Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương V. Mục 4 THẨM TRA VIÊN TÒA ÁN, THƯ KÝ TÒA ÁN【Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024】

 Mục 4

THẨM TRA VIÊN TÒA ÁN, THƯ KÝ TÒA ÁN

 

Điều 111. Thẩm tra viên Tòa án

Thẩm tra viên Tòa án là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra hồ sơ vụ án, vụ việc và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Điều 112. Tiêu chuẩn Thẩm tra viên Tòa án

1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, liêm khiết và trung thực.

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.

3. Là công chức Tòa án.

4. Đã được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên Tòa án hoặc nghiệp vụ xét xử.

5. Có thời gian làm công tác pháp luật.

6. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 113. Điều kiện bổ nhiệm Thẩm tra viên Tòa án

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 112 của Luật này và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được xem xét bổ nhiệm Thẩm tra viên Tòa án:

1. Đã làm Thư ký Tòa án từ đủ 03 năm trở lên;

2. Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 03 năm trở lên.

Điều 114. Ngạch Thẩm tra viên Tòa án

1. Thẩm tra viên Tòa án có các ngạch sau đây:

a) Thẩm tra viên;

b) Thẩm tra viên chính;

c) Thẩm tra viên cao cấp.

2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết điều kiện của từng ngạch và việc nâng ngạch Thẩm tra viên Tòa án.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định cơ cấu tỷ lệ các ngạch Thẩm tra viên Tòa án tại các Tòa án.

Điều 115. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên Tòa án

1. Thẩm tra viên Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Nghiên cứu, đề xuất việc thụ lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

b) Nghiên cứu văn bản yêu cầu, đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thẩm tra hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đề xuất phương án giải quyết;

c) Kiểm tra, thẩm định tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật;

d) Tham mưu, thực hiện nhiệm vụ trong công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án;

đ) Nghiên cứu các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để đề xuất lựa chọn, phát triển án lệ;

e) Tham mưu tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử;

g) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm tra viên Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án.

3. Thẩm tra viên Tòa án chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 116. Thư ký Tòa án

Thư ký Tòa án là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật này được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm để thực hiện thủ tục tố tụng,  nhiệm vụ hành chính, tư pháp và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Điều 117. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thư ký Tòa án

Công dân Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì được xem xét bổ nhiệm Thư ký Tòa án:

1. Có trình độ cử nhân luật trở lên;

2. Được tuyển dụng làm công chức Tòa án;

3. Được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án.

Điều 118. Ngạch Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án có các ngạch sau đây:

a) Thư ký viên;

b) Thư ký viên chính;

c) Thư ký viên cao cấp.

2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết điều kiện của từng ngạch và việc nâng ngạch Thư ký Tòa án.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định cơ cấu tỷ lệ các ngạch Thư ký Tòa án tại các Tòa án.

Điều 119. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Tòa án

1. Thư ký Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Làm Thư ký phiên tòa, tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện nhiệm vụ hành chính, tư pháp và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Chánh án;

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Thư ký Tòa án chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 120. Chế độ, chính sách đối với Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án

Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

1. Được hưởng tiền lương, phụ cấp theo quy định tại Điều 142 của Luật này;

2. Được cấp trang phục, Giấy chứng nhận chức danh tư pháp để làm nhiệm vụ;

3. Được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

4. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

_Xem toàn bộ văn bản>>>>【Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét