Chương I
Thông tư liên tịch này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ủy thác tư pháp của Việt Nam là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
2. Ủy thác tư pháp của nước ngoài là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
3. Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam bao gồm:
a) Đương sự quy định tại Điều 152 và Điều 153 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đối với các yêu cầu tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự và tống đạt quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài làm phát sinh ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
4. Người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có yêu cầu ủy thác tư pháp với Việt Nam.
5. Công ước Tống đạt là Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
6. Kênh tống đạt chính là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu theo quy định từ Điều 2 đến Điều 7 của Công ước Tống đạt.
7. Kênh lãnh sự gián tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan đại diện lãnh sự của nước yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu theo quy định tại đoạn 1 Điều 9 của Công ước Tống đạt.
8. Kênh ngoại giao gián tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của nước yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu theo quy định tại đoạn 2 Điều 9 của Công ước Tống đạt.
9. Kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt cho người nhận thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước gửi mà không thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước nhận theo quy định tại Điều 8 của Công ước Tống đạt.
Điều 4. Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Pháp luật nước ngoài được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Tương trợ tư pháp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này;
b) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó;
c) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này hoặc việc áp dụng pháp luật nước ngoài không thực hiện được, Bộ Tư pháp trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc thông báo để Bộ Ngoại giao trả lời đối với các yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài được gửi qua kênh ngoại giao.
Điều 5. Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự
Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Tương trợ tư pháp trong những trường hợp sau đây:
1. Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam.
2. Việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Điều 6. Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự
1. Người có nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư liên tịch này phải nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia liên quan.
3. Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Mức thu, cơ quan có thẩm quyền thu và trình tự thu nộp phí, lệ phí ủy thác tư pháp của Việt Nam và ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
5. Căn cứ nội dung yêu cầu ủy thác tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí dịch thuật, công chứng, chứng thực hồ sơ ủy thác tư pháp;
b) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước ngoài;
c) Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước ngoài;
d) Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
6. Căn cứ nội dung yêu cầu ủy thác tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp do tổ chức, cá nhân có chức năng tống đạt thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Chi phí thu thập, cung cấp chứng cứ;
c) Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu đặc biệt của nước ngoài;
d) Chi phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này được thu nộp theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 của Thông tư liên tịch này.
Điều 7. Thu, nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Các chi phí thực tế phát sinh trong nước do người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam thanh toán trực tiếp cho người cung cấp dịch vụ.
2. Đối với chi phí thực tế do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu:
a) Trường hợp chi phí thực tế đã xác định được theo quy định của phía nước ngoài tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam thanh toán chi phí này với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia liên quan.
b) Trường hợp chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam phải nộp tạm ứng 3 triệu đồng tại cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam có trụ sở. Số tiền tạm ứng này được thanh toán cho chi phí thực tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
Điều 8. Trình tự chuyển và thanh toán tạm ứng chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam
Việc chuyển và thanh toán tạm ứng chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này được thực hiện như sau:
1. Cơ quan thi hành án dân sự mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại để thực hiện việc chuyển chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
2. Khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi văn bản này cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam theo quy trình tại Điều 15 của Thông tư liên tịch này.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi văn bản này và thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam về chi phí thực tế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp của Việt Nam, cơ quan thi hành án dân sự thanh toán chi phí thực tế cho phía nước ngoài như sau:
a) Trường hợp tiền tạm ứng đủ để thanh toán chi phí thực tế cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài, cơ quan thi hành án dân sự chuyển tiền cho phía nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
b) Trường hợp tiền tạm ứng không đủ để thanh toán chi phí thực tế cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thông báo khoản tiền còn thiếu và thời hạn cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam nộp bổ sung.
Hết thời hạn thông báo mà người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam không nộp bổ sung, cơ quan thi hành dân sự chuyển số tiền tạm ứng cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài sau khi đã trừ đi các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đã trả kết quả ủy thác tư pháp hoặc thông báo lại cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp để xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu nộp đủ chi phí thực tế trước khi thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam.
5. Sau khi chuyển tiền cho phía nước ngoài, cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam và người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam về công việc đã thực hiện, khoản tiền còn thiếu phải nộp bổ sung hoặc khoản tiền tạm ứng còn thừa.
Trong thông báo, cơ quan thi hành án dân sự nêu rõ thời hạn cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam nhận lại khoản tiền tạm ứng còn thừa (nếu có) đối với yêu cầu ủy thác tư pháp về thi hành án dân sự, tống đạt quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đối với yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trả lại khoản tiền tạm ứng còn thừa cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam khi có quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó.
6. Trường hợp không nhận được kết quả ủy thác tư pháp; ủy thác tư pháp không thực hiện được do người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp không nộp bổ sung tạm ứng chi phí; hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo không thu chi phí thực tế, cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp của Việt Nam ra quyết định hoàn trả cho người nộp tiền tạm ứng khi giải quyết xong vụ việc. Cơ quan thi hành án dân sự hoàn trả cho người nộp tiền tạm ứng theo quyết định này.
Điều 9. Thu, nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Trường hợp các chi phí thực tế đã xác định được tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền Việt Nam tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp thì cơ quan này phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nộp chi phí thực tế cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền Việt Nam.
2. Trường hợp chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định được chi phí thực tế, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về mức chi phí, phương thức nộp và thông báo thời gian nộp không quá 60 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn trong thông báo mà cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không nộp chi phí thực tế, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài thông báo về việc không thực hiện được ủy thác tư pháp và trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Quy trình thông báo về việc thu, nộp chi phí và trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài được thực hiện theo quy trình tại Điều 21 của Thông tư liên tịch này.
_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC】
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét