Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương IV BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN TƯ LIỆU【Luật Di sản văn hoá năm 2024】

Chương IV

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN TƯ LIỆU

 

Điều 53. Phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu gồm 02 thành tố là nội dung thông tin và vật mang tin.

2. Di sản tư liệu bao gồm:

a) Nội dung thông tin được thể hiện bằng ký tự, mật mã, chữ viết, hình vẽ trên vật mang tin là lá cây, xương, gỗ, đá, gốm, giấy, nhựa, vải, kính, kim loại hoặc trên vật mang tin có chất liệu khác;

b) Nội dung thông tin được thể hiện bằng âm thanh, hình ảnh tĩnh, động trên vật mang tin là phim, ảnh, bản ghi, bản thu âm và các vật mang tin gốc khác;

c) Nội dung thông tin được thể hiện bằng dạng số trên vật mang tin chứa đựng dữ liệu điện tử.

3. Di sản tư liệu được nhận diện theo các tiêu chí sau đây:

a) Bảo đảm tính xác thực gồm: nội dung thông tin gốc, đầy đủ được ghi lại có chủ đích trên vật mang tin gốc phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm tạo lập, quá trình hình thành, lưu giữ và quyền sở hữu;

b) Bảo đảm tính độc bản và độc đáo gồm: nội dung thông tin và hình thức, phong cách vật mang tin có giá trị tiêu biểu, duy nhất, hiếm có cho một loại hình, một giai đoạn lịch sử hay một nền văn hoá của quốc gia, khu vực hoặc thế giới;

c) Bảo đảm tính toàn vẹn gồm: nội dung thông tin gốc, hiện trạng của vật mang tin gốc;

d) Bảo đảm giá trị, ý nghĩa và ảnh hưởng gồm: nội dung thông tin có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được lưu truyền qua các thế hệ, đánh dấu các bước ngoặt của một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử gắn với địa điểm, sự kiện, con người; có ảnh hưởng đối với quốc gia, khu vực hoặc thế giới.

Điều 54. Kiểm kê di sản tư liệu và Danh mục kiểm kê di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu được nhận diện theo tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này phải được kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản tư liệu trong phạm vi quản lý. Danh mục kiểm kê di sản tư liệu phải được rà soát, cập nhật hằng năm.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm kêphê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di sản tư liệu trong phạm vi quản lý; rà soát, đưa ra khỏi Danh mục kiểm kê di sản tư liệu đối với di sản tư liệu không còn đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết Điều này.

Điều 55. Danh mục và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu được ghi danh, ghi danh bổ sung vào các danh mục sau đây:

a) Danh mục quốc gia về di sản tư liệu;

b) Danh mục của UNESCO bao gồm: Danh mục di sản tư liệu khu vực và Danh mục di sản tư liệu thế giới.

2. Tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu bao gồm:

a) Là di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê di sản tư liệu;

b) Đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này;

c) Có thể bảo quản được và có biện pháp bảo quản mang tính khả thi;

d) Được cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình, dòng họ hoặc nhóm người, cá nhân đồng thuận, tự nguyện đề cử, cam kết bảo vệ và phát huy giá trị.

3. Tiêu chí lựa chọn di sản tư liệu để lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung bao gồm:

a) Là di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu;

b) Đáp ứng tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

Điều 56. Ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu

1. Thẩm quyền ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu trên địa bàn hoặc trong phạm vi quản lý. Hồ sơ khoa học di sản tư liệu phải có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương thành lập;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định ghi danh, ghi danh bổ sung, công bố và cấp bằng ghi danh, ghi danh bổ sung cho di sản tư liệu được đưa vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương trình sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

2. Thẩm quyền đề nghị ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào các danh mục của UNESCO được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chủ trì lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu đề nghị ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu vào các danh mục của UNESCO;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chịu trách nhiệm lập hồ sơ khoa học di sản tư liệu đề nghị ghi danh, ghi danh bổ sung đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định;

c) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu của Việt Nam sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập. Hồ sơ khoa học di sản tư liệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

3. Thẩm quyền hủy bỏ ghi danh được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu thuộc Danh mục quốc gia về di sản tư liệu trong trường hợp di sản tư liệu không đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập;

b) Việc hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu của Việt Nam trong các danh mục của UNESCO thực hiện theo quy định, hướng dẫn của UNESCO.

4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu quy định tại Điều này.

Điều 57. Bảo quản di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu đã được ghi danh phải được bảo quản như sau:

a) Lập hồ sơ về hiện trạng di sản tư liệu và môi trường bảo quản;

b) Bảo quản thường xuyên theo quy định chung và các quy định đặc thù đối với di sản tư liệu;

c) Bảo quản phòng ngừa bằng các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa và hạn chế sự hủy hoại tự nhiên do thiên nhiên hoặc con người gây ra đối với di sản tư liệu;

d) Bảo quản trị liệu bằng các biện pháp khoa học, kỹ thuật và các biện pháp khác phù hợp nhằm loại trừ nguyên nhân gây hại và phục hồi một phần hư hỏng của di sản tư liệu;

đ) Chuyển dạng số, cập nhật, sao lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Kho bảo quản di sản tư liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được xây dựng phù hợp với yêu cầu bảo vệ, bảo quản theo loại hình và chất liệu của di sản tư liệu;

b) Bảo đảm các điều kiện về nhân lực, công nghệ, kỹ thuật cần thiết để bảo vệ, bảo quản di sản tư liệu;

c) Có ứng dụng khoa học, công nghệ bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo vệ, bảo quản di sản tư liệu;

d) Được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn theo quy định của pháp luật; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho việc quan sát, giám sát, phòng, chống trộm cắp, thiên tai, hỏa hoạn, hỏng và các yếu tố khác có thể gây hư hại đến di sản tư liệu.

3. Di sản tư liệu dạng âm thanh, hình ảnh phải được bảo quản trong kho đặc thù theo tiêu chuẩn về nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với loại hình, chất liệu, bảo đảm chế độ kỹ thuật; được kiểm tra định kỳ, bảo quản, tu sửa theo quy định tại khoản 1 Điều này bằng thiết bị chuyên dụng, phù hợp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Di sản tư liệu dạng số phải được lưu trữ bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, cấu trúc dữ liệu toàn vẹn, thống nhất, xác thực, đáp ứng về dung lượng, cập nhật trên hệ thống quản lý thông tin quốc gia, dữ liệu thường xuyên được sao lưu, bảo đảm an ninh, an toàn và khả năng truy cập trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân thực hiện bảo quản theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều nàyđối với di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO còn phải xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt. 

6. Di sản tư liệu thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng phải được bảo quản tại chỗ hoặc phù hợp với thực tế; được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan nhà nước có chức năng liên quan tùy theo khả năng và tình hình thực tiễn bảo đảm việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu.

7. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 58. Nghiên cứu và sưu tầm di sản tư liệu

1. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình, dòng họ, cá nhân được nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu ở trong nước và nước ngoài phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật này, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Di sản tư liệu được sưu tầm thông qua khảo sát điền dã, thu thập, tiếp nhận, chuyển giao, tặng cho, mua bán, trao đổi, chuyển quyền sở hữu và các hình thức sưu tầm khác theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Di sản tư liệu sau khi được sưu tầm, phải được xử lý kỹ thuật; lập, hoàn thiện và quản lý hồ sơ.

4. Trình tự, thủ tục, hồ sơ của hoạt động nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 59. Phục chế di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu đã được ghi danh được phục chế trong trường hợp bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.

2. Việc phục chế di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân được quy định như sau:

a) Có dự án phục chế di sản tư liệu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di sản tư liệu trên địa bàn trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản tư liệu trong các danh mục di sản tư liệu của UNESCO;

b) Quá trình phục chế phải bảo đảm tính chính xác, tính nguyên gốc về nội dung thông tin gốc và tính nguyên mẫu về chất liệu, hình thức của vật mang tin gốc, được thực hiện bởi người có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật truyền thống và quá trình tạo lập, chế tác gốc để thực hiện phục chế di sản tư liệu;

c) Việc thực hiện phục chế di sản tư liệu tuân thủ quy định tại Điều 47 và Điều 57 của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Di sản tư liệu dạng âm thanh, hình ảnh phải được đánh giá, xây dựng kế hoạch phục chế, hiệu chỉnh màu sắc hình ảnh, xử lý âm thanh trên cơ sở khoa học và phải chuyển dạng lưu trữ, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Di sản tư liệu dạng số phải được nghiên cứu và phục chế bằng phương tiện kỹ thuật trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và được chuyển đổi phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về an toàn thông tin mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Việc phục chế di sản tư liệu đã được ghi danh thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng được các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ liên quan hỗ trợ theo khả năng.

Điều 60. Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu

1. Di sản tư liệu thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị trong các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp và không được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác hoặc để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự.

2. Di sản tư liệu thuộc hình thức sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác, thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự và để thừa kế ở trong nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi chuyển quyền sở hữu di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, tổ chức, cá nhân sở hữu di sản tư liệu phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh nơi đã đăng ký di sản tư liệu về chủ sở hữu mới.

3. Di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này.

4. Di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia và các danh mục của UNESCO phải thực hiện đúng các cam kết về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu theo quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Di sản tư liệu được phát huy giá trị bằng các hình thức sau đây:

a) Công bố, giới thiệu các danh mục kiểm kê di sản tư liệu, danh mục ghi danh di sản tư liệu, dự án và đề án liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu;

b) Xuất bản ấn phẩm; trưng bày, triển lãm trực tiếp, trên môi trường điện tử và các hình thức khác;

c) Trao đổi, liên kết, hợp tác và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 61. Đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh

1. Đề án, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu đã được ghi danh gồm các nội dung sau đây:

a) Nghiên cứu, đánh giá khả năng tác động tiêu cực đến tính xác thực của nội dung thông tin và tính nguyên gốc của vật mang tin;

b) Nghiên cứu, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản tư liệu;

c) Truyền thông, quảng bá di sản tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường điện tử và hình thức khác;

d) Hỗ trợ hoạt động bảo vệ và quảng bá di sản tư liệu; đặc biệt trong trường hợp bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chịu trách nhiệm xây dựng, phê duyệt đề án, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu thuộc trách nhiệm quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định đề án, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; hướng dẫn báo cáo; xây dựng và gửi các báo cáo quốc gia theo yêu cầu của UNESCO.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 4 Điều này.

Điều 62. Đưa di sản tư liệu được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài; đưa di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước

1. Đưa di sản tư liệu được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước và nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

a) Phục vụ các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước;

b) Phối hợp nghiên cứu, tổ chức trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam;

c) Bảo quản di sản tư liệu mà cơ quan, tổ chức, gia đình, dòng họ, cá nhân sở hữu, quản lý không có khả năng thực hiện.

2. Việc đưa di sản tư liệu đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có thỏa thuận bằng văn bản hoặc hợp đồng và kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn cho việc đưa di sản tư liệu đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản với phía tiếp nhận;

b) Có quyết định hoặc văn bản đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trực tiếp quản lý, sở hữu di sản tư liệu;

c) Trường hợp đưa di sản tư liệu ra nước ngoài phải có bảo hiểm;

d) Có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương đối với di sản tư liệu trong Danh mục quốc gia về di sản tư liệu; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO;

đ) Có văn bản báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Trường hợp mượn di sản tư liệu để trưng bày, nghiên cứu ngoài điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, phía tiếp nhận phải cung cấp nội dung giới thiệu hoặc mục đích nghiên cứu phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và có trách nhiệm chi trả chi phí bảo vệ an toàn và bảo hiểm quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này.

4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về di sản tư liệu có giá trị có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước ưu tiên ngân sách nhà nước để mua và đưa di sản tư liệu có giá trị có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Di sản tư liệu được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam để tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và chi phí thực hiện được tính vào khoản chi phí hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế, các ưu đãi về thuế, phí liên quan khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí.

Điều 63. Bản sao di sản tư liệu

1. Bản sao di sản tư liệu là sản phẩm được làm từ bản gốc, giống bản gốc về nội dung thông tin và vật mang tin.

2. Việc làm bản sao di sản tư liệu chỉ được thực hiện nhằm mục đích bảo vệ, phát huy giá trị trong trường hợp di sản tư liệu dễ bị hư hại, cần phải hạn chế sử dụng.

3. Quy trình làm bản sao, chất liệu, số lượng, thời gian làm bản sao di sản tư liệu phải được thể hiện chi tiết và lưu trong hồ sơ.

4. Điều kiện làm bản sao di sản tư liệu bao gồm:

a) Có bản nội dung thông tin gốc để đối chiếu;

b) Có dấu hiệu riêng và ghi rõ thời gian chế tác trên bản sao để phân biệt với bản gốc;

c) Có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng trực tiếp quản lý, sở hữu di sản tư liệu;

d) Có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

5. Bản sao di sản tư liệu không có giá trị tương đương bản gốc, không thay thế được bản gốc; không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận; khi sử dụng phải có chú thích là bản sao.

6. Bản sao di sản tư liệu dạng âm thanh, hình ảnh và dạng số phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Việc làm bản sao di sản tư liệu trong các danh mục của UNESCO là tài liệu lưu trữ thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Căn cứ quy định của Chính phủ, mục đích, sự cần thiết của việc làm bản sao di sản tư liệu, người có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định số lượng bản sao được làm.

9. Sản phẩm làm giống di sản tư liệu nhưng không đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được xác định là làm giả di sản tư liệu.

10. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép làm bản sao; số lượng bản sao di sản tư liệu được làm.

_Xem toàn bộ văn bản>>>>Luật Di sản văn hoá năm 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét