Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG【Nghị định 189/2025/NĐ-CP】

 Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh theo quy định tại khoản 2 Điều 37a của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2025 (sau đây gọi là Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 3. Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước

1. Căn cứ quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh quy định tại Nghị định này, nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền xử phạt; mức phạt tiền cụ thể của từng chức danh; thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt; thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính.

2. Việc quy định chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Điều 4. Xác định thẩm quyền xử phạt và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp

1. Vụ việc vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đóng tại địa phương đang thụ lý, giải quyết nhưng phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt, thì việc chuyển hồ sơ có thể được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, trường hợp không quy định tại các nghị định đó thì thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương;

b) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành, lĩnh vực quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm. Vụ việc vi phạm hành chính có hành vi thuộc trường hợp tại điểm c khoản 4 Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc vụ việc có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là bất động sản, tàu bay, tàu biển, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, các loại hàng hóa, phương tiện cồng kềnh, khó vận chuyển, chi phí vận chuyển cao thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

2. Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau mà trong đó có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thì thực hiện như sau:

a) Đối với những hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Đối với những hành vi không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chínhhàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu người đang giải quyết vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 và 17 của Nghị định này có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phụ thuộc vào thẩm quyền phạt tiền thì phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt trong ngành, lĩnh vực đó có thẩm quyền tịch thu không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

b) Nếu người đang giải quyết vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm;

c) Nếu người đang giải quyết vụ việc có căn cứ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

4. Thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét