Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG【Nghị định 188/2025/NĐ-CP】

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 68/2020/QH14, Luật số 30/2023/QH15 và Luật số 51/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Bảo hiểm y tế), bao gồm:

1. Quy định chi tiết các nội dung về:

a) Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 25 của Luật Bảo hiểm y tế;

b) Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Bảo hiểm y tế;

c) Phương thức thanh toán và việc áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 30 của Luật Bảo hiểm y tế;

d) Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm a và b khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế;

đ) Phân bổ và sử dụng quỹ theo quy định tại khoản 5 Điều 35 của Luật Bảo hiểm y tế;

e) Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 49 của Luật Bảo hiểm y tế.

2. Quy định các nội dung về:

a) Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế;

b) Mức đóng, mức hỗ trợ đóng, trách nhiệm và phương thức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm đ và e khoản 1 và khoản 7 Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế;

c) Cấp thẻ bảo hiểm y tế bản giấy và bản điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Bảo hiểm y tế;

d) Phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm a và c khoản 3 Điều 21 của Luật Bảo hiểm y tế;

đ) Mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm b khoản 1, các điểm e và h khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế; trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế và các trường hợp khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế;

e) Ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm y tế;

g) Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm c khoản 2, điểm a khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế;

h) Quản lý quỹ bảo hiểm y tế, quyết định nguồn tài chính để bảo đảm việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp mất cân đối thu, chi quỹ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm y tế;

i) Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 5 Điều 35 của Luật Bảo hiểm y tế;

k) Các trường hợp thuộc khoản 1 Điều 48b của Luật Bảo hiểm y tế nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế;

l) Chuyển tiếp đối với việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được ký trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 mà còn hiệu lực sau ngày 01 tháng 7 năm 2025.

3. Hướng dẫn thi hành một số nội dung sau đây:

a) Thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật Đấu thầu năm 2023 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 90/2025/QH15;

b) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện bảo hiểm y tế;

c) Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, địa phương, cơ quan, người có thẩm quyền về bảo hiểm y tế sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy;

d) Trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm y tế, bao gồm cả các đối tượng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

a) Người tham gia bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Người tham gia bảo hiểm y tế không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Người tham gia bảo hiểm y tế thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an áp dụng theo quy định riêng của Chính phủ đối với các đối tượng này.

Điều 3. Các trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế

Các trường hợp theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 48b của Luật Bảo hiểm y tế không bị coi là trốn đóng bảo hiểm y tế khi có một trong các lý do sau theo công bố của cơ quan có thẩm quyền về phòng, tránh thiên tai, tình trạng khẩn cấp, phòng thủ dân sự và phòng, chống dịch bệnh, bao gồm:

1. Bão, lũ, ngập lụt, động đất, hỏa hoạn lớn, hạn hán kéo dài và các loại thiên tai khác ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Dịch bệnh nguy hiểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng tài chính của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động.

3. Tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đột xuất, bất ngờ đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động.

4. Các sự kiện bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật dân sự.

Điều 4. Xác định số tiền phải nộp và hoàn trả chi phí cho người bệnh trong trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế

1. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế phải nộp số tiền đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Số tiền phải nộp đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế được xác định như sau:

Cđt = Pst x n x 0,03%

Trong đó:

- Cđt: Số tiền phải đóng trên số ngày chậm đóng, trốn đóng cho tháng t (t=1,2,3,…12)

- Pst: Số tiền phải đóng phát sinh của tháng t

- n: Số ngày chậm đóng, trốn đóng.

2. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người lao động trong trường hợp cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế thực hiện như sau:

a) Người lao động hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật của người lao động trực tiếp nộp hồ sơ theo thành phần quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 Nghị định này cho cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế;

b) Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật của người lao động trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán;

c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp bảng kê chi phí xác định số tiền người bệnh đã thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kèm theo hoá đơn hợp pháp theo đề nghị của người bệnh để làm cơ sở cho người bệnh đề nghị hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét