Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương V BẢO TÀNG【Luật Di sản văn hoá năm 2024】

Chương V

BẢO TÀNG

 

Điều 64. Hệ thống bảo tàng Việt Nam

1. Hệ thống bảo tàng Việt Nam bao gồm:

a) Bảo tàng công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động, đại diện chủ sở hữu và được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

b) Bảo tàng ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

2. Bảo tàng có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Thành lập bảo tàng công lập

1. Bảo tàng công lập được thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hiện vật, sưu tập hiện vật theo một hoặc nhiều chủ đề;

bCó trưng bày, kho và thiết bị kỹ thuật, công nghệ hoặc có dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày nội thất, trưng bày ngoài trời phù hợp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật, sưu tập hiện vật quy định tại điểm a khoản này và các hoạt động thường xuyên khác của bảo tàng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

c) Có nhân lực chuyên môn phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập bảo tàng công lập được quy định như sau:

a) Đối với bảo tàng là đơn vị sự nghiệp công lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập thực hiện theo quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Đối với bảo tàng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập thực hiện theo quy định của pháp luật điều chỉnh việc thành lập cơ quan, tổ chức chủ quản của bảo tàng;

c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản xác nhận đủ điều kiện thành lập bảo tàng công lập quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 66. Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập

1. Việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập phải có phương án quản lý bảo đảm an ninh, an toàn đối với hiện vật và hồ sơ kiểm kê hiện vật của bảo tàng.

2. Cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền thành lập bảo tàng quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập hoặc pháp luật điều chỉnh cơ quan, tổ chức chủ quản của bảo tàng.

Điều 67. Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập

1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được quy định như sau:

a) Có hiện vật, sưu tập hiện vật theo một hoặc nhiều chủ đề; hiện vật là di vật, cổ vật phải được đăng ký theo quy định tại Điều 43 của Luật này;

b) Có trưng bày phục vụ khách tham quan;

c) Có đề án tổ chức và hoạt động.

2. Việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được quy định như sau:

a) Giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được cấp cho tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập được cấp lại trong trường hợp bị hư hỏng hoặc bị mất;

c) Giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau: tự nguyện giải thể; vi phạm quy định tại một trong các khoản 3, 4, 7, 10, 11 và 12 Điều 9 của Luật này; không còn đủ điều kiện hoạt động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này; bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định của pháp luật; trường hợp khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh quyết định cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn.

4Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Nhiệm vụ của bảo tàng

1. Bảo tàng có các nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

b) Sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, bảo quản, phục chế và quản lý hiện vật thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

c) Trưng bày hiện vật tại bảo tàng, trên môi trường điện tử; trưng bày ở trong nước và nước ngoài;

d) Diễn giải, truyền thông và giáo dục di sản văn hóa thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

đ) Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của bảo tàng;

e) Quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của bảo tàng;

g) Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với tính chất, nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

i) Tổ chức hoạt động dịch vụ theo quy định tại Điều 77 và Điều 81 của Luật này; thu và sử dụng phí, giá tham quan theo quy định của pháp luật;

k) Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này.

Điều 69. Xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng và thẩm quyền xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng

1. Việc xếp hạng bảo tàng căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây:

a) Số lượng và giá trị của hiện vật, sưu tập hiện vật;

b) Chất lượng kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục và truyền thông;

c) Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật;

d) Mức độ chuẩn hóa nhân lực chuyên môn, nghiệp vụ;

đ) Hiệu quả hoạt động.

2. Bảo tàng được xếp hạng như sau:

a) Bảo tàng hạng I;

b) Bảo tàng hạng II;

c) Bảo tàng hạng III.

3. Việc xếp lại hạng bảo tàng được quy định như sau:

a) Thời hạn xem xét việc xếp lại hạng bảo tàng là 05 năm, kể từ ngày có quyết định xếp hạng lần trước;

b) Trường hợp bảo tàng bảo đảm tiêu chuẩn hạng cao hơn, được xem xét xếp lại hạng trước thời hạn.

4. Thẩm quyền xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương chỉ đạo lập, thẩm định hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quyết định xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng II, hạng III sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng, tổ chức kiểm tra thực tế, quyết định xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng I, có ý kiến bằng văn bản đối với việc xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng hạng II, hạng III.

5. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng. 

Điều 70. Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập

1. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Có đề cương trưng bày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ý kiến của Hội đồng khoa học về bảo tàng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập.

Việc phê duyệt đề cương trưng bày phải được thực hiện trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập. Đối với dự án thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư thì việc phê duyệt đề cương trưng bày phải được thực hiện trước khi quyết định chủ trương đầu tư;

b) Đáp ứng điều kiện an ninh, an toàn cho hiện vật, quản lý, sử dụng bảo tàng, thực hiện nhiệm vụ của bảo tàng quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

c) Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập phải được cơ quan chủ trì thẩm định gửi kèm văn bản đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Hoạt động sưu tầm hiện vật của bảo tàng

1. Bảo tàng được sưu tầm hiện vật ở trong nước và nước ngoài phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.

2. Bảo tàng tổ chức việc sưu tầm hiện vật thông qua các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này và thông qua mua bán di vật, cổ vật theo quy định tại Điều 80 của Luật này.

3. Việc sưu tầm hiện vật phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 72. Hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật của bảo tàng

1. Hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật của bảo tàng bao gồm:

a) Tiếp nhận, phân loại, đăng ký, sắp xếp, theo dõi tình hình xuất, nhập và tình trạng bảo quản hiện vật;

b) Lập và quản lý hồ sơ liên quan đến hiện vật;

c) Bổ sung thông tin về hiện vật;

d) Nghiên cứu xây dựng sưu tập hiện vật;

đ) Xây dựng hệ thống phiếu tra cứu hiện vật;

e) Tin học hóa hệ thống quản lý hiện vật.

2. Hồ sơ kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật được lập, quản lý, lưu trữ bằng văn bản và bằng công nghệ thông tin.

Điều 73. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng

1. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng bao gồm:

a) Sắp xếp hiện vật và tổ chức kho để bảo quản;

b) Lập hồ sơ về hiện trạng hiện vật và môi trường bảo quản;

c) Tổ chức việc bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu hiện vật.

2. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng phải được thực hiện với tất cả hiện vật trong kho, đang trưng bày và khi đưa ra ngoài bảo tàng.

3. Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan đến hiện vật.

Điều 74. Hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng

1. Hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm:

a) Trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề tại bảo tàng;

b) Trưng bày có thời hạn ở trong nước và nước ngoài;

c) Trưng bày trên môi trường điện tử;

d) Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

2. Trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm các quy định sau đây:

a) Phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng;

b) Chú trọng trưng bày hiện vật gốc; thông tin về hiện vật và nội dung trưng bày phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác;

c) Bản phục chế, bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu phải được chú thích rõ ràng;

d) Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải phù hợp với nội dung trưng bày của bảo tàng;

đ) Thuận lợi cho việc tham quan và bảo đảm an ninh, an toàn cho hiện vật, khách tham quan;

e) Tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 75. Hoạt động giáo dục của bảo tàng

1. Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm:

a) Hướng dẫn tham quan; tổ chức hoạt động trải nghiệm;

b) Tổ chức chương trình giáo dục;

c) Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề.

2. Hoạt động giáo dục phải phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng; nhu cầu học tập, hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Điều 76. Hoạt động truyền thông của bảo tàng

1. Hoạt động truyền thông của bảo tàng bao gồm:

a) Giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại chúng và trên môi trường điện tử;

b) Tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chúng;

c) Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động của bảo tàng;

d) Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong nước và nước ngoài;

đ) Tổ chức phát triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của bảo tàng.

2. Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp với nội dung, đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 77. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng

1. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng bao gồm:

a) Cung cấp thông tin, tư liệu về di sản văn hóa;

b) Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch;

c) Tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng;

d) Giám định di vật, cổ vật;

đ) Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu tư vấn lập hồ sơ khoa học di tích;

e) Cung cấp dịch vụ sản phẩm lưu niệm, văn hóa phẩm của bảo tàng;

g) Bảo quản, phục chế, làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu; cung cấp dịch vụ sử dụng, khai thác di sản văn hóa theo quy định tại Điều 88 của Luật này;

h) Hợp tác khai quật khảo cổ;

i) Hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng;

k) Dịch vụ gửi, lưu giữ hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu;

l) Tổ chức cửa hàng lưu niệm, dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác.

2. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bảo tàng công lập được sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công để thực hiện các hoạt động dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này, theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết điểm k khoản 1 Điều này.

_Xem toàn bộ văn bản>>>>Luật Di sản văn hoá năm 2024        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét