải quyết hợp lý vấn đề đất đai, tạo việc làm nhằm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng biên giới, tạo nền tảng cho việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đóng góp tích cực cho việc ngăn chặn tái di cư tự do và di cư tự do mới.
5. Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, phương án chi tiết bố trí đất ở, đất sản xuất và chế độ chính sách hỗ trợ tái hòa nhập, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam - Lào do phía Lào trao trả để họ yên tâm làm ăn, sinh sống, tái hòa nhập vào xã hội và cộng đồng địa phương nơi cư trú.
6. Xây dựng, ban hành chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức các Bộ, ngành và địa phương hữu quan trực tiếp tham gia thực hiện Thỏa thuận; chế độ chi và mức chi cho các hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuận; dự trù kinh phí và biện pháp ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện Thỏa thuận.
7. Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách hiện hành, chủ yếu chi cho việc điều tra, thống kê, phân loại người di cư tự do; công tác quốc tịch, hộ tịch và cấp giấy tờ cần thiết khác cho người được cư trú; công tác phối hợp xác minh, tiếp nhận người không được cư trú, hỗ trợ tái hòa nhập; cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới và hỗ trợ cho Bạn theo quy định của Thỏa thuận.
Ngoài ra cần tích cực, chủ động huy động các nguồn lực khác, kể cả đầu tư nước ngoài, tài trợ của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các tổ chức quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, tạo tiền đề vật chất cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận.
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Quyết định 2627/QĐ-TTg】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét