Nội dung Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật được biên tập lại từ 04 nguồn chính: https://vbpl.vn/; www.congbao.hochiminhcity.gov.vn; https://congbao.chinhphu.vn/ và https://www.ipvietnam.gov.vn /

218 DANH MỤC VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Chương II. SÁT HẠCH LÁI XE【Thông tư 12/2025/TT-BCA】

 Chương II

SÁT HẠCH LÁI XE

Điều 4. Hình thức, nội dung và quy trình sát hạch lái xe

1. Sát hạch lý thuyết

a) Sát hạch lý thuyết: gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; kỹ thuật lái xe; nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường (đối với hạng B1 và hạng B trở lên); đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (đối với hạng B trở lên).

Thí sinh dự sát hạch lái xe hạng A1, A có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực được miễn sát hạch lý thuyết;

b) Sát hạch lý thuyết thực hiện trên máy vi tính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Sát hạch thực hành lái xe trong hình

a) Đối với hạng A1, A

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp kết hợp thiết bị chấm điểm tự động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Người dự sát hạch phải điều khiển xe mô tô qua 04 bài sát hạch: đi theo hình số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cản, qua đường gồ ghề;

b) Đối với hạng B1

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp, sát hạch viên không ngồi trên xe sát hạch. Người dự sát hạch phải điều khiển xe tiến qua hình chữ chi lùi theo hướng ngược lại;

c) Đối với các hạng B, C1, C, D1, D2, D

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp sử dụng thiết bị chấm điểm tự động; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

Người dự sát hạch phải điều khiển xe qua các bài sát hạch đã bố trí tại trung tâm sát hạch lái xe gồm: xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, qua đường vòng quanh co, ghép xe vào nơi đỗ (hạng B và C1 thực hiện ghép xe dọc; hạng B, C, D1, D2 và D thực hiện ghép xe ngang), tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua, thao tác khi gặp tình huống nguy hiểm, thay đổi số trên đường bằng, kết thúc;

d) Đối với các hạng BE, D1E, D2E, DE

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp, sát hạch viên không ngồi trên xe sát hạch. Người dự sát hạch điều khiển xe qua bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại;

đ) Đối với hạng C1E, CE

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp, sát hạch viên không ngồi trên xe sát hạch. Người dự sát hạch điều khiển xe qua 02 bài sát hạch: tiến qua hình có 05 cọc chuẩn và vòng trở lại; ghép xe dọc vào nơi đỗ.

3. Sát hạch thực hành lái xe trên đường

a) Đối với các hạng B, C1, C, D1, D2, D

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp sử dụng thiết bị chấm điểm tự động, có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch. Người dự sát hạch điều khiển xe ô tô sát hạch, xử lý các tình huống trên đường giao thông và thực hiện theo hiệu lệnh của sát hạch viên;

b) Đối với các hạng BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE

Thực hiện sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp, có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch.

4. Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đối với các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE: người dự sát hạch phát hiện các thời điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc quan sát các tình huống mô phỏng xuất hiện trên máy tính và đưa ra các thao tác xử lý tình huống đó.

5. Quy trình sát hạch lái xe

a) Hạng A1 và A thực hiện theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hạng B1 thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Các hạng B, C1, C, D1, D2, D thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; các hạng BE, D1E, D2E, DE thực hiện theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; hạng C1E, CE thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Tiêu chuẩn kỹ thuật sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô

1. Đối với sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô trang bị máy tính để sát hạch lý thuyết và thiết bị chấm điểm tự động để sát hạch lái xe trong hình

Sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, gồm: hình của các bài sát hạch, xe sát hạch, thiết bị sát hạch lý thuyết, thiết bị sát hạch thực hành lái xe trong hình, phòng chờ sát hạch, phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình.

2. Đối với sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô tổ chức sát hạch lý thuyết bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy và sát hạch trong hình bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp

Sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, gồm: hình của các bài sát hạch, xe sát hạch, phòng chờ sát hạch, phòng sát hạch lý thuyết.

Điều 6. Hội đồng sát hạch

1. Hội đồng sát hạch được thành lập theo quyết định tổ chức kỳ sát hạch lái xe do Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Giám đốc Công an cấp tỉnh) ban hành, gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là chỉ huy Đội thuộc Phòng Cảnh sát giao thông;

c) Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo Trung tâm sát hạch lái xe;

d) Sát hạch viên;

đ) Thư ký Hội đồng là cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông.

2. Hội đồng sát hạch làm việc phải có tối thiểu 2/3 số lượng thành viên tham dự, quyết định theo đa số; trường hợp các thành viên trong Hội đồng có ý kiến ngang nhau thì thực hiện theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng sát hạch tự giải thể khi kết thúc kỳ sát hạch.

3. Khi làm nhiệm vụ sát hạch, Phó Chủ tịch, thư ký, sát hạch viên phải có thẻ sát hạch viên còn thời hạn, giấy phép lái xe còn điểm, còn hiệu lực.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sát hạch

a) Chỉ đạo, kiểm tra và yêu cầu hoàn thiện các điều kiện tổ chức kỳ sát hạch;

b) Phân công và sắp xếp kế hoạch thực hiện kỳ sát hạch;

c) Phổ biến, hướng dẫn các quy định, nội quy sát hạch và các quy định cần thiết cho các sát hạch viên và người dự sát hạch biết và chấp hành;

d) Kiểm tra xe sát hạch, thiết bị chấm điểm, sân sát hạch, phương án đảm bảo an toàn trong quá trình sát hạch;

đ) Tổ chức kỳ sát hạch theo quy định;

e) Lập biên bản các trường hợp vi phạm để xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định;

g) Yêu cầu thí sinh bồi thường thiệt hại nếu để xảy ra tai nạn do lỗi của thí sinh dự sát hạch gây ra trong quá trình sát hạch;

h) Tổng hợp kết quả kỳ sát hạch và ký xác nhận biên bản;

i) Gửi các văn bản, tài liệu của kỳ sát hạch để lưu trữ tại trung tâm sát hạch lái xe;

k) Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng sát hạch theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Tiêu chuẩn sát hạch viên, thư ký Hội đồng sát hạch

1. Tiêu chuẩn của sát hạch viên thuộc lực lượng Công an nhân dân

a) Là sĩ quan thuộc lực lượng Công an nhân dân;

b) Có giấy phép lái xe tương ứng với hạng xe sát hạch từ 03 năm trở lên, còn điểm, còn hiệu lực;

c) Đã được Cục Cảnh sát giao thông tập huấn về nghiệp vụ sát hạch, kiểm tra đạt yêu cầu và cấp thẻ sát hạch viên. Thẻ sát hạch viên có thời hạn tối đa 03 năm và không quá thời hạn hiệu lực của giấy phép lái xe tương ứng hạng xe sát hạch của sát hạch viên.

2. Tiêu chuẩn của thư ký: là sĩ quan nghiệp vụ thuộc lực lượng Công an nhân dân đang công tác trong lĩnh vực sát hạch, cấp giấy phép lái xe; có thẻ sát hạch viên.

Điều 8. Tập huấn, kiểm tra và cấp, đổi, cấp lại, thu hồi thẻ sát hạch viên thuộc lực lượng Công an nhân dân

1. Tổ chức tập huấn

a) Căn cứ tình hình thực tế hoặc theo đề nghị của Phòng Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát giao thông tổ chức tập huấn để cấp thẻ sát hạch viên;

b) Phòng Cảnh sát giao thông rà soát, lập danh sách cán bộ (kèm theo 02 ảnh chân dung chụp chính diện trên nền xanh, mặc trang phục theo Điều lệnh Công an nhân dân, khổ 2 x 3 cm) đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 7 Thông tư này tham gia tập huấn gửi về Cục Cảnh sát giao thông;

c) Cục Cảnh sát giao thông tiếp nhận, ra quyết định tổ chức lớp tập huấn kèm theo danh sách học viên đủ điều kiện tham dự tập huấn, tổ chức tập huấn.

2. Nội dung tập huấn

a) Tập huấn lý thuyết, nghiệp vụ

Văn hóa ứng xử của sát hạch viên khi thực thi nhiệm vụ, kỹ năng giao tiếp.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến công tác sát hạch lái xe, gồm các nội dung:  nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sát hạch, sát hạch viên; quy trình sát hạch lý thuyết, mô phỏng, trong hình và trên đường; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động sát hạch; cung ứng dịch vụ công lĩnh vực sát hạch; quy định về vi phạm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sát hạch lái xe.

Kiến thức chung về cấu tạo, nguyên lý hoạt động thiết bị chấm điểm tự động và phương pháp kiểm tra thiết bị sát hạch gồm: xe sát hạch, các trang thiết bị phục vụ, thiết bị chấm điểm tự động; phương án đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức sát hạch; hướng dẫn sử dụng hệ thống chương trình phần mềm liên quan đến thiết bị chấm điểm tự động; phương pháp chấm điểm các nội dung sát hạch của các hạng xe bằng hình thức trắc nghiệm, tự động, cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt; phương pháp bảo hiểm tay lái khi sát hạch lái xe ô tô trên đường;

b) Tập huấn thực hành tại trung tâm sát hạch lái xe

Học viên được tập huấn thực hành nghiệp vụ sát hạch viên tại trung tâm sát hạch lái xe bao gồm các nội dung sau: thực hành kiểm tra các trang thiết bị phục vụ và thiết bị chấm điểm tự động; thực hành nhiệm vụ của sát hạch viên khi sát hạch lý thuyết, sát hạch trên phần mềm mô phỏng, sát hạch lái xe trong hình và sát hạch lái xe trên đường; thực hành kỹ năng lái xe và bảo hiểm tay lái khi sát hạch lái xe trên đường; thực hành các tình huống giả định khi xảy ra sự cố kỹ thuật trong quá trình sát hạch.

3. Kiểm tra

Học viên dự tập huấn phải đảm bảo tham gia đầy đủ nội dung chương trình tập huấn mới đủ điều kiện để được dự kiểm tra. Điểm kiểm tra kết thúc chương trình tập huấn bao gồm: điểm bài thu hoạch được chấm theo thang điểm 10, điểm kiểm tra từ 05 điểm trở lên là đạt yêu cầu; điểm kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính theo bộ câu hỏi sát hạch lái xe và thực hành lái xe theo kết quả đạt yêu cầu theo quy định tại các Phụ lục II, III, IV, VVI ban hành kèm theo Thông tư này (trừ nội dung lái xe trên đường) và kỹ năng bảo hiểm tay lái khi sát hạch lái xe trên đường.

4. Hình thức tổ chức tập huấn, kiểm tra: tập trung.

5. Cán bộ hướng dẫn tập huấn và kiểm tra là cán bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

6. Cấp thẻ sát hạch viên: học viên dự tập huấn có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu tất cả các nội dung kiểm tra thì được cấp thẻ sát hạch viên; trường hợp học viên dự tập huấn có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu một trong các nội dung kiểm tra thì phải tham gia đợt tập huấn tiếp theo để được kiểm tra và cấp thẻ sát hạch viên.

7. Thẻ sát hạch viên được đổi khi bị sai thông tin hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc bị hỏng.

8. Thẻ sát hạch viên được cấp lại khi bị mất.

9. Thẻ sát hạch viên bị thu hồi khi cấp sai đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Điều 9. Chuẩn bị kỳ sát hạch

1. Tiếp nhận hồ sơ

a) Hồ sơ đề nghị sát hạch do cơ sở đào tạo gửi Phòng Cảnh sát giao thông trước kỳ sát hạch ít nhất 07 ngày làm việc;

b) Hồ sơ đề nghị sát hạch của cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Phòng Cảnh sát giao thông trước kỳ sát hạch ít nhất 07 ngày làm việc.

2. Kiểm tra hồ sơ

a) Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái xe, Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra, đối chiếu điều kiện của người dự sát hạch theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Thông tư này; duyệt hồ sơ thí sinh dự sát hạch, lập biên bản kiểm tra hồ sơ theo quy định tại mẫu số 01 Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức kỳ sát hạch cho người nộp hồ sơ; báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành quyết định tổ chức kỳ sát hạch lái xe; đối với hồ sơ không hợp lệ thì thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện theo quy định;

b) Trường hợp người dự sát hạch giấy phép lái xe hạng A1 là người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, hồ sơ dự sát hạch phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt;

c) Trường hợp người không đạt kết quả sát hạch, có nhu cầu đăng ký sát hạch lại, Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra, đối chiếu với biên bản xác nhận vắng, trượt của Hội đồng sát hạch kỳ trước, trường hợp không có tên thì không được tham dự sát hạch lại.

3. Phòng Cảnh sát giao thông căn cứ số lượng học viên dự sát hạch, tiến hành rà soát và đề xuất danh sách sát hạch viên.

4. Phòng Cảnh sát giao thông báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành quyết định tổ chức kỳ sát hạch lái xe theo quy định tại mẫu số 04 Phụ lục VIII kèm theo danh sách thí sinh dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo quy định tại mẫu số 06 Phụ lục VIII, danh sách thí sinh có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo quy định tại mẫu số 05 Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trước kỳ sát hạch ít nhất 02 ngày làm việc, Phòng Cảnh sát giao thông phải báo cáo Cục Cảnh sát giao thông, thông báo cho cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, người dự sát hạch trực tiếp nộp hồ sơ về quyết định tổ chức kỳ sát hạch. Việc thông báo qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tài khoản định danh điện tử hoặc hình thức phù hợp khác.

Điều 10. Trình tự tổ chức sát hạch

1. Họp Hội đồng sát hạch và khai mạc kỳ sát hạch

a) Trước khi tổ chức sát hạch, Chủ tịch Hội đồng sát hạch tổ chức họp Hội đồng, phân công nhiệm vụ của từng thành viên trong Hội đồng sát hạch;

b) Tổ chức khai mạc kỳ sát hạch để công bố quyết định tổ chức kỳ sát hạch, phổ biến các nội dung có liên quan của kỳ sát hạch cho người dự sát hạch.

2. Sát hạch theo hình thức, nội dung, quy trình sát hạch quy định tại Điều 4 và các Phụ lục IIIIIIVV và VI ban hành kèm theo Thông tư này

3. Kết thúc kỳ sát hạch

Chủ tịch Hội đồng sát hạch tổ chức họp Hội đồng, Tổ giám sát (nếu có), thư ký Hội đồng báo cáo kết quả kỳ sát hạch. Chủ tịch Hội đồng sát hạch thông qua biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe với các thành viên Hội đồng, thống nhất, ký tên và đóng dấu vào biên bản tổng hợp kết quả kỳ sát hạch lái xe theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. Chủ tịch Hội đồng sát hạch ký tên và đóng dấu vào biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe của thí sinh dự sát hạch theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;

Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe của thí sinh đạt kết quả kỳ sát hạch là hồ sơ gốc, giao cho người đạt kết quả kỳ sát hạch tự bảo quản. Phòng Cảnh sát giao thông tích hợp biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe của thí sinh vào hệ thống thông tin về sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Điều 11. Giám sát kỳ sát hạch

1. Căn cứ tình hình thực tế, Cục Cảnh sát giao thông thành lập Tổ giám sát để tổ chức giám sát kỳ sát hạch.

2. Thành phần Tổ giám sát:

a) Cán bộ Cục Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe, có thẻ sát hạch viên hạng B trở lên còn thời hạn, có thâm niên trong công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe tối thiểu 03 năm;

b) Cán bộ có kiến thức chuyên môn về pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp;

c) Số lượng người giám sát đối với kỳ sát hạch lái xe mô tô tối thiểu là 02 người, sát hạch lái xe ô tô tối thiểu là 03 người.

3. Khi làm nhiệm vụ giám sát các kỳ sát hạch, cán bộ giám sát phải mặc trang phục Công an nhân dân.

4. Nhiệm vụ của Tổ giám sát khi giám sát kỳ sát hạch lái xe

a) Giám sát việc thực hiện đúng nội dung, quy trình sát hạch của Hội đồng sát hạch, bảo đảm tính công khai, khách quan, minh bạch trong quá trình sát hạch;

b) Giám sát việc kiểm tra nhận dạng thí sinh trước khi vào phòng sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe trong hình, trên đường; người không có nhiệm vụ không được vào phòng sát hạch lý thuyết;

c) Giám sát việc tổ chức sát hạch thực hành lái xe trên đường, tiêu chuẩn đoạn đường tổ chức sát hạch;

d) Cán bộ giám sát làm việc độc lập, không làm thay nhiệm vụ của sát hạch viên;

đ) Giám sát việc chuẩn bị bộ đề sát hạch lý thuyết đúng quy định, không bị đánh dấu khi giám sát sát hạch lái xe tại sân tập lái dùng để sát hạch lái xe quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

5. Quyền hạn của Tổ giám sát

a) Khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản, đề nghị Hội đồng sát hạch xử lý kịp thời, đúng quy định;

b) Đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng liên quan đến nội dung, quy trình sát hạch, kết quả sát hạch, Tổ giám sát phải lập biên bản và báo cáo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, xử lý.

6. Kết thúc kỳ sát hạch, Tổ giám sát báo cáo bằng văn bản kết quả giám sát với Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

Điều 12. Công nhận kết quả sát hạch

1. Xét công nhận kết quả sát hạch đối với thí sinh dự sát hạch lái xe hạng A1, A và B1

a) Thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe trong hình thì được công nhận đạt kết quả kỳ sát hạch;

b) Thí sinh không đạt nội dung sát hạch lý thuyết thì được tiếp tục dự nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình;

c) Thí sinh đạt một trong các nội dung sát hạch lý thuyết hoặc thực hành lái xe trong hình thì được bảo lưu kết quả nội dung sát hạch đã đạt trong thời gian 01 năm kể từ ngày đạt kết quả sát hạch; nếu có nhu cầu dự sát hạch phải có tên trong biên bản xác nhận vắng, trượt của Hội đồng sát hạch kỳ trước và giấy khám sức khỏe của người lái xe còn hiệu lực hoặc có tên trong hệ thống thông tin sát hạch lái xe.

2. Xét công nhận kết quả sát hạch đối với thí sinh tham dự sát hạch lái xe hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE

a) Thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết, sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông, sát hạch thực hành lái xe trong hình và sát hạch thực hành lái xe trên đường thì được công nhận đạt kết quả kỳ sát hạch;

b) Thí sinh đạt một trong các nội dung sát hạch lý thuyết, sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông, sát hạch thực hành lái xe trong hình hoặc sát hạch thực hành lái xe trên đường thì được công nhận kết quả nội dung sát hạch đó và được bảo lưu kết quả nội dung sát hạch đạt trong thời gian 01 năm kể từ ngày đạt kết quả sát hạch; nếu muốn dự sát hạch lại phải có giấy khám sức khỏe của người lái xe còn hiệu lực và phải có tên trong biên bản xác nhận vắng, trượt của Hội đồng sát hạch hoặc có tên trong hệ thống thông tin sát hạch lái xe;

c) Trường hợp thí sinh không đạt một trong các nội dung sát hạch quy định tại điểm a khoản này thì được tiếp tục sát hạch các nội dung còn lại.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch, Phòng Cảnh sát giao thông rà soát, tổng hợp kết quả và chuyển dữ liệu người đạt kết quả sát hạch về Cục Cảnh sát giao thông để cấp giấy phép lái xe, đồng thời báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh kết quả kỳ sát hạch.

4. Thí sinh mang điện thoại hoặc thiết bị truyền tin vào phòng sát hạch lý thuyết, phòng sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông, trên xe sát hạch hoặc có các hành vi gian dối khác làm sai lệch kết quả sát hạch sẽ bị đình chỉ, hủy bỏ kết quả sát hạch.

5. Thí sinh không đạt kết quả sát hạch có thể đăng ký sát hạch lại tại đơn vị tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Điều 13. Sát hạch lái xe đối với người khuyết tật

1. Sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1 điều khiển xe mô tô ba bánh

a) Thí sinh thực hiện sát hạch lý thuyết và sát hạch lái xe trong hình theo nội dung và quy trình quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; sát hạch tại trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân tập lái dùng để sát hạch lái xe mô tô có đủ điều kiện, có hai sát hạch viên chấm điểm trực tiếp;

b) Hình sát hạch theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

2. Sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B số tự động

a) Sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B số tự động cho người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái: thí sinh thực hiện đủ nội dung và quy trình sát hạch quy định tại Điều 4 Thông tư này; sát hạch tại trung tâm sát hạch lái xe, có hai sát hạch viên ngồi trên xe chấm điểm trực tiếp nội dung sát hạch lái xe trong hình và trên đường;

b) Sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng B số tự động cho người khuyết tật, trừ người khuyết tật bàn chân phải hoặc bàn tay phải hoặc bàn tay trái: thí sinh thực hiện đủ nội dung và quy trình sát hạch quy định tại Điều 4 Thông tư này; sát hạch tại trung tâm sát hạch lái xe.

Điều 14. Sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 đối với người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt

1. Nội dung và quy trình sát hạch lái xe: thực hiện theo nội dung và quy trình sát hạch lái xe hạng A1 quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Thông tư này.

2. Việc tổ chức sát hạch được thực hiện như sau: tổ chức sát hạch riêng. Sát hạch lý thuyết bằng hình thức hỏi - đáp; sử dụng phương pháp trắc nghiệm trên giấy; thời gian thi là 30 phút. 02 sát hạch viên thực hiện nhiệm vụ, sát hạch lần lượt cho từng thí sinh; mỗi thí sinh chọn ngẫu nhiên 01 đề sát hạch trong bộ đề; 01 sát hạch viên đọc câu hỏi và quan sát thí sinh, 01 sát hạch viên đánh dấu nhân (x) vào ô tương ứng mà thí sinh chọn trên bài sát hạch lý thuyết. Sát hạch viên chấm điểm, ký tên xác nhận vào bài sát hạch lý thuyết, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe và thông báo kết quả sát hạch cho thí sinh. Trường hợp thực hiện nội dung sát hạch thông qua người phiên dịch, người phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi của sát hạch viên và câu trả lời của thí sinh; cơ sở đào tạo lái xe hoặc người dự sát hạch thuê người phiên dịch.

3. Thí sinh ký tên hoặc điểm chỉ tại vị trí ký tên trong biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe, bài sát hạch lý thuyết, biên bản sát hạch thực hành lái xe trong hình.

Điều 15. Người dự sát hạch lái xe

1. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Được cơ đào tạo lái xe xác nhận hoàn thành khóa đào tạo lái xe hoặc được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ đào tạo.

Điều 16. Hồ sơ dự sát hạch lái xe

1. Hồ sơ đề nghị sát hạch do cơ sở đào tạo lái xe nộp gồm: Báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch theo mẫu 02 Phụ lục VIII kèm theo danh sách thí sinh đề nghị sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu 03 Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này và hồ sơ đề nghị sát hạch của cá nhân theo quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều này.

2. Hồ sơ đề nghị sát hạch của cá nhân nộp tại Phòng Cảnh sát giao thông

a) Đề nghị sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo hoặc xác nhận hoàn thành khóa đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE;

c) Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cấp còn hiệu lực;

d) Bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc một trong các giấy tờ sau: thẻ tạm trú, thẻ thường trú, chứng minh thư ngoại giao, chứng minh thư công vụ (đối với người nước ngoài).

3. Hồ sơ đề nghị sát hạch cấp giấy phép lái xe do quá thời hạn sử dụng, do giấy phép lái xe mất và quá thời hạn sử dụng của cá nhân nộp tại Phòng Cảnh sát giao thông

a) Đề nghị sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc một trong các giấy tờ sau: thẻ tạm trú, thẻ thường trú, chứng minh thư ngoại giao, chứng minh thư công vụ (đối với người nước ngoài);

c) Giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp hoặc xác nhận của cơ quan đã cấp đối với trường hợp mất giấy phép lái xe (đối với giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp);

d) Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cấp còn hiệu lực;

đ) Bản sao giấy tờ chứng minh thôi không còn phục vụ trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (đối với trường hợp giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp, giấy phép lái xe trong Công an nhân dân).

Điều 17. Lưu trữ hồ sơ kết quả sát hạch

1. Sau mỗi kỳ sát hạch, Phòng Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ của kỳ sát hạch, bao gồm:

a) Quyết định tổ chức kỳ sát hạch lái xe;

b) Danh sách thí sinh dự sát hạch;

c) Biên bản kiểm tra hồ sơ thí sinh;

d) Báo cáo, đề xuất tổ chức sát hạch kèm theo danh sách thí sinh dự sát hạch; báo cáo rà soát và đề xuất danh sách sát hạch viên tham gia kỳ sát hạch;

đ) Biên bản phân công nhiệm vụ của Hội đồng sát hạch lái xe;

e) Biên bản tổng hợp kết quả kỳ sát hạch;

g) Danh sách thí sinh đạt, vắng, trượt các nội dung sát hạch.

2. Trường hợp cơ sở đào tạo lái xe có sân tập lái dùng để thực hiện sát hạch lái xe mô tô phải lưu trữ dữ liệu giám sát sát hạch; dữ liệu kết quả sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình với thời hạn 03 năm, trừ sân tập lái quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

3. Trung tâm sát hạch lái xe lưu trữ hồ sơ của kỳ sát hạch bao gồm:

a) Các tài liệu quy định tại các điểm a, e, g khoản 1 Điều này;

b) Dữ liệu giám sát sát hạch; dữ liệu kết quả sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và sát hạch thực hành lái xe trên đường;

c) Danh sách, kết quả sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

4. Thí sinh tự bảo quản Biên bản tổng hợp kết quả sát hạch.

5. Thời gian lưu trữ hồ sơ

a) 05 năm đối với các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) 02 năm đối với các tài liệu quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

6. Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm hướng dẫn Phòng Cảnh sát giao thông thực hiện việc số hóa, lưu trữ dữ liệu hồ sơ kết quả sát hạch.

_Xem toàn bộ văn bản>>>>Thông tư 12/2025/TT-BCA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét